Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chẳng thể nào cưỡng lại sức quyến rũ của mùa thu Tây Bắc, chúng tôi quyết định thực hiện chuyến hành trình trên cung đường di sản ruộng bậc thang.
Bão số 6, số 7 vừa tan, mưa cũng tạm ngừng và nắng bừng lên. Anh bạn đồng nghiệp của tôi dưới Hà Nội đã réo điện thoại bảo thấy mấy đoàn “phượt” Tây Bắc vừa up ảnh ruộng bậc thang lúa chín trên facebook, đẹp quá! Ừ nhỉ. Mùa lúa chín trên Tây Bắc đến rồi. Chân lại thèm đi, tay lại thèm được dang rộng giữa mênh mông đất trời, đôi mắt thèm được ngắm những tràn ruộng bậc thang tít tắp, như những cung đàn màu vàng miên man khắp núi đồi. Chẳng thể nào cưỡng lại sức quyến rũ của mùa thu Tây Bắc, chúng tôi quyết định thực hiện chuyến hành trình trên cung đường di sản ruộng bậc thang.
Chiến thắng cung đường khó
Sau những cơn mưa lớn vào cuối tháng 8, Tỉnh lộ 158 từ xã A Mú Sung lên xã Y Tý (Bát Xát) có hàng chục điểm sạt lở lớn, nhỏ khiến các phương tiện có thời điểm không thể nào qua được. Mấy hôm vừa rồi, hơn chục chiếc máy xúc của Công ty Cổ phần Đường bộ Lào Cai được huy động đã làm việc hết công suất cả ngày lẫn đêm để thông tuyến lên Y Tý. Tuy nhiên, những đoạn đường mới khắc phục vẫn lầy lội bùn đất và trơn trượt là trở ngại không nhỏ đối với bất kỳ tay lái nào.
Trên cung đường ấy, nguy hiểm nhất là tại Km 15, thuộc địa phận thôn Ngải Chồ (xã A Mú Sung) có một ngầm qua suối bị lũ phá tan và Km 16, đoạn qua thôn Tả Suối Câu (xã A Lù) có cả mảng sườn núi sạt xuống làm khoảng 200 m đường ngổn ngang bùn đất, phải trầy trật mãi chúng tôi mới vượt qua được.
Đứng trên cao nhìn xuống mới thấy sức tàn phá kinh hoàng của lũ quét và sạt lở đất. Có ngôi nhà gỗ bị lũ cuốn phăng xuống vực tan tành, chiếc máy tuốt lúa ngập trong bùn đất, còn ngôi nhà nhỏ ở Tả Suối Câu may mắn nằm kẹp giữa hai vệt núi sạt lở, nhìn lạnh sống lưng.
Qua đỉnh dốc A Lù, mặc dù đường vẫn chưa hết khó đi, nhưng cảm giác mệt mỏi, sợ hãi đều tan biến khi hiện ra trước mắt chúng tôi là sườn núi và thung lũng ruộng bậc thang đẹp mê hồn. Ở dải đất nhô ra giống một nửa mâm xôi, những tràn ruộng bậc thang uốn lượn như hàng vạn con sóng vỗ trên triền núi.
Thời điểm này lúa đang từ màu xanh ngả sang màu vàng, có những mảng màu vàng xanh xen kẽ hoặc vàng rực lên, càng tô điểm cho kỳ quan ruộng bậc thang nơi đây thêm rực rỡ. Phía bên kia là vùng đất của nước bạn Trung Quốc với đồi núi trùng điệp.
Có thể nói, ruộng bậc thang trên vùng biên giới Lào Cai không chỉ đem lại cuộc sống no ấm cho người dân, mà còn mang giá trị to lớn về lịch sử, là mốc địa giới lãnh thổ và là cái nôi tạo nên bản sắc văn hóa các dân tộc.
Sóng vàng” Bát Xát. Ảnh: Ngọc Bằng
Miên man thu vàng Tây Bắc
Từ A Lù sang xã Ngải Thầu, Y Tý, ruộng bậc thang đẹp mãn nhãn, tôi không tìm được ngôn từ nào để miêu tả, chỉ có thể cảm nhận bằng cả tâm hồn. Cảm giác, nếu không chớp ngay những hình ảnh tuyệt vời đó thì mọi thứ sẽ tan biến như một giấc mơ, chúng tôi không ai bảo ai chạy vội lên mỏm đá cao nhất để bấm máy.
Bấm nhiều đến nỗi pin nguồn báo chỉ còn một vạch, thẻ nhớ cũng sắp đầy, mà vẫn chưa thỏa, vẫn chưa hết cái cảm giác khao khát. Cảm giác giống như sau chặng đường leo dốc sắp kiệt sức vì mệt và khát, bỗng hái được một quả cam căng mọng vậy.
Dưới thung lũng Thiên Sinh, nắng chiếu xiên sườn núi, lúa vàng mênh mông, xen giữa biển vàng ấy là những ngôi nhà tường đất đơn sơ của đồng bào Mông, Hà Nhì và những lũy tre xanh ngắt. Có một con đường bê tông uốn lượn qua lớp lớp sóng núi, xa hơn nữa là suối đá lớn chia bức tranh ruộng bậc thang khổng lồ thành hai nửa.
Đẹp hơn cả là thôn Chỏn Thèn, Lao Chải của xã Y Tý với những ngôi nhà vách đất trông giống những cây nấm khổng lồ mọc bên biển lúa vàng. Khung cảnh thơ mộng như trong một câu chuyện cổ tích.
Đang đắm mình trong mùa thu vàng trên đỉnh Y Tý, chúng tôi gặp một đoàn phượt gồm nhiều bạn trẻ chung niềm đam mê với ruộng bậc thang mùa lúa chín. Anh Vũ Hải Đăng, một thành viên trong đoàn cho biết, đoàn của họ từ Hải Phòng lên Sa Pa, thăm thung lũng Mường Hoa, rồi theo Tỉnh lộ 151 qua Tả Giàng Phìn sang Bản Xèo và ngược Mường Hum lên Y Tý. Anh bảo mình đã đến nhiều vùng đất, nhưng chưa bao giờ được khám phá một cung đường đẹp và hấp dẫn như vậy.
Ruộng bậc thang ở Sa Pa, Bát Xát thật xứng đáng là “đệ nhất kỳ quan ruộng bậc thang Tây Bắc”, là di sản cấp quốc gia, được nhiều tạp chí, trang thông tin điện tử về du lịch trong và ngoài nước tôn vinh.
Trải nghiệm không gian văn hóa ruộng bậc thang
Trên hành trình khám phá cung đường di sản ruộng bậc thang Bát Xát, Sa Pa, du khách không chỉ được tận hưởng cảm giác mạnh khi đổ đèo qua những khúc cua tay áo, vượt qua đoạn đường sạt lở khó đi, hay được thư thái ngắm bức tranh mùa thu vàng mà còn được trải nghiệm nhiều điều thú vị.
Anh Đăng vui vẻ chia sẻ thêm: Khi đoàn chúng tôi đến Sa Pa, Bát Xát, điều thú vị hơn cả là được hiểu thêm phong tục, tập quán trong sinh hoạt, lao động của đồng bào miền núi qua văn hóa ruộng bậc thang đậm sắc màu Tây Bắc. Các bạn nữ trong đoàn rất hứng thú khi được xắn quần lội ruộng, cầm liềm gặt lúa với bà con dân tộc thiểu số.
Có bạn lúc đầu còn sợ bùn đất làm bẩn quần áo, làm nứt nẻ chân tay, nhưng sau thấy rằng với người nông dân, chuyện đó rất bình thường thì họ đã không ngần ngại tham gia. Điều đó giúp chúng tôi càng cảm nhận được nỗi vất vả của nông dân miền núi và trân trọng những hạt lúa vàng.
Đoàn “phượt” chụp ảnh người dân Y Tý thu hoạch lúa.
Hoàng Thùy Anh, một bạn trẻ khác cũng không giấu nổi cảm xúc chia sẻ: “Đến vùng đất Ngải Thầu, Y Tý đúng dịp Lễ hội mùa thu, em được trải nghiệm không gian văn hóa của đồng bào Hà Nhì, Mông, Dao nơi đây.
Nghe người dân kể chuyện, em hiểu thêm về những nhọc nhằn của bà con khi đời này sang đời khác đào mương dẫn nước, xẻ núi làm ruộng bậc thang, rồi từ lúc vỡ ruộng, cày bừa, cấy cây lúa xuống cho đến khi hạt lúa chín vàng như bây giờ.
Kỳ quan ruộng bậc thang Lào Cai cho thấy sáng tạo trong lao động của người dân miền núi, đặc biệt là bản sắc văn hóa qua các hoạt động như lễ hội xuống đồng, lễ mừng cơm mới và các món ăn đặc trưng: Bánh chưng đen, bánh giày, xôi bảy màu, cơm lam, rượu thóc, bia Hà Nhì…
Buổi tối hôm ấy, chúng tôi nghỉ lại một homestay ở xã Y Tý. Tôi cùng các bạn trẻ trong đoàn “phượt” vào bếp nhóm lửa nấu cơm bằng bếp củi khói cay xè mắt mũi, được thưởng thức bữa cơm của đồng bào Hà Nhì.
Những hạt cơm mới được thu hoạch về từ ruộng bậc thang mang hương vị dẻo thơm của núi đồi và bàn tay lao động chăm chỉ của nông dân. Mỗi hạt cơm đều chứa đựng trong đó câu chuyện dài về hành trình khai hoang mở đất, làm ruộng bậc thang của đồng bào các dân tộc trên một miền di sản.
Nguồn baolaocai