Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mới đây, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch HĐND; thực hiện bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện”.
Bí thư Tỉnh uỷ Trần Lưu Quang trao quyết định chuẩn y Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh Trần Hữu Hậu giữ chức Bí thư Thành uỷ (tháng 11.2015).
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá X) và Chương trình hành động của tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ năm 2009, Tây Ninh thực hiện mô hình nhất thể hoá chức danh bí thư đồng thời làm chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Qua gần 10 năm áp dụng mô hình này, kết quả cho thấy có nhiều ưu điểm nổi bật.
GHI NHẬN TỪ THỰC TIỄN
Tính đến thời điểm này, ở tỉnh ta có 5 xã, phường, thị trấn áp dụng mô hình này, đó là xã Tân Lập (huyện Tân