Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hãy quên khái niệm người Hà Nội gốc đi!
Thứ bảy: 05:30 ngày 16/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Về khái niệm người Hà Nội gốc gây tranh cãi và "bất hòa" nhiều năm nay, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Thạch nói: 'Tốt nhất là nên quên nó đi'.


Nhà văn Nguyễn Việt Hà (trái) và nhà văn Trương Quý chia sẻ tại tọa đàm - Ảnh: T.ĐIỂU

Ông Phạm Xuân Thạch nêu quan điểm trong tọa đàm Của phố và người - Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại do NXB Trẻ tổ chức ngày 14-11 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế - Sáng tạo Hà Nội 2024.

Quan điểm của ông Thạch nhận được sự đồng thuận của các diễn giả là ba nhà văn có nhiều tác phẩm về Hà Nội: Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Trương Quý.

10 đời sống ở Hà Nội vẫn không phải người Hà Nội

"Khái niệm người Hà Nội gốc, tốt nhất là chúng ta nên quên nó đi. Bởi vì bản chất của đô thị là không có người gốc. Đô thị là giao điểm của các luồng di dân đến. Tương tự, chưa chắc có khái niệm người Huế gốc, người Sài Gòn gốc", ông Thạch nói.

Nếu chiếu theo khái niệm được chấp nhận nhiều nhất hiện nay về người Hà Nội gốc là người có ba đời sống ở Hà Nội, thì theo ông Thạch, Hà Nội hiện nay chỉ có khoảng 10%. Có những người là "Hà Nội gốc" theo khái niệm trên thì có khi lại cũng không sống ở Hà Nội nữa. Họ sống ở ngoại thành Hà Nội, ở TP.HCM và khắp nơi trên thế giới.

Trên hết, lý do khiến ông Thạch đặt vấn đề nên quên khái niệm người Hà Nội gốc đi là bởi nó sẽ dẫn đến sự phân biệt giữa những người cùng đang sống ở Hà Nội, cùng đang cống hiến, dựng xây cho thành phố này. 

Thay vì đưa ra khái niệm người Hà Nội gốc thì có thể dùng những khái niệm dễ định nghĩa hơn, như khái niệm người sống ở Hà Nội.

Còn nếu phải định nghĩa người Hà Nội thì theo ông Thạch, thước đo là người ấy có đóng góp cho Hà Nội thế nào. 

Xét theo tiêu chí này thì có thể thấy 80 - 90% sáng tác về Hà Nội không phải do những người được coi là người gốc ba đời sống ở Hà Nội làm ra.

Các nhà văn Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Trương Quý cùng đồng tình với quan điểm này khi được Tuổi Trẻ hỏi.

Nhà văn Đỗ Phấn - tác giả của hàng loạt tản văn, tiểu thuyết và tranh về Hà Nội - nói định nghĩa "người Hà Nội gốc" theo bất kỳ tiêu chí nào cũng là khiếm khuyết. 

Có người ở Hà Nội 10 năm thôi nhưng họ thật sự Hà Nội, trong khi có những người ở đây 10 đời cũng không phải người Hà Nội bởi họ không hòa nhập vào văn hóa nơi đây, không đóng góp, xây dựng gì cho Hà Nội.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà nói ông được biết vài chục hội thảo người ta cãi nhau về khái niệm "người Hà Nội gốc" mà cũng chẳng tìm được tiếng nói chung cho nhiều người. 

Ngay như chuyện phở có nguồn gốc Hà Nội hay Nam Định, chuyện tưởng rất tường minh mà còn cãi nhau hoài không ra, thì thế nào là "người Hà Nội gốc" tưởng chẳng bao giờ có câu trả lời thỏa đáng và cũng chẳng ích gì.

Ông Hà cho biết khi tham luận tại một hội thảo ở Paris ít năm trước, ông đã dùng khái niệm "người ở Hà Nội" chứ không dùng khái niệm người Hà Nội. Bởi tiêu chuẩn thế nào là người Hà Nội thật khó có câu trả lời khả dĩ thống nhất.

Nhà văn Trương Quý cho rằng quan trọng hơn khái niệm người Hà Nội gốc là người tạo được giá trị cho Hà Nội. Ông dẫn chứng, bài hát về Hà Nội được hát nhiều nhất không phải là bài hát của một người Hà Nội mà là bài Nhớ về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Hiệp người An Giang.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp là người Nam tập kết ra Bắc. Chỉ vợ ông là người Hà Nội - diễn viên kịch Cẩm Lan. Dù là người An Giang nhưng ông Hoàng Hiệp rất yêu Hà Nội, sống phần lớn cuộc đời ở Hà Nội và mảnh đất Hà Nội đã góp phần làm nên cốt cách, khí chất, những rung động cảm xúc của ông. 

Có sự nghiệp âm nhạc rất lừng lẫy nhưng ông vẫn chọn bài Nhớ về Hà Nội là bài hát ông yêu quý nhất.

Một số tác phẩm viết về Hà Nội của Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Trương Quý - Ảnh: T.ĐIỂU

Hỗn loạn là văn hóa Hà Nội?

Nói về đặc điểm của Hà Nội, ông Phạm Xuân Thạch ấn tượng về việc Hà Nội biến đổi quá nhanh thường xuyên suốt chiều dài lịch sử, "biến đổi là định mệnh của Hà Nội". Và một trong những kết quả của công cuộc biến đổi là Hà Nội những năm gần đây "kinh khủng hỗn loạn" về cảnh quan lẫn nếp sống, tâm tính con người.

Ông Thạch kể khi chiếu phim Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy, sinh viên của ông đã hỏi bộ phim quay ở... nước nào. Bởi quang cảnh Hà Nội trong bộ phim ấy hầu như hoàn toàn biến mất "tuyệt không dấu vết". Hà Nội ngày nay là đông đúc, giao thông hỗn loạn, phá cũ xây mới...

Họa sĩ Đinh Công Đạt tham dự tọa đàm dưới hàng ghế khán giả không đồng tình lắm trước những "than thở" của ông Thạch về Hà Nội. 

Ông Đạt đồng ý là Hà Nội thay đổi nhiều nhưng thực ra cái lõi của nó không thay đổi nhiều lắm.

"Bao năm nay người Hà Nội chẳng thay đổi mấy, họ vẫn đanh đá như thế, vẫn hay ăn quà, đi lại vượt đèn đỏ như thế... 

Họ sung sướng, dễ chịu với sự hỗn loạn, càu nhàu về sự hỗn loạn một cách đáng yêu", ông Đạt nói ông không ủng hộ sự hỗn loạn nhưng chấp nhận chuyện ấy như một nét tính cách không phải là không hấp dẫn của Hà Nội.

Ông Đạt ví dụ Huế giữ rất kỹ sự ổn định, trật tự, nề nếp, nhưng khách du lịch thường không ở thành phố này quá 24 giờ. 

Trong khi khách du lịch lại thích lưu trú ở Hà Nội lâu hơn. Trước ý kiến của họa sĩ Đinh Công Đạt, ông Thạch bày tỏ nếu hỗn loạn là căn tính, là bản chất, là "văn hóa" của người Hà Nội thì sẽ rất khó tẩy và khá nguy hiểm.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà cũng có chung cảm nhận khu phố cổ Hà Nội rất ít thay đổi ở những tập tính sinh hoạt, lối sống lẫn bộ mặt phố phường. Ngày nay ông vẫn có thể tìm thấy ở Hà Nội những quán phở mang phong vị như phở mà Thạch Lam, Nguyễn Tuân đã viết.

Đỗ Phấn thì bảo ông thấy nhiều sự đổi thay của Hà Nội, nhưng ông ghi nhận nhiều đổi thay tích cực bên cạnh tiêu cực. Và dù thế nào, sự đổi thay ấy chính là chất liệu lẫn động lực thôi thúc các nhà văn tiếp tục viết về Hà Nội và yêu Hà Nội.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục