Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Hãy cất vang bài Quốc ca bằng tất cả trái tim mình
Thứ bảy: 15:21 ngày 03/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Có những bài hát đã vượt qua khuôn khổ của giai điệu, ca từ và trở thành biểu tượng thiêng liêng của một dân tộc. Quốc ca của Việt Nam - bài “Tiến quân ca” (Văn Cao) - là một “mốc son” của âm nhạc trong dòng chảy lịch sử của nước nhà.

Mỗi lần bài hát ấy vang lên, tôi như nghe thấy tiếng vọng từ quá khứ hào hùng của dân tộc, từ trái tim của hàng triệu con người Việt Nam đã sống, đang sống và sẽ tiếp tục bước trên dải đất hình chữ S này. Và tôi tự nhủ: Hãy cất vang bài Quốc ca bằng tất cả trái tim mình, vì đó là nơi mà tình yêu bắt đầu.

Tôi không thể đếm được mình đã nghe và hát Quốc ca bao nhiêu lần trong đời. Những buổi sáng thứ hai dự lễ chào cờ đầu tuần, những lễ tưởng niệm, trên khán đài một trận bóng đầy cảm xúc, hay trong những thời khắc trọng đại của dân tộc… Cảm xúc trong tôi vẫn vẹn nguyên. Khoảnh khắc đứng nghiêm trang dưới lá cờ Tổ quốc tung bay trên nền trời xanh thẳm, âm thanh “Đoàn quân Việt Nam đi…” vang lên trầm hùng, dõng dạc.

Bỗng chốc, mọi âm thanh khác như lùi lại, chỉ còn nhịp đập con tim hoà cùng khúc tráng ca thiêng liêng. Và tôi hát, tôi hát bằng tình yêu, bằng lòng biết ơn, và bằng cả niềm tự hào được mang trong mình dòng máu lạc hồng.

Quốc ca không chỉ là bản nhạc để mở đầu nghi lễ mà còn là biểu tượng tinh thần – một bản hùng ca của dân tộc đã đi qua chiến tranh, đói nghèo, đau thương và vẫn đứng dậy, ngẩng cao đầu.

Trong từng câu hát ấy là khói lửa chiến trường, là tiếng bước chân hành quân, là những lời hứa thầm lặng nơi chiến hào. Mỗi âm tiết là một dấu chấm son của lịch sử, là khí phách của cha ông, là lòng dũng cảm của những người chưa từng chùn bước trước kẻ thù tàn bạo.

Những câu hát ấy không phải là chuyện kể. Đó là lời hiệu triệu thiêng liêng của lịch sử, là tiếng gọi đứng dậy của một dân tộc từng bị vùi dập dưới bom đạn kẻ thù nhưng không bao giờ chịu khuất phục.

Khi hát những lời ấy, ta không chỉ đơn thuần là ca hát – ta đang tiếp bước một cuộc trường chinh vệ quốc để non sông mãi ca khúc khải hoàn, nơi mỗi người con Việt đều là một chiến sĩ bảo vệ hồn thiêng sông núi.

Thật xúc động khi đọc những trang viết của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” trước khi anh lên đường ra trận: “Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên sân trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta! Khóc không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì cảm động”.

Một câu chuyện cũng khiến tôi nhớ mãi. Hồi còn học cấp hai, chúng tôi được dự lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng lịch sử Tua Hai (huyện Châu Thành, Tây Ninh).

Đứng cạnh bên tôi, một bác thương binh, chống chiếc nạng gỗ, nước mắt lặng rơi khi gặp lại những người đồng đội năm xưa, họ cùng nhau ôn lại câu chuyện đời lính, về những đồng đội đã ngã xuống, những trận chiến khốc liệt, những tháng năm không bao giờ quên.

Và khi bài hát Quốc ca vang lên, trong không khí trang nghiêm, giữa đất trời trầm lắng, bác thương binh đứng thẳng, ánh mắt của ông rực sáng lạ thường.

Mỗi câu chữ như thấm đẫm vào trái tim người lính già, từng nhịp điệu như khắc sâu trong ông niềm tự hào về một dân tộc kiên cường, về những con người sẵn sàng vị quốc vong thân.

Tôi luôn tưởng tượng rằng, nếu trong một khoảnh khắc nào đó, từ đồng bằng đến miền núi, từ biên giới đến hải đảo, từ lớp học đến sân ga – mọi người cùng đứng lên, cùng hát Quốc ca, thì đó sẽ là một bản hợp xướng lớn nhất, mạnh mẽ nhất và thiêng liêng nhất của đất nước mình. Mỗi tiếng hát là một ngọn lửa yêu nước, là một trái tim hướng về Tổ quốc, là lời hứa gìn giữ, xây dựng và bảo vệ từng tấc đất đến hơi thở cuối cùng.

Hát Quốc ca bằng tất cả trái tim – không phải là nhiệm vụ, mà là danh dự. Không phải là thói quen, mà là lý tưởng sống.

Trong một thế giới nhiều biến động, hãy giữ cho mình một điểm tựa. Hãy để lời Quốc ca là nơi ta tìm lại bản thân, tìm lại lòng tự hào, sự đoàn kết và lòng biết ơn. Bởi chỉ khi một dân tộc biết trân trọng bài Quốc ca của mình, dân tộc ấy mới có thể giữ vững tinh thần, vượt qua mọi gian nguy.

Hãy thử một lần dừng lại, đặt tay lên ngực trái và hát Quốc ca. Bạn sẽ cảm thấy điều kỳ diệu: Một sự kết nối sâu sắc với hàng triệu con người Việt Nam khác – dù họ đang sống ở quê hương hay một nơi xa xôi nào đó ngoài dải đất hình chữ S. Hãy để tiếng hát ấy trở thành một phần trong hành trình sống – để bạn không bao giờ quên mình là ai, mình đến từ đâu, và mình đang gìn giữ điều gì.

Và nếu bạn hỏi tôi, điều gì làm nên một người Việt Nam chân chính? Tôi sẽ không ngần ngại trả lời: Đó là người dù ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào, cũng có thể đứng thẳng, ngẩng cao đầu, và hát Quốc ca – bằng tất cả trái tim mình.

Mai Thảo

Tin cùng chuyên mục