Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Không thú vị, nhiều góc cạnh như hẻm Sài Gòn từng có nhiều người viết bài ca ngợi, hẻm phố ở Tây Ninh cũng có những nét quyến rũ riêng, mà lại thư thái phong quang hơn ở thành phố lớn.
Thì đã hẳn! Ðất phố của ta rộng, dân phố chưa đông nên có mấy khi cảnh kẹt xe hay tắc đường. Nếu thì chỉ ở đoạn trường học, vào lúc sáng-trưa-chiều phụ huynh đón con em là hơi khó đi qua một lúc. Xong rồi thôi, phố lại thưa thoáng, tha hồ vi vu bánh xe lăn.
Tôi nhớ, hẻm ở thành phố của mình có số cũng chỉ độ năm, sáu năm nay. Còn trước đó, đa số hẻm thường không tên, không số. Người ta tự đặt tên cho hẻm bằng nhà cửa hoặc cây xanh gần đầu hẻm. Lâu thành quen, dù đã gắn số nhưng vẫn còn gọi là hẻm Cây Sai, hay hẻm khách sạn Công Ðoàn (trên đường Cách Mạng Tháng Tám). Một số khác lại gọi bằng tên nhà hàng, khách sạn ở phía trong. Như trên đường Hoàng Lê Kha có con hẻm không nhớ số, nhưng cứ hỏi hẻm có quán Phố Biển thì ai cũng biết.
Hẻm Tây Ninh hầu như rất ít quán ăn. Mà nếu có như trường hợp Phố Biển là vì hẻm cũng rộng như một con phố nối hai đường lớn là Hoàng Lê Kha với Nguyễn Trãi. Quán cà phê cũng ít và nếu có thì thuộc loại cà phê sinh thái. Ða số hẻm chỉ gồm nhà ở, kiêm làm nghề thủ công gì đó. Như con hẻm vào xóm Lò Than, hay hẻm Phố Biển vừa kể. Nếu đi qua thể nào cũng gặp người ta phơi những dây phên bánh tráng. Chỉ có vài lò tráng bánh thôi, nhưng bánh phơi dài trong hẻm nhiều không kém một làng nghề. Mặt đường hẻm tráng xi măng sạch sẽ, nhà cửa chỉ cấp 4, nhưng gọn gàng, tường vách nghiêm trang nên hẻm phơi bánh trở nên thân quen gần gũi như ở làng quê.
Một lần từ đây mà tôi hỏi thăm được một vài con hẻm nữa có nghề nướng bánh. Vậy là tìm ra. Nó ở giữa hai đường Nguyễn Trãi, Hoàng Lê Kha. Hẻm rất quanh co, nhiều góc ngoặt có bông tra vàng rực hay bông râm bụt đỏ. Những chị nướng bánh đa ngồi ngay trước hiên nhà, trước mặt có cái trã lớn bằng nhôm. Trong trã là than hồng. Và đôi tay chị như múa quạt với những tấm bánh đa mè đen. Trong chốc lát đã thành một tấm bánh đa giòn rụm, thơm ngon. Kiểu nướng thế này giống hệt như người Trảng Bàng nướng bánh để phơi sương. Chỉ khác, than nướng bánh phơi sương tốt nhất phải là vỏ đậu phộng.
Giờ mới kể đến những con hẻm độc đáo và lạ nhất ở Tây Ninh đây thưa quý bạn. Bảo đảm là loại hẻm này không thể có ở Sài Gòn. Với người chỉ quẩn quanh trong mấy phường nội thị thành phố Tây Ninh cũng chưa bao giờ thấy.
Xin thưa đấy là hẻm ở xã Tân Bình, xã ngoại thị của thành phố Tây Ninh. Thực ra, tôi đã từng thấy kiểu hẻm này ở xã ven thị Bình Minh. Nhưng cái kiểu hoành tráng, phong quang như ở Tân Bình thì không thể có. Ðường đất sỏi đỏ au rộng đủ cho cả hai xe ô tô đi được, lại rất êm thuận mịn màng cho xe máy bon bon. Ngạc nhiên là vì hẻm phố hẳn hoi, ghi rõ những hẻm số 1, hẻm số 3 mà cửa nhà hầu như không có.
Hai bên chỉ là những vườn cây mãng cầu, mới vừa cắt tỉa ngọn cành nên đẹp và đều như một vườn mai kiểng. Ðôi chỗ có thêm một vườn bắp thấp thoáng người đang hái trái. Xa xa mới là cao su. Và nổi bật trên nền trời mây khoáng đạt kia là ba ngọn núi Bà. Từ góc nhìn này, núi Bà thoai thoải nghiêng đều sang hai phía. Núi Phụng và núi Heo ở gần hơn nên đang ửng lên màu xanh vàng cây trái và hoa.
Hẻm số 1 Tân Bình. Tôi đi mê mải giữa không gian phối màu đất phún đỏ và xanh cây, xanh núi. Tới cuối hẻm mới gặp hai ngôi nhà ven suối. Thì ra suối vàng từ Ma Thiên Lãnh chảy sang đây. Sắp tới mùa nước kiệt rồi mà dòng suối trong veo vẫn róc rách trên những vỉa đá ong vặn vẹo trải dài theo lòng suối. Có đoạn có thác hẳn hoi để bọt nước trắng xoá tươi cười. Chiếc cầu ván bắc ngang để qua bên kia có một ngôi nhà giữa vườn cây thấp thoáng. Trở lại con đường trục vào xã Tân Bình.
Ðường đá nhựa, có cả hàng cột điện bê tông thẳng tắp gắn những ngọn đèn đường như ở phố. Vậy mà vẫn không sao quên được con hẻm vừa đi, rực màu sỏi đỏ. Thì quê mình, cũng như nhiều quê khác trước đây chỉ có những con đường đất, lấy đâu ra những bê tông nhựa với xi măng. Và, những con đường đất còn ám ảnh trong những giấc mơ quá khứ. Khi thì tươi sắc nâu sồng như tấm lụa trải giữa đôi bờ cỏ, lúa. Lúc lại bạc màu như lưng áo đã sờn của mẹ và cha. Vì thế, khi đã quen đi trên những con đường hiện đại hoá, gặp lại sắc hồng tươi phún đỏ, bỗng thấy lòng vui vui quá! Như gặp lại bạn bè xưa từng gian khó một thời.
NGUYỄN