Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hành vi cung cấp, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, tiết lộ, thu thập trái phép dữ liệu thông tin cá nhân tuỳ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, thời gian qua, đơn vị đã phát hiện nhiều đường dây, tổ chức, cá nhân có hoạt động thu thập, mua bán dữ liệu cá nhân trái phép.
Vài năm gần đây, trên không gian mạng, hoạt động mua bán thông tin cá nhân diễn ra rất sôi động. Trên các trang web có tên “Datakhachhang”, “Danhsachkhachhang...”, những dòng quảng cáo như: “Ðến với chúng tôi bạn sẽ sở hữu gói data khách có tổng thu nhập cao...”, “Chuyên cung cấp chính xác, đầy đủ khách hàng các ngành, nghề...”.
Ngoài việc mua bán, cũng có những trường hợp cung cấp dữ liệu cá nhân mà mình biết cho người khác, không vì động cơ vụ lợi, mà đơn giản chỉ như là một cách để chứng minh khả năng “hack” tài khoản của mình.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, việc bán dữ liệu cá nhân trái phép trên mạng hiện nay được thực hiện theo các hình thức chính: nhân viên quản trị hệ thống cơ sở dữ liệu thu thập trái phép dữ liệu trong hệ thống sau đó bán ra ngoài; các doanh nghiệp chủ động thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng phục vụ kinh doanh, nhưng không thực hiện biện pháp bảo vệ tương xứng, dẫn tới bị lộ, bị chiếm đoạt hoặc nhân viên quản trị hệ thống thu thập rồi bán ra ngoài... Các đối tượng khi chiếm đoạt được dữ liệu thì công khai quảng cáo, tìm kiếm người mua thông qua các trang mạng xã hội, hoặc các diễn đàn mua bán dữ liệu cá nhân.
Các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ việc, tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra bởi các văn bản pháp luật quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa đầy đủ; các trường hợp mua bán dữ liệu cá nhân thực hiện với phương thức, thủ đoạn tinh vi, áp dụng nhiều tiến bộ của khoa học - công nghệ; nhận thức, ý thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân chưa cao.
Báo Lao Ðộng Online ngày 6.6.2021 có bài Bán dữ liệu của khách hàng cho tội phạm: khi niềm tin bị đánh cắp có đoạn: “…khách hàng vốn tin tưởng, gửi gắm tài sản vào ngân hàng. Các thông tin của họ bị mua bán, không khác gì việc “niềm tin bị đánh cắp”.
Trong thời đại công nghệ số, kinh tế số, kết nối toàn cầu như hiện nay thì dữ liệu thông tin cá nhân không đơn giản chỉ là bí mật đời tư cá nhân mà còn liên quan đến tài sản, đến sự an toàn, tính mạng, sức khoẻ và đời sống cá nhân…”.
Hành vi cung cấp, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, tiết lộ, thu thập trái phép dữ liệu thông tin cá nhân tuỳ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ðặc biệt, nguy hiểm hơn nếu đây là hành vi của người có trách nhiệm hoặc trực tiếp quản lý nguồn dữ liệu thông tin các nhân của các tổ chức tài chính, ngân hàng, kinh doanh mạng xã hội, mạng bưu chính viễn thông làm lộ, lọt thông tin khách hàng gây ảnh hưởng đến sự an toàn và bảo mật và thanh danh uy tín, cũng như thiệt hại về vật chất đối với khách hàng mà mình có trách nhiệm quản lý.
Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NÐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức xử phạt có thể lên đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, trong trường hợp cán bộ, nhân viên người lao động vi phạm quy định này thì người vi phạm có thể bị buộc thôi việc.
Về hình sự, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu một trong các tội sau đây:
“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Ðiều 174 BLHS 2015 (bổ sung sửa đổi 2017). Người có hành vi này, có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù lên đến 20 năm hoặc chung thân và mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng;
“Mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng” theo Ðiều 291 BLHS với mức hình phạt về cải tạo không giam giữ, phạt tiền tương đương với Ðiều 174 và mức phạt tù cao nhất lên đến 7 năm;
“Làm giả tài liệu của tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Ðiều 341 BLHS với mức hình phạt về cải tạo không giam giữ, phạt tiền tương đương với Ðiều 174 và mức phạt tù cao nhất lên đến 5 năm…
Ngoài ra, những người cùng phạm tội với tư cách chủ mưu, trực tiếp thực hiện tội phạm, xúi giục, giúp sức… sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Ðiều 17 BLHS về “Ðồng phạm” và theo điều luật mà người đứng đầu tổ chức thực hiện hành vi tội phạm bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử…
Hiện nay, khi mạng xã hội phát triển như vũ bão, việc chia sẻ, đăng lại thông tin vì động cơ vụ lợi, hoặc chỉ vì nghe theo sự lôi kéo của người khác… không hiếm. Nhiều người vẫn nghĩ việc mình làm không ai biết, không xảy ra hậu quả… hoặc nếu có bị phát hiện cũng không bị xử phạt.
Ðiều này là hoàn toàn sai vì mọi hành vi vi phạm đều có thể bị trừng trị nếu cơ quan chức năng chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội của người vi phạm với thiệt hại mà nạn nhân phải gánh chịu.
Luật sư Phan Văn Vĩnh