Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Từ nhiều năm qua, hiến máu nhân đạo đã lan toả thành phong trào có tính nhân văn sâu rộng. Có những người đã hàng chục năm tham gia hiến máu, có những người chỉ mới tham gia, nhưng tất cả đều có chung tấm lòng muốn giúp những bệnh nhân cần máu.
Anh Lớn trong một lần đi hiến máu.
Giọt máu cho đi, niềm vui ở lại
Anh Dương Quan Lớn, ngụ xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu được biết đến là một cá nhân điển hình trong phong trào hiến máu nhân đạo trên địa bàn tỉnh. Năm nay anh 55 tuổi, đã có 27 năm tham gia phong trào hiến máu nhân đạo. Anh nhận được nhiều bằng khen, kỷ niệm chương của Thủ tướng, các bộ, ngành Trung ương, địa phương cho việc tham gia phong trào hiến máu nhân đạo.
Anh Lớn kể: “Sau một lần đi cho máu tại bệnh viện tim, có đi thì mới thấy, thật sự đau lòng khi thấy cảnh âu lo chờ đợi của những bệnh nhân và người thân chờ máu để lên ca mổ. Tôi khi đó nghĩ rằng, một cây thì sẽ chẳng nên non. Vì vậy, tôi quyết định tập hợp thanh niên địa phương để tạo ra một “ngân hàng máu sống”, hỗ trợ bệnh nhân khi cần thiết”.
Hơn 20 năm qua, “ngân hàng máu sống” xã Bàu Đồn dẫu có nhiều biến động và giảm đi số người vì những lý do khác nhau, nhưng vẫn tồn tại đến giờ. Anh Lớn và những người có cùng tấm lòng vẫn cố gắng duy trì hoạt động ngân hàng với 8 người thường xuyên đáp ứng khi có nhu cầu.
Anh Lớn cho biết, thành viên của nhóm luôn sẵn sàng mọi lúc khi có cuộc gọi đến để hiến máu cứu bệnh nhân. Anh chia sẻ: “Những lúc tham gia trợ máu, có lúc chúng tôi phải nhịn ăn để chờ ca mổ, nhiều khi chờ hết cả buổi sáng. Tuy nhiên, điều đó không sánh bằng cái đau của người bệnh”.
Từ tấm lòng, sự kiên trì của anh Lớn và những thành viên của “ngân hàng máu sống” mà tại địa phương có nhiều trường hợp bị bệnh tim được phẫu thuật, thay đổi cuộc đời.
Anh Lớn nhớ từng trường hợp, hoàn cảnh của những người bệnh tim đã được trợ máu qua cơn nguy kịch, hiện tại họ đã khỏe mạnh có cuộc sống mới, lập gia đình, làm công nhân, trở thành trụ cột gia đình. Với anh Lớn, đó là niềm vui, hạnh phúc không gì sánh bằng. Đều đặn mỗi năm, anh Lớn tham gia hiến máu theo phong trào và khi có ca mổ tim cần máu.
Những ngày đầu tham gia phong trào hiến máu theo phát động của Tỉnh đoàn, anh Lớn vẫn nhớ như in cái cảm giác đầy bỡ ngỡ nhưng không chút âu lo nào. Rồi dần theo thời gian, hiến máu với anh là một việc bình thường, còn mang lại niềm vui. Anh nói: “Hiến máu nhân đạo trước hết là từ cái tâm tình nguyện, không phải là một nhiệm vụ của riêng ai. Và với tôi, niềm vui, hạnh phúc lớn nhất là khi máu của mình góp phần cứu được một người bệnh, giúp họ tiếp tục sống. Dẫu mai này mình không còn nhưng dòng máu mình vẫn còn tồn tại trong những người đang sống. Khi đó tôi biết mình đã sống cuộc đời đầy ý nghĩa”.
Anh Nguyễn Văn Thơ, cán bộ Đảng uỷ xã Bàu Đồn tham gia hiến máu 42 lần. Cách đây 22 năm, anh Thơ lần đầu tham gia hiến máu nhân đạo. Từ đó đến nay, năm nào anh cũng tham gia hiến máu tại địa phương.
