Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
HĐND tỉnh khảo sát tình hình thu ngân sách địa phương, giai đoạn 2017-202
Thứ sáu: 01:26 ngày 08/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 6.10, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 2 đoàn khảo sát tình hình thực hiện thu ngân sách địa phương trên địa bàn thị xã Trảng Bàng và các huyện Gò Dầu, Bến Cầu giai đoạn 2017-2020. Đoàn số 1 do bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng đoàn. Qua khảo sát cho thấy:

Bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Gò Dầu. Ảnh Nhi Trần

Trên địa bàn thị xã Trảng Bàng, nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2017-2020 triển khai thực hiện trong tình hình kinh tế - xã hội của địa phương tiếp tục duy trì ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tổng thu giai đoạn 2017- 2020 đạt 875,313 tỷ đồng, đạt 115,36% so dự toán, tốc độ tăng trưởng bình quân 4 năm là 15,36%. Trong đó, có những khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu ngân sách Nhà nước, gồm: thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, các khoản thu từ đất và thu khác ngân sách; có những khoản thu ổn định, bền vững như: hộ khoán thuế ổn định; nguồn thu thuế công thương nghiệp - ngoài quốc doanh tập trung vào những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xây dựng, thương mại, dịch vụ...

Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ, tránh thất thu ngân sách từ lĩnh vực kinh doanh khai thác khoáng sản, thị xã Trảng Bàng đề nghị cơ quan thẩm quyền định kỳ có kế hoạch kiểm tra trữ lượng khai thác và thông tin đến cơ quan thu, làm cơ sở đối chiếu quản lý thu đúng, thu đủ số thuế phát sinh, nộp kịp thời vào ngân sách.

Tại Gò Dầu, kết quả thu ngân sách Nhà nước cơ bản hoàn thành chỉ tiêu UBND tỉnh giao, tổng số thu giai đoạn 2017-2020 là 812.395 triệu đồng, đạt 118,41% so với dự toán, số thu ngân sách qua các năm đều tăng.

Thời gian qua, tình hình thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt và vượt so với dự toán UBND tỉnh giao, nhưng nguồn thu chủ yếu thu từ tiền sử dụng đất, một số nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn có tỷ lệ đạt thấp.

Theo UBND huyện Gò Dầu, việc thực hiện nhiệm vụ thu trên địa bàn có lúc, có nơi phát sinh những nguồn thu đột biến; tình hình dịch bệnh là yếu tố bất ngờ, dẫn đến việc dự báo, phân bổ dự toán cho các đơn vị chỉ mang tính tương đối.

Dịch bệnh kéo dài làm nhiều doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả, phải dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, gặp khó khăn về tài chính dẫn đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế bị hạn chế và mất khả năng nộp tiền thuế nợ, làm ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách và nợ đọng tăng.

Để quản lý chặt chẽ, tránh thất thu ngân sách từ lĩnh vực kinh doanh khai thác khoáng sản, UBND huyện Gò Dầu đề nghị cơ quan có thẩm quyền, định kỳ có kế hoạch kiểm tra trữ lượng khai thác và có thông tin đến cơ quan thu để làm cơ sở đối chiếu quản lý thu đúng, thu đủ số thuế phát sinh nộp kịp thời vào ngân sách.

Ngoài ra, UBND huyện Gò Dầu kiến nghị nâng mức tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng đối với các khoản thu tỉnh quản lý cho huyện từ 20% lên 40% để huyện cân đối thực hiện nhiệm vụ của địa phương và đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm các hoạt động cho khu công nghiệp.

Còn trên địa bàn huyện Bến Cầu, tổng thu giai đoạn 2017-2020 đạt 345,867 tỷ đồng, đạt 95,82% so dự toán. Tốc độ tăng trưởng bình quân 4 năm là 100,92%. Tổng số nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2017-2020 không hoàn thành dự toán được giao. Các khoản thu chưa đồng đều so với nhiệm vụ được giao, do hầu hết doanh nghiệp đang hoạt động đều là doanh nghiệp nhỏ, có số thuế phát sinh thấp.

Nguồn thu của huyện từ hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng vãng lai ngoài tỉnh đã được kiểm soát và theo dõi thu thuế hằng năm, nhưng số thu giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, đây sẽ là nguồn thu có tiềm năng trong thời gian tới.

Kết luận buổi khảo sát, bà Nguyễn Đài Thy- Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được của các địa phương trong công tác thu ngân sách. Thời gian qua, các địa phương có sự chủ động, sáng tạo trong điều hành thu ngân sách trên địa bàn, góp phần ổn định kinh tế, xã hội; làm tốt công tác kiểm tra doanh nghiệp, bảo đảm chất lượng, số lượng trong các cuộc kiểm tra lĩnh vực thuế; khai thác thế mạnh của từng địa phương bảo đảm hiệu quả trong công tác thu ngân sách.

Tuy nhiên, vẫn còn địa phương có nợ đọng thuế cao, ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách của địa phương; nguồn thu tại các địa phương chưa ổn định; chưa phát huy hiệu quả công tác uỷ nhiệm thu…

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các địa phương có giải pháp trong công tác thu ngân sách địa phương, như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với người nộp thuế; khai thác tốt các nguồn thu tiềm năng tại địa phương; cần quan tâm đến các nguồn thu mới; phải có giải pháp quyết liệt để xử lý nợ đọng thuế; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tập trung giám sát trong lĩnh vực khoáng sản; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong vấn đề thu ngân sách.

* Cùng ngày, tại trụ sở Cục Thuế, đoàn khảo sát số 2 của Thường trực HĐND tỉnh do ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với Cục Thuế, Sở Tài chính về tình hình thực hiện thu ngân sách địa phương giai đoạn 2017-2020.

Theo Cục Thuế, tổng thu nội địa giai đoạn 2017-2020 khoảng 30.076 tỷ đồng, so với dự toán HĐND, UBND tỉnh giao đạt 104,23%, tốc độ tăng thu bình quân năm là 9,86%. Có 10/17 khoản thu, sắc thuế hoàn thành, vượt dự toán gồm: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ công thương nghiệp - ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; lệ phí trước bạ; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thu tiền sử dụng đất; thu từ hoạt động xổ số; thu khác ngân sách; thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế.

Thời gian qua, ngành Thuế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), rút ngắn quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC; thường xuyên rà soát các TTHC theo quy định, đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bãi bỏ các TTHC rườm rà, chồng chéo, không phù hợp với tình hình thực tế. Giai đoạn 2017-2020, Cục Thuế tiếp nhận khoảng 53.600 hồ sơ khai thuế, trên 11.000 hồ sơ quyết toán thuế, 3.283 hồ sơ báo cáo tài chính; giải quyết 1.781 hồ sơ hoàn thuế, 74 hồ sơ miễn giảm thuế.

Năm 2020, UBND tỉnh giao dự toán thu ngân sách cho Cục Thuế là 9.250 tỷ đồng, tăng 1.078 tỷ đồng so với dự toán Bộ Tài chính giao, trong đó tăng thu từ tiền sử dụng đất và thuê đất là 867 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản trên đất của các trụ sở rà soát dôi dư theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp năm 2020 diễn ra trên địa bàn chậm.

Ngoài ra, công tác phối hợp với các sở, ban, ngành trong việc giải quyết TTHC chưa nhất quán nên chưa khai thác triệt để nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) một số lĩnh vực như: đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản...

Cục Thuế kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo lãnh đạo các sở, ngành sớm tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản trên đất các trụ sở rà soát dôi dư theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp năm 2021 theo Kế hoạch số 10/KH-TC ngày 8.2.2021 của Sở Tài chính; đồng thời, hỗ trợ ngành Thuế trong việc khai thác tăng thu NSNN để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2021 đã được UBND tỉnh giao.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn khảo sát đề nghị các đơn vị được khảo sát cần quan tâm hơn việc áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quan lý thuế, uỷ nhiệm thu thuế; quản lý thuế đối với thương mại điện tử, công tác thanh tra, kiểm tra thuế; xử lý nợ thuế…

Thay mặt đoàn khảo sát, ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của ngành Thuế, các sở, ngành, địa phương và sẽ tổng hợp, làm việc với UBND tỉnh về công tác thu ngân sách địa phương trong buổi giám sát tới.

Nhi Trần - Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục