Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
HĐBA LHQ lần đầu tiên thông qua 4 nghị quyết theo thủ tục đặc biệt
Thứ ba: 09:48 ngày 31/03/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 30/3, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua 4 nghị quyết theo hình thức bỏ phiếu qua văn bản, với 15 phiếu thuận.


Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại New York đưa tin, ngày 30/3, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua các nghị quyết theo hình thức bỏ phiếu qua văn bản.

Cơ chế này được các nước thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí trong bối cảnh không thể họp trực tiếp tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong lần bỏ phiếu nay, 4 nghị quyết đã được thông qua bao gồm Nghị quyết 2515 gia hạn nhiệm vụ Nhóm chuyên gia (PoE) của Ủy ban 1718 liên quan Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên; Nghị quyết 2516 gia hạn Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Somalia (UNSOM); Nghị quyết 2517 gia hạn mức trần của hợp phần quân sự và cảnh sát của Phái bộ hỗn hợp Liên hợp quốc-Liên minh Châu Phi tại Sudan (UNAMID) và Nghị quyết 2518 về An toàn và an ninh của lực lượng gìn giữ hoà bình.

Cả 4 nghị quyết được thông qua với 15 phiếu thuận.

Nghị quyết 2515 quyết định gia hạn nhiệm vụ Nhóm chuyên gia (PoE) của Ủy ban 1718 liên quan CHDCND Triều Tiên thêm một năm, đến ngày 30/4/2021. Nghị quyết cũng yêu cầu PoE có các báo cáo giữa kỳ trước ngày 3/8/2021 và cuối kỳ trước 5/2/2021 về tình hình thực hiện các nghị quyết của Hội đồng Bảo an liên quan Triều Tiên. PoE được thành lập theo Nghị quyết 1874 (2009) của Hội đồng Bảo an, hiện có 8 người, là bộ phận giúp việc cho Ủy ban 1718 (2006) về việc thực hiện các nghị quyết liên quan CHDCND Triều Tiên. PoE có thời hạn hoạt động một năm và thường được Hội đồng Bảo an gia hạn sau đó.

Nghị quyết 2516 quyết định gia hạn hoạt động của UNSOM ở Somalia đến ngày 30/6/2020. Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của UNSOM trong hỗ trợ Chính phủ Liên bang Somalia và các bang thành viên thông qua tư vấn chiến lược, nâng cao năng lực và phối hợp hỗ trợ của các đối tác quốc tế, hỗ trợ nhiệm vụ cho Phái bộ Liên minh châu Phi tại Somalia (AMISOM), Văn phòng Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Somalia (UNSOS) và Nhóm công tác của Liên hợp quốc tại Somalia. Phái bộ UNSOM được thành lập theo Nghị quyết 2102 ngày 3/6/2013 nhằm giúp xây dựng năng lực cho Chính phủ Liên bang Somalia trong tăng cường tôn trọng quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Nghị quyết 2517 quyết định giữ nguyên mức trần của cấu phần quân sự và cảnh sát của UNAMID cũng như các vị trí đóng quân của UNAMID đến ngày 31/5/2020. Hội đồng Bảo an sẽ xem xét quyết định việc giảm bớt và tiến tới chấm dứt UNAMID, đồng thời sẽ xem xét việc thông qua một Nghị quyết thiết lập một cơ chế mới tiếp nối UNAMID trước ngày 31/5/2020. Phái bộ UNAMID được thành lập ngày 31/7/2007 theo Nghị quyết 1769 của Hội đồng Bảo an, có chức năng bảo vệ thường dân, tạo điều kiện cho việc triển khai công tác nhân đạo ở Dafur, Sudan, và hỗ trợ tiến trình đàm phán giữa Chính phủ Sudan và các nhóm vũ trang ở Dafur.

Nghị quyết 2518 nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động gìn giữ hòa bình đối với sứ mệnh chung về duy trì hoà bình, an ninh quốc tế; vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình; những nguy hiểm mà lực lượng gìn giữ hòa bình phải đối mặt; và các biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh cho lực lượng gìn giữ hòa bình.

Dựa trên dự thảo nghị quyết được Trung Quốc, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 3/2020, xây dựng, Việt Nam đã chủ động đề xuất nội dung bảo đảm an toàn và an ninh cho lực lượng nữ tham gia gìn giữ hòa bình.

Nội dung này được nhiều nước ủng hộ và thể hiện tại các đoạn 13 và 19 của Nghị quyết. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cùng các nước tham gia thúc đẩy và xây dựng các nội dung như cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình; bảo đảm nguồn lực cho các phái bộ; tăng cường đào tạo, cung cấp trang thiết bị, xây dựng năng lực cho lực lượng gìn giữ hòa bình; đồng thời thúc đẩy tăng cường gắn kết giữa lực lượng gìn giữ hòa bình với cộng đồng. Đây là Nghị quyết đầu tiên trong lĩnh vực này của Hội đồng Bảo an, với 44 nước đồng bảo trợ, trong đó có Việt Nam.

Do không thể họp tại trụ sở Liên hợp quốc để biểu quyết trực tiếp, các nước Hội đồng Bảo an đã nhất trí trong thời gian đại dịch COVID-19, Hội đồng Bảo an sẽ tiến hành bỏ phiếu theo hai bước: Bước 1, các nước gửi thư thông báo cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an quyết định bỏ phiếu của nước mình trong vòng 24 giờ làm việc kể từ khi Chủ tịch Hội đồng Bảo an gửi thư thông báo về việc bỏ phiếu nghị quyết; Bước 2, sau thời hạn 24h giờ này, Hội đồng Bảo an họp trực tuyến công bố kết quả bỏ phiếu của các nước.

Chủ tịch Hội đồng Bảo an cũng sẽ thông báo kết quả bằng văn bản tới các nước thành viên Hội đồng Bảo an và các nước liên quan trực tiếp, sau đó sẽ công khai trên trang mạng chính thức của Hội đồng Bảo an.

Nguồn TTXVN/Vietnam+

Tin liên quan