Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mặc dù công việc rất bận rộn, một ngày bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng, nhưng chị Sáu rất siêng năng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo để có thêm kiến thức trong chăm sóc, giáo dục các em.
Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh hiện quản lý và chăm sóc 86 người, gồm 62 người cao tuổi và 24 trẻ em. Những người được chăm sóc ở trung tâm hầu hết có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, nên đòi hỏi đội ngũ cán bộ, nhân viên phải có tinh thần trách nhiệm cao và giàu lòng nhân ái.
Trung tâm hiện có 28 cán bộ, nhân viên, đa số là nữ. Mỗi người một công việc, từ giặt giũ, nấu ăn, chăm sóc sức khoẻ cho các cụ già đến việc dạy dỗ các em nhỏ học hành đều được phân công cụ thể, rõ ràng.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm BTXH luôn xem những đối tượng được chăm sóc là người thân của mình. Tâm niệm của họ là làm sao chăm sóc tốt để người già được sống vui, sống khoẻ, các em nhỏ có suy nghĩ tích cực, chăm học để trở thành người hữu ích.
Bà Lâm Ngọc Ðãnh- Giám đốc Trung tâm BTXH cho biết, tất cả nhân viên đều có tinh thần trách nhiệm cao, luôn hết lòng vì những cụ già, trẻ mồ côi và người khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm.
Một ngày ở Trung tâm BTXH, tôi có thể cảm nhận hết tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương của các cán bộ và nhân viên dành cho các đối tượng kém may mắn trong xã hội.
Bất kể giờ giấc, họ đều có mặt kịp thời để chăm sóc, hỗ trợ các cụ già, em nhỏ từ việc vệ sinh cá nhân đến chăm sóc sức khoẻ... 5 giờ sáng, người phụ trách nhóm trẻ trong độ tuổi đi học gọi các em dậy, ôn lại bài, vệ sinh cá nhân, rồi cho các em ăn sáng để kịp giờ đến trường.
Nhân viên hậu cần cũng dậy thật sớm để chuẩn bị bữa sáng cho kịp. Những nhân viên khác trực tiếp lau dọn vệ sinh và giúp các cụ lớn tuổi, bệnh tật làm vệ sinh cá nhân. Nhân viên y tế chia ca trực 24/24...
Mỗi một cán bộ, nhân viên ở đây đều có những đóng góp rất đáng ghi nhận cho công tác từ thiện xã hội. Ðiển hình là chị Phạm Thị Bé Sáu (ảnh, sinh năm 1978, ở Gò Dầu). Chị Sáu đến với trung tâm cũng rất tình cờ, mà theo chị đó là cái duyên.
Chị Sáu trước đây có việc làm ổn định tại Khu di tích lịch sử - văn hoá, danh thắng, du lịch núi Bà. Một lần tình cờ đọc báo, chị biết được Tây Ninh có trung tâm chăm sóc người già và trẻ mồ côi. Thế là chị quyết định nghỉ việc và xin vào làm tại trung tâm từ tháng 5.2011. Chị mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh.
Chị Sáu được phân công quản lý, chăm sóc và nuôi dạy các cháu trong độ tuổi đi học. Chị đã hết lòng vì công việc. Với tình cảm một người chị dành cho những đứa em ruột thịt, chị dành thời gian gần gũi, tâm sự để tìm hiểu tâm tư tình cảm các em, quan tâm chăm sóc các em từ việc nhỏ nhất- như vệ sinh cá nhân, ăn, ngủ.
Hiện chị Sáu đang phụ trách 17 em trong độ tuổi từ mẫu giáo đến đại học, trong đó có một em học Ðại học Luật tại Ðà Lạt, 6 em học nghề tại TP. HCM. Có bàn tay chăm sóc của chị, các em như có thêm niềm tin, nghị lực để vươn lên, ý thức trong học tập, trách nhiệm trong cuộc sống. Ðã có nhiều em trưởng thành, học nghề, tốt nghiệp ra trường có cuộc sống riêng ổn định.
Mặc dù công việc rất bận rộn, một ngày bắt đầu từ 5 giờ 30 sáng, nhưng chị Sáu rất siêng năng nghiên cứu tài liệu và đọc sách báo để có thêm kiến thức trong chăm sóc, giáo dục các em.
Chị còn làm gương cho các em nhỏ ở trung tâm qua việc vừa học vừa làm để lấy được bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành công tác xã hội vào tháng 3.2017. Sau một thời gian gắn bó với công việc, chị đã xem trung tâm như ngôi nhà thứ hai, những trẻ mồ côi như những đứa em ruột thịt. Do vậy, dù khó khăn cách mấy, chị cũng không nghĩ rằng mình sẽ rời bỏ trung tâm, rời bỏ các em.
Tháng 10 vừa qua, chị Sáu vinh dự đứng vào hàng ngũ của Ðảng. Chị cảm thấy rất vui vì được gắn bó với công việc yêu thích, đồng nghiệp tin yêu, các em nhỏ ở trung tâm quý mến. Những điều này đã giúp cho chị có được sức mạnh để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngô Mẫn