Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hãy dũng cảm để con không là học sinh giỏi !
Chủ nhật: 19:28 ngày 26/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Khi số lượng học sinh đạt thành tích tốt, học sinh giỏi ngày càng nhiều và tâm lý mong muốn con đạt điểm cao đã trở nên phổ biến dẫn đến áp lực cho con, thì vẫn còn rất nhiều phụ huynh cho rằng có nhiều thứ khác quan trọng hơn điểm số.

Phụ huynh đồng hành, chia sẻ cùng con để việc học là niềm vui bồi đắp kiến thức và những kỹ năng cần thiết khác chứ không phải áp lực học hành

NGỌC DƯƠNG

Người mẹ xin cho con xuống hạnh kiểm khá

Khi học sinh bị “đày đọa” bởi cha mẹ “cuồng” điểm

Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, cho rằng: “Cứ vào mỗi cuối năm học, học trò - “những kẻ yếu thế”, lại tiếp tục trở thành nạn nhân bị “đày đọa” bởi cha mẹ “cuồng” điểm số và giáo viên “say” thành tích.

Bà Quyên kể khi còn là giáo viên dạy hóa học tại một trường THCS ở TP.HCM, bà gặp câu chuyện một HS nhận kết quả kiểm tra cuối năm, dù 9 điểm nhưng trước khi tan học, cậu học trò ấy đã khóc và thậm chí quỳ xuống xin: “Cô cho con 10 điểm , con xin cô đấy, nếu không con sẽ bị ba đánh”.

Ông Thiều Quang Thịnh cũng kể có phụ huynh theo sát việc học của con. Chỉ cần em đó điểm môn học từ 7 trở xuống thì ban hành lệnh “cấm túc” không cho ra khỏi nhà, không cho sử dụng điện thoại, máy tính…

Cô Trịnh Thị Bích Vân, giáo viên dạy toán Trường THPT chuyên Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), người không quan tâm đến việc con có là học sinh giỏi hay không, chia sẻ với Thanh Niên bản thân cô từng đứng lên trong buổi họp phụ huynh xin cho con xuống hạnh kiểm khá.

Cô Vân là mẹ của nam sinh Chu Đức Anh (20 tuổi, giành học bổng 4 năm học trị giá tương đương 2,3 tỉ đồng tại ĐH Minerva - Mỹ) cho biết, cô chưa bao giờ thấy việc con mình đạt học sinh (HS) giỏi, hay HS khá là quan trọng. “Có lần tôi đi họp phụ huynh cho Đức Anh, thấy cô giáo kể một loạt lỗi của con, xong vẫn cho con hạnh kiểm tốt, học lực giỏi, tôi nói xin cho con là hạnh kiểm khá, để con về tu dưỡng thêm, nếu không khi về nhà tôi mắng con, con cãi là con vẫn được tốt đó thôi, thì tôi biết nói sao. Xin cô cứ tuyên bố trước cả lớp là cháu chỉ được khá”, cô Trịnh Thị Bích Vân kể lại.

Theo cô Vân, “bệnh thành tích” trong học đường và ngoài xã hội không giảm, có nguyên nhân từ chính nhiều phụ huynh luôn chăm chăm đòi hỏi kết quả, thứ hạng học tập của con. “Tôi muốn nhắn gửi tới các ông bố bà mẹ, thay vì suốt ngày cho con đi học thêm, hãy dạy con biết tự tìm tòi, biết hướng con đến những giá trị cốt lõi của học là để hiểu biết, chứ không phải vì điểm số. Và hãy dũng cảm cho con không được là HS giỏi”, cô Vân chia sẻ.

Cô chia sẻ phương pháp dạy con trên trang cá nhân mới đây như sau: “Tôi không dạy chữ cho con trước khi vào lớp 1, thay vào đó, tôi rèn con việc tự giác học. Tôi chấp nhận con tôi không toàn điểm cao. Tôi chưa bao giờ mắng con khi chúng được điểm kém, thậm chí 4, 5 cũng có. Tôi chỉ bảo ừ, lần sau cố gắng hơn. Sau này chúng lớn chút, tôi chẳng bao giờ hỏi điểm chúng. Con tôi không bao giờ bị so sánh với bạn”.

