Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nếu một người không biết mình đang sống với HIV thì họ sẽ không được điều trị. Những người âm tính với HIV nếu không tham gia xét nghiệm thì sẽ không có cơ hội nhận được kiến thức và những kỹ năng cần thiết để tiếp tục giữ cho mình âm tính với HIV.
Nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2018, để hiểu rõ hơn về chủ đề này, phóng viên của Báo Tây Ninh đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Tây Ninh.
Phóng viên: Thưa bác sĩ, mục tiêu 90-90-90 là gì?
Bác sĩ Nguyễn Văn Cường: Tại hội nghị AIDS toàn cầu ở Úc tháng 7 năm 2014, Liên Hợp Quốc đã đưa ra các mục tiêu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khoẻ mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ba mục tiêu này được gọi là mục tiêu 90 - 90 - 90 của Liên Hợp Quốc.
Phóng viên: Tại sao mục tiêu 90-90-90 lại quan trọng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS?
Bác sĩ Nguyễn Văn Cường: Các mục tiêu 90-90-90 là hết sức quan trọng, có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung cũng như để có thể kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình có ý nghĩa gói gọn trong 3 “nếu”: Nếu một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm cho người thân và người khác trong cộng đồng. Nếu người nhiễm HIV không biết được tình trạng nhiễm HIV thì họ cũng không tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS; người cung cấp dịch vụ cũng không tiếp cận và cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ. Và nếu không biết được số người nhiễm HIV thực tế trong cộng đồng cũng sẽ gây khó khăn trong việc lập kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS.
Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp cho người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khoẻ mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội. Hiện nay, các nhà khoa học đã chứng minh “Không phát hiện = Không lây truyền”, tức là, nếu một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị tốt thì thông thường sau 6 tháng sẽ có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu), sẽ không làm lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Việc kiểm soát tải lượng virus HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV.
Như vậy, các mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV đến tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Một người được chẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị.
Đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác. Nếu các mục tiêu 90-90-90 đạt được vào năm 2020 sẽ tạo đà để từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
Bác sĩ Nguyễn Văn Cường- Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018.
PV: Hiện nay, tình hình HIV/AIDS tại Tây Ninh diễn biến như thế nào? Trong năm 2018, Tây Ninh làm gì để góp phần hoàn thành mục tiêu 90-90-90 của cả nước?
BS.Nguyễn Văn Cường: Tính đến ngày 31.10.2018, Tây Ninh có 4.942 người nhiễm HIV, trong đó có 3.631 người chuyển sang AIDS và 1.557 người đã tử vong do AIDS.
Tình hình dịch HIV/AIDS tại Tây Ninh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu khống chế làm giảm số ca nhiễm mới, dịch vẫn có xu hướng tiếp tục lan rộng vào cộng đồng dân cư thông qua con đường tình dục không an toàn; và tiếp tục gây tác động tiêu cực đối với xã hội thông qua ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ lao động trẻ.
Trong thời gian qua, Tây Ninh tập trung vào một số việc cụ thể như sau: tăng cường các hoạt động truyền thông; mở rộng cung cấp và nâng cao chất lượng các dịch vụ tư vấn, chăm sóc điều trị HIV/AIDS; vận động đóng góp xây dựng quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV v.v… Các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của lãnh đạo các cấp, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân về tiếp cận phổ cập trong chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV cho mọi người, đặc biệt những người dễ tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc ít người.
Mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết bảo đảm quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV của tất cả mọi người dân có nhu cầu.
Tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội; đồng thời tạo điều kiện cho mọi người dân tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS.
Ngành Y tế cũng đã xây dựng nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và chi trả đối với thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV ở Tây Ninh, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2018 này. Đó chính là giải pháp lâu dài, bền vững để đi đến chiến thắng trong cuộc chiến không ngừng nghỉ với đại dịch AIDS.
Diễu hành, tuyên truyền cho sự kiện “Bao cao su bảo vệ bạn”, do Quỹ Chăm sóc sức khoẻ HIV/AIDS Hoa Kỳ (AHF) tại Việt Nam tổ chức.
PV: theo ông, người dân cần quan tâm vấn đề gì trong phòng, chống HIV/AIDS?
BS.Nguyễn Văn Cường: Ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm nay, Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) kêu gọi mọi người hãy xét nghiệm để biết tình trạng HIV của bản thân, và những người đang điều trị kháng HIV cần phải biết tải lượng HIV của mình.
Nếu một người không biết mình đang sống với HIV thì họ sẽ không được điều trị. Những người âm tính với HIV nếu không tham gia xét nghiệm thì sẽ không có cơ hội nhận được kiến thức và những kỹ năng cần thiết để tiếp tục giữ cho mình âm tính với HIV.
Không biết tình trạng HIV của bản thân thì mọi người không thể bảo vệ chính mình cũng như bảo vệ người mình yêu thương và gia đình. Còn đối với những người đang sống với HIV, nếu không biết tải lượng HIV của bản thân thì không thể biết mình điều trị kháng HIV đã hiệu quả chưa, vì đó là cơ sở để tiếp tục bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và không làm HIV lây lan thêm nữa. Vì vậy, hãy sống tích cực. Xét nghiệm để biết tình trạng HIV của bản thân.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
Yên Khuê
(thực hiện)