Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
3-4 tháng nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ đuối nước thương tâm làm 4 em học sinh tử vong tại các hầm đất, ao đất khai thác lâu năm. Báo Tây Ninh từng có nhiều bài viết phản ánh tình trạng sau khi khai thác xong, chủ hầm đất, ao đất phủi bỏ trách nhiệm với xã hội. Tai nạn xảy ra, có chủ ao đến hỗ trợ cho gia đình các em vài triệu đồng, gọi là “an ủi” do tai nạn ngoài ý muốn (!?).
Nhiều hầm đất trên địa bàn huyện Tân Biên và Châu Thành không được rào chắn.
“Ớn lạnh” các ao không rào chắn
Vào đầu tháng 11.2020, khoảng một tuần sau khi xảy ra vụ tai nạn đuối nước khiến 1 em học sinh tử vong tại ấp Tân Ðông 1, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, đến hiện trường để tìm hiểu. Theo sự hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đến hầm đất mà em Ð.C.P, học sinh lớp 7 tử vong do trượt chân.
Xung quanh nơi em P tử vong có khoảng 5 hầm đất không có rào chắn, các bờ cách nhau khoảng chừng 1m, chỉ cần sơ sẩy là trượt chân té xuống ao. Người dẫn đường cho chúng tôi biết, phần lớn các hầm đất này khai thác đã lâu năm, giờ không biết chủ hầm là ai.
Theo người này, sự việc đau lòng xảy ra vào trưa 27.10, khi đó 4 em học sinh (3 nam, 1 nữ đều sinh năm 2008), gồm Ð.C.P, H.V.M, N.T.N, P.Ð.T rủ nhau ra khu vực hầm đất này để chơi. Trong lúc chơi đùa, em Ð.C.P trượt chân xuống hầm chứa nước sâu. Thấy bạn rơi xuống hầm, 3 em còn lại đã cố gắng kéo bạn lên, sau đó nhờ người dân đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tân Biên cấp cứu, nhưng P đã tử vong.
Ao đất tại ấp Tân Ðịnh, xã Biên Giới, huyện Châu Thành- nơi gây ra cái chết thương tâm của 2 đứa trẻ chỉ được rào chắn tạm bợ.
Tai nạn xảy ra, người dân địa phương chỉ biết răn đe con em mình không được vào khu vực hầm đất trên chơi, nhưng vẫn lo lắng vì trẻ em vốn hiếu kỳ. Do đó, ngành chức năng cần có biện pháp yêu cầu các chủ hầm đất này rào chắn theo quy định, người dân sống xung quanh mới có thể an tâm.
Tại huyện Tân Biên, người dân ấp Hoà Lợi 1, xã Hoà Hiệp cũng lo lắng do địa phương này có không ít hầm đất nhưng rào chắn rất sơ sài.
Một người dân địa phương dẫn chúng tôi đến xem hầm đất cũ tại ấp Hoà Lợi có diện tích khoảng 3-4 ha của một chủ doanh nghiệp tên T. Nhìn bên ngoài, doanh nghiệp có rào chắn nhưng đi sâu vào bên trong, bờ hầm đã bị sạt lở nghiêm trọng, có đoạn lấn đường dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Thế nhưng, theo người dân địa phương, dù đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương đo đạc lại thực tế diện tích hầm đất xem có hay không việc lấn đường, cũng như thực hiện việc rào chắn để bảo đảm an toàn, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Ðã hơn 2 tháng từ khi xảy ra vụ 2 em nhỏ (9 tuổi và 12 tuổi) bị đuối nước vào trưa 30.8 tại một ao sâu thuộc địa bàn ấp Tân Ðịnh, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, chúng tôi quay lại hiện trường và không khỏi bức xúc khi thấy cái ao chỉ được rào chắn sơ sài bằng… lưới chăn vịt (?!).
Gặp chúng tôi, ông Cường- chủ ao đất cho biết, ao đất trên do ông móc đất đổ lên mặt bằng phía trước, đắp nền. Ao có diện tích khoảng 1.000m2, được khai thác không có phép cách đây 4 tháng, nhưng chính quyền xã lại không biết để ngăn chặn kịp thời.
Chúng tôi tìm đến một hầm đất tại ấp Lộc Trị, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng- là hiện trường vụ tai nạn khiến 1 em học sinh tử vong cách đây hơn 3 tháng. Khu vực này có rất nhiều hầm đất đã khai thác nhưng rào chắn rất sơ sài. Con đường dân sinh đi vào các hầm đất bị sạt lở nghiêm trọng, người đi đường không cẩn thận có thể rơi xuống ao bất cứ lúc nào.
Một người dân địa phương bức xúc, sau khi khai thác các hầm đất, các doanh nghiệp rút đi, hậu quả để người dân gánh. Họ chỉ cần lợi nhuận, còn lại sống chết mặc dân! Do đó, cơ quan chức năng cần phải có biện pháp buộc các doanh nghiệp khai thác đất quay lại rào chắn để bảo đảm an toàn cho người dân.
Người dân ấp Hoà Lợi, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên lo lắng khi ao đất đã khai thác nhưng không có rào chắn.
Không thể viện cớ “Lịch sử ðể lại”
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, chị N- người dân tộc Khmer, mẹ của cháu bé 9 tuổi tử vong tại ao đất ở xã Biên Giới, huyện Châu Thành vẫn chưa hết nỗi đau đớn vì mất con. Chị N cho biết, trưa bữa đó, cháu bé cùng người anh bà con đi chơi đến chiều không thấy về. Mọi người tá hoả đi tìm thì phát hiện 2 em đã tử vong dưới ao đất. Chị N cho biết thêm, khi cháu bé mất, chủ ao hỗ trợ gia đình 6 triệu đồng.
Hơn 10 ngày nay, không khí trong căn nhà nhỏ của gia đình chị V.T.H, 36 tuổi, ở ấp Tân Ðông 1, xã Tân Lập, huyện Tân Biên trở nên lạnh lẽo, sau cái chết thương tâm của con trai mình, em Ð.C.P, 13 tuổi, học sinh Trường THCS Tân Lập. Chị H cho biết, gia đình tuy khó khăn nhưng cũng cố gắng cho em đi học. Tất cả chi phí sinh hoạt đều nhờ vào tiền công cạo mủ cao su của vợ chồng chị. Nghèo, nhưng gia đình luôn đầy ắp niềm vui. Không ngờ lại xảy ra sự việc đau lòng, khiến chị gần như suy sụp.
Khu vực em P xảy ra tai nạn có rất nhiều ao không có rào chắn, bờ bị sạt lở.
Khi trao đổi về việc các hầm khai thác đất cũ không được rào chắn theo quy định pháp luật để xảy ra tai nạn, phần lớn các lãnh đạo địa phương đều cho rằng: các hầm đất khai thác đã lâu, khi họ nhận công tác thì không biết ai là chủ hầm; do “lịch sử để lại” nên giờ, việc tìm các chủ hầm đất để yêu cầu họ rào chắn là vấn đề nan giải của địa phương…
Dù có do “lịch sử để lại”, địa phương và ngành chức năng cũng cần có biện pháp giải quyết để bảo vệ an toàn cho người dân, bởi- tính mạng con người là vô giá.
Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin cụ thể đến bạn đọc về ý kiến của lãnh đạo các địa phương, cơ quan chức năng trong việc xử lý các hầm đất đã khai thác nhưng không rào chắn theo quy định.
Thế Nhân