Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy hiện hành (Nghị định 123/2021) vẫn được bảo lưu tại dự thảo quy định mới, tức là bắt buộc chủ xe mô tô, xe gắn máy và xe máy điện phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự, giống như chủ xe ô tô.
Dự thảo lần 2 (ngày 29/7/2024) của nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.
Dự kiến 7 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được Chính phủ ban hành trước ngày 15/10 năm nay.
Khi có sự cố giao thông xảy ra, quyền lợi của chủ xe máy gây tai nạn sẽ được tra cứu và xử lý theo quy định, tránh được sự phiền hà gây thiệt thòi cho bên mua bảo hiểm (ảnh minh họa).
Trong dự thảo Nghị định, có một quy định rất mới (khoản 5, Điều 6) về bộ cơ sở dữ liệu về bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới và xe máy chuyên dùng. Cơ sở dữ liệu này sẽ được quản lý tập trung, được thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo tính chính xác, kịp thời.
Như vậy, quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy hiện hành (Nghị định 123/2021) vẫn được bảo lưu tại dự thảo quy định mới, tức là bắt buộc chủ xe mô tô, xe gắn máy và xe máy điện phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự, giống như chủ xe ô tô.
Về mức phạt, người điều khiển mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có, hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Thực tế thời gian qua, mức xử phạt của CSGT đối với hành vi này là 150 nghìn đồng/lượt vi phạm.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, nhiều cuộc tranh luận về bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe máy vẫn tiếp diễn trên nhiều diễn đàn. Thậm chí, cử tri nhiều tỉnh như: Bến Tre, Long An, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương (năm 2023) và Hưng Yên (năm 2024) vẫn kiến nghị bỏ loại hình bảo hiểm bắt buộc này.
Có hai luồng ý kiến đưa ra để tranh luận rằng nên bỏ hay giữ loại hình bảo hiểm này.
Luồng quan điểm kiến nghị bỏ bảo hiểm bắt buộc xe máy nêu dẫn chứng tỷ lệ bồi thường thấp, thủ tục bồi thường phiền hà, nhiều chủ xe máy quên không mua bảo hiểm này trong nhiều năm. Khi xảy ra tai nạn, nhiều chủ xe không nhớ mình có mua bảo hiểm bắt buộc hay không.
Luồng quan điểm ủng hộ cho rằng quy định mới như dự thảo sẽ tác động lớn, thay đổi mảng bảo hiểm xe máy theo hướng liên thông, minh bạch, từ đó phát huy tính nhân văn, nhân đạo của bảo hiểm bắt buộc.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên có những quy định pháp luật cụ thể về dữ liệu bảo hiểm chủ xe cơ giới, bao gồm cả xe máy, phải tích hợp các thông tin cần thiết như tên, địa chỉ, số điện thoại, số định danh cá nhân hoặc hộ chiếu của chủ xe (đối với cá nhân), được cập nhật và lưu trữ.
Ngoài ra, thông tin về các doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng cũng sẽ được cập nhật. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm một cách nhanh chóng, chính xác. Mức trách nhiệm bảo hiểm dân sự đối với bên thứ ba và hành khách cũng được quy định rõ ràng.
Điều này đảm bảo khi có sự cố giao thông xảy ra, quyền lợi của chủ xe máy gây tai nạn sẽ được tra cứu và xử lý theo quy định, tránh được sự phiền hà gây thiệt thòi cho bên mua bảo hiểm. Thông tin về thời hạn bảo hiểm, số giấy chứng nhận, phí bảo hiểm, các thông tin liên quan khác cũng được ghi nhận chi tiết.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2023 doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 4.342 tỷ đồng, bồi thường đạt 948 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 21,8%, tăng 1,4 lần so với những năm trước.
Người đi xe máy ở Việt Nam sẽ phải tạo lại thói quen tuân thủ một quy định không mới, nhưng chưa thực thi nghiêm túc trong nhiều năm qua, đó là mua bảo hiểm bắt buộc và sử dụng khi không may gây tai nạn.
Nguồn baogiaothong