Anh Thơ chia sẻ: “Khi tham gia phong trào, tôi nghĩ rằng đây là việc mọi người nên làm vì sẽ giúp được nhiều người”. Anh Thơ cũng là thành viên chủ chốt xuyên suốt của “ngân hàng máu sống” xã Bàu Đồn từ khi thành lập đến giờ.
Chị Tươi rất vui khi tham gia HMNĐ- một việc làm rất ý nghĩa.
Anh Thơ nghĩ, thực tế trong những lúc ngặt nghèo vì bệnh thì ai cũng như ai, không phân biệt giàu hay nghèo. Vì vậy, với những người hiến máu chỉ một mục tiêu là hiến máu cứu người. Hàng chục năm qua, anh Thơ vẫn không quên những lần kiên nhẫn nhịn đói chờ đến ca mổ để bảo đảm chất lượng máu; những lần sau khi cho máu còn rút tiền túi gửi thêm cho người bệnh một ít để bồi dưỡng sức khoẻ. Hoặc những lần từ chối nhận tiền hỗ trợ từ gia đình bệnh nhân. Tất cả với các anh đều xuất phát từ cái tâm.
Anh Thơ cho rằng, hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp và ngày càng lan toả trong cộng đồng. Không chỉ giúp người mà còn giúp bản thân tái tạo lại máu mới, tập cho mình những suy nghĩ tích cực, bao dung hơn khi thấy những cảnh đời khó khăn vì bệnh. Những việc làm của mình, anh Thơ đều tự giác chứ không chờ đợi vận động. “Có lúc xem trên mạng xã hội, thấy những trường hợp cần máu, chúng tôi liên hệ ngay với mong muốn họ được hỗ trợ kịp thời”.
Hiến máu cứu người mang lại cho anh Thơ nhiều niềm vui, sự an lạc trong suy nghĩ, anh chia sẻ rằng đến khi nào sức khoẻ còn cho phép thì mình vẫn còn hiến máu và cùng lan toả đến nhiều người xung quanh để cùng tham gia. Càng nhiều người tham gia thì sẽ có thêm cơ hội cho nhiều bệnh nhân.
Những tấm lòng tiếp nối
Chị Nguyễn Hồng Tươi, 27 tuổi, công tác tại Hội Chữ thập đỏ phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành, khi còn là sinh viên Trường CĐSP Tây Ninh chị đã tham gia hiến máu nhân đạo. Chị nói: “Lúc đó tôi cũng chưa hiểu gì về việc hiến máu, thấy phong trào thì tham gia thôi”.
Gần đây, khi làm công tác chữ thập đỏ tại phường, chị tiếp tục tham gia hiến máu nhân đạo. Đến nay mới hiến máu được 3 lần, nhưng chị Tươi thấy rất vui vì cảm nhận được ý nghĩa việc mình làm. Chị chia sẻ: “Khi đi hiến máu, tôi chỉ mong muốn những giọt máu của mình có thể giúp được người cần”. Bên cạnh hiến máu, chị Tươi còn vận động người quen, bạn bè cùng tham gia phong trào ý nghĩa này.
Chị Tươi cho biết thêm, lúc đầu chị không được gia đình ủng hộ vì lo lắng cho sức khoẻ của chị, nên khi tham gia hiến máu chị giấu không cho gia đình biết. Chị kiên trì thực hiện vì theo chị việc làm rất có ý nghĩa. “Tôi cũng dự định sẽ nói để ba mẹ hiểu hơn về ý nghĩa của việc hiến máu và quan trọng hơn là sau khi hiến máu tôi vẫn khoẻ mạnh không bị ảnh hưởng sức khoẻ gì cả”.
Chị Nguyễn Thị Mộng Linh- Chủ tịch hội LHPN phường Long Hoa cho biết, cách đây 5 năm chị đã không còn đi hiến máu do điều trị viêm gan B. Chị chia sẻ: “Không thể tiếp tục đi hiến máu nhân đạo, tôi luôn thấy tiếc vì mình không thể cùng tham gia một phong trào ý nghĩa”. Nhưng không đi được thì chị ra sức vận động hội viên cùng tham gia phong trào. Chị Linh cho biết, tại phường Long Hoa, Hội nhận chỉ tiêu 10 đơn vị máu/năm, những năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Điều này mang lại cho chị niềm vui.
VI XUÂN