Học để lấy kiến thức chứ không phải giành điểm 10

Chị Hoàng Mai Lan, phụ huynh sống tại Q.10 (TP.HCM), hiện có con gái đang học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Gia Thiều và con trai học lớp 3 Trường tiểu học Bành Văn Trân. Chị Lan cho biết: “Năm lớp 2 cả trường có mình con tôi phải thi lại, nhưng vợ chồng tôi không thấy đó là điều gì đáng buồn. Tôi vẫn có quan điểm nếu con đạt thì lên lớp, không đạt thì ở lại lớp, không sao cả, miễn con vui vẻ, thoải mái”.

Cả 2 con của chị Lan đều không đi học thêm môn nào ngoài môn tiếng Anh. Chị Lan chia sẻ thêm: “Tôi để con học các môn thể thao như bơi, bóng đá, guitar và vui chơi thoải mái. Tất nhiên tôi vẫn luôn dạy các cháu rằng học hành là vô cùng quan trọng. Tôi định hướng để các cháu có ý thức tự học và học để lấy kiến thức cho bản thân chứ không phải để giành điểm 10 hay để ba mẹ được tự hào”.

Mỗi học sinh đều có thế mạnh riêng của mình trong học tập (ảnh minh họa).

Đừng để con ám ảnh vì điểm số

Nhà văn Di Li (giảng viên môn văn hóa Anh - Mỹ, Trường CĐ Thương mại và du lịch Hà Nội, môn quan hệ công chúng Trường ĐH Hòa Bình) từng chia sẻ thông điệp trong một bài viết dài trên trang cá nhân: “đừng học vì điểm số”.

Di Li cho biết: “Con tôi học lớp chọn và bảng điểm rất tốt. Nhưng tôi nhận ra con lao vào học không phải vì yêu thích, mà do thường xuyên bị ám ảnh về điểm số. Con nghĩ rằng phải học để được điểm cao, chỉ có đạt điểm cao thì sau này mới thành đạt. Tôi rất buồn vì hầu hết các bạn trong lớp cháu đều nghĩ như vậy”.

Di Li cho rằng, nếu phụ huynh vẫn khăng khăng rằng bài kiểm tra của các con hôm nay điểm kém, đồng nghĩa với việc sau này các cháu sẽ trượt ĐH, sẽ không làm nên sự nghiệp gì, khiến cho bố mẹ xấu hổ, thì đó là một kết luận hết sức sai lầm từ một giả định thức sai lầm. “Tôi vẫn nói với con mình là điểm số trung bình của một môn học, hay tất cả các môn học của lớp 2, lớp 6, lớp 10 hoặc lớp nào đi chăng nữa, đều không phải kim chỉ nam dẫn đến một cuộc đời bỏ đi. Tuy nhiên, cũng không có nghĩa lười học, học kém là sẽ thành công. Hãy đặt mục tiêu học tập vì kiến thức thực sự và dành thời gian để học nghệ thuật, tập thể thao, đọc sách, du lịch, thêu thùa, đan lát, kết bạn. Những thứ đó quan trọng không kém so với việc giải thành công một phương trình”, Di Li nêu quan điểm.

Điểm số cao nhất là sự tiến bộ của con

Ông Thiều Quang Thịnh, giáo viên Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM), kể lại thông qua buổi họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm trình chiếu những hình ảnh hoạt động vui chơi ở trường, tham gia ngoại khóa, đã có phụ huynh xúc động khi thấy con mình có thể tự tin đứng hát trước mọi người. Vị phụ huynh đó đã chia sẻ với giáo viên, “đó là "điểm số" cao nhất mà tôi thấy được từ sự tiến bộ của con”.

Ông Thiều Quang Thịnh nhấn mạnh, điểm số không phải là tất cả. Nó chỉ mang giá trị ở từng thời điểm và không thể phản ánh hết năng lực của một con người. Tuy nhiên, có một thực tế lâu nay ở nước ta, điểm số không chỉ là thang đo về khả năng học tập của HS mà đó còn là sự "cân đo, đong đếm", "hơn thua" của các bậc phụ huynh về giá trị của con em mình. Nhưng hiện nay, giáo dục chuyển sang phát triển năng lực HS thì công cụ này không còn phù hợp với sự đổi mới. Vẫn sử dụng điểm số là thang đo nhưng chúng ta phải nhìn nhận về giá trị con người, năng lực HS ở các góc độ bao quát và đầy đủ hơn chứ không chỉ ở kết quả học sinh giỏi.

Nguồn TNO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục