Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lái xe sử dụng ma tuý:
Hiểm hoạ khôn lường
Thứ bảy: 15:30 ngày 13/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tệ nạn ma tuý là hiểm hoạ của toàn xã hội. Ma tuý không những gây ra những tác hại khôn lường đến sức khoẻ của người sử dụng mà còn là nguồn gốc phát sinh nhiều loại tội phạm. Việc tài xế lái xe sử dụng ma tuý đã, đang và sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho người tham gia giao thông.

Cảnh sát giao thông tuyên truyền pháp luật giao thông cho tài xế (ảnh minh hoạ)

Mỗi loại ma tuý khác nhau sẽ tác động đến não bộ, gây ra những rối loạn hành vi, nhận thức khác nhau nhưng đều gây nguy hiểm cho người sử dụng và những người xung quanh. Sự nguy hiểm sẽ tăng lên gấp nhiều lần nếu tài xế sử dụng ma tuý khi lái xe.

Tồn tại dai dẳng

Anh T.V.H, lái xe đường dài hơn 10 năm cho biết: “Tài xế nghiện ma tuý có thể gây nguy hiểm cho người khác khi rơi vào hai trạng thái: “đói” thuốc hoặc phê thuốc. Nếu đói thuốc, lái xe sẽ mệt mỏi, ngáp liên tục, chảy nước mắt, thiếu quan sát và xử lý tình huống chậm. Còn khi phê thuốc, lái xe sẽ hưng phấn quá độ, dễ mất kiểm soát về thần kinh, có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, nguy cơ gây tai nạn giao thông”.

Trước thực trạng lái xe điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có chất ma tuý, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát để phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc kiểm tra, xử lý hơn 2.900 trường hợp lái xe dương tính với chất ma tuý.

Thật ra, không phải “tự nhiên” mà các tài xế lại sử dụng ma tuý. Nhiều ý kiến cho rằng, đa phần những trường hợp tài xế sử dụng ma tuý là lái xe đường dài, điều khiển phương tiện cỡ lớn. Có những trường hợp do áp lực từ yêu cầu gắt gao về doanh số, số lượt, hành trình của chủ xe, tài xế phải làm việc với cường độ cao dẫn đến tình trạng sử dụng ma tuý. Do đó, các trường hợp tài xế bị phát hiện sử dụng ma tuý, đương nhiên, phải bị xử lý nghiêm, tước giấy phép lái xe. Nhưng, chủ xe phải cũng nên thay đổi lịch trình, hành trình cho phù hợp, tránh gây sức ép quá lớn cho người cầm lái.

Tài xế tham gia buổi tuyên truyền về an toàn giao thông (ảnh minh hoạ)

Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên đường mà trong cơ thể có chất ma tuý; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma tuý của người thi hành công vụ. Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Đối với lái xe ô tô tham gia giao thông có sử dụng chất ma tuý sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Trường hợp gây tai nạn, thiệt hại nghiêm trọng còn bị xử lý hình sự tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ với mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm.

Ngoài ra, chủ doanh nghiệp cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 264, Bộ luật Hình sự về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông, phạt tù đến 7 năm, tuỳ thuộc vào mức độ nguy hiểm.

Không được bồi thường bảo hiểm

Theo Khoản 2, Điều 7, Nghị định 67/2023/NĐ-CP ngày 6.9.2023 của Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, có quy định cụ thể các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, trong đó có trường hợp thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng ma tuý và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật. Như vậy theo quy định trên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường thiệt hại đối về tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới sử dụng ma tuý, ngay cả khi chủ xe cơ giới có tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự.

Theo cơ quan chức năng, khi lái xe sử dụng ma tuý sẽ gây ảo giác và không làm chủ được phương tiện, từ đó dẫn đến nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Thông thường, các vụ tai nạn giao thông do tài xế đang phê ma tuý sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng; đặc biệt, nếu người sử dụng là tài xế xe khách và xe container thì hậu quả vô cùng thảm khốc.

Cảnh sát giao thông phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật cho người dân (ảnh minh hoạ)

Cơ quan chức năng khuyến cáo các đơn vị kinh doanh vận tải không tuyển dụng, không giao xe cho các tài xế sử dụng ma tuý; đồng thời, tăng cường kiểm soát đội ngũ tài xế, phụ xe trước khi xuất bến; tuyệt đối không để tài xế có sử dụng cồn, ma tuý, chất kích thích điều khiển phương tiện. Các nhà xe, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải cần sắp xếp thời gian làm việc hợp lý; không bố trí lái xe làm việc quá thời gian quy định để bảo đảm sức khoẻ, tỉnh táo và an toàn cho hành khách.

Để đẩy lùi, từng bước xoá bỏ tình trạng lái xe sử dụng ma tuý tham gia giao thông, rất cần sự chung tay từ cộng đồng cùng cơ chế phối hợp, quản lý chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan. Đặc biệt, các doanh nghiệp vận tải cần siết chặt kiểm tra, kiểm soát người lái xe.

Trong đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, từ ngày 15.12.2023 - 29.2.2024, Cảnh sát giao thông tỉnh Tây Ninh bố trí hơn 6.000 tổ tuần tra, kiểm soát; phát hiện, xử lý trên 5.800 trường hợp vi phạm; tước giấy phép lái xe hơn 2.600 trường hợp. Lỗi vi phạm tập trung xử lý chủ yếu về nồng độ cồn, tốc độ, cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ; không giấy phép lái xe…

Đặc biệt, lực lượng chức năng xử lý 9 trường hợp người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma tuý.

An Đông

Tin cùng chuyên mục