Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 30-12, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phiên bản không có Mỹ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã chính thức có hiệu lực, tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 1/10 nền kinh tế thế giới.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh (thứ nhất, phải, hàng sau) cùng đại diện 10 nước tham gia lễ ký Hiệp định CPTPP chụp ảnh chung tại Santiago ngày 8-3. Ảnh: AFP/TTXVN
CPTPP sẽ giúp cắt giảm các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, nới lỏng các quy định về đầu tư và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. 11 quốc gia thành viên CPTPP hy vọng hiệp định này sẽ giúp đối đầu với chủ nghĩa bảo hộ, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang vướng vào một cuộc chiến thương mại.
Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore là 6 quốc gia đầu tiên thông qua CPTPP để tạo điều kiện cho thỏa thuận này đi vào hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1/2019.
Đàm phán TPP bắt đầu vào năm 2010 và các thành viên hiện nay cộng với Mỹ đã ký một thỏa thuận vào năm 2016. Nhưng Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 1/2017 dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.
Các quốc gia còn lại, bao gồm Brunei, Chile, Malaysia và Peru, đã ngăn TPP sụp đổ và ký CPTPP, phiên bản sửa đổi, sau khi đình chỉ một số điều khoản trong thỏa thuận ban đầu. Việc mở rộng thành viên là thách thức tiếp theo đối với CPTPP.
Nguồn TTXVN