Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hạt giống từ trái đất lần đầu tiên nảy mầm trên mặt trăng
Thứ tư: 14:01 ngày 16/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Một hạt bông đã nảy mầm và đang phát triển trên tàu thăm dò Hằng Nga-4 của Trung Quốc đổ bộ mặt trăng ngày 3-1.

Một hình ảnh gửi về từ tàu thăm dò Hằng Nga-4 cho thấy hạt bông nảy mầm bên trong "sinh quyển mặt trăng mini"

Tân Hoa Xã dẫn Giáo sư Xie Gengxin, Viện Nghiên cứu Công nghệ Tiên tiến (ATRI) tại Đại học Trùng Khánh, người đứng đầu thiết kế thí nghiệm, cho biết: "Đây là lần đầu tiên con người thực hiện các thí nghiệm tăng trưởng sinh học trên bề mặt mặt trăng".

Các hình ảnh được công bố ngày 15-1 cho thấy, hạt bông đã nảy mầm trong "sinh quyển mặt trăng mini" do các nhà khoa học Đại học Trùng Khánh thiết kế, một thùng chứa làm bằng hợp kim nhôm đặc biệt, cao 19,8 cm, đường kính 17,3 cm và nặng 2,6 kg, bên trong giữ nước, đất, không khí, hệ thống kiểm soát nhiệt và 2 máy ảnh nhỏ.

Bên trong "sinh quyển" này là các hạt bông, cải dầu, khoai tây và arabidopsis (một loài cây hoa nhỏ họ mù tạt), cùng trứng ruồi giấm và men nấm.

Hơn 170 bức ảnh đã được 2 máy ảnh chụp và gửi về cho thấy một mầm bông đã nảy mầm và đang phát triển, dù chưa có hạt nào khác được thấy nảy mầm.

Tàu Hằng Nga-4 cũng được trang bị các thiết bị do các nhà khoa học Trung Quốc, Thụy Điển và Đức phát triển để nghiên cứu môi trường mặt trăng, bức xạ vũ trụ và sự tương tác giữa gió mặt trời với bề mặt mặt trăng.

Tàu đã thả một robot có tên Thỏ Ngọc-2 để thực hiện các thí nghiệm trong miệng núi lửa Von Kármán.

Đại học Trùng Khánh cho biết, 4 sứ mệnh mặt trăng đã được lên kế hoạch, xác nhận việc phóng một tàu thăm dò vào cuối năm nay để mang về các mẫu vật từ mặt trăng.

Hằng Nga-4 là tàu thăm dò đầu tiên của con người đổ bộ mặt tối của mặt trăng, một bước tiến lớn của Trung Quốc trong con đường trở thành một siêu cường không gian.

Nguồn SGGPO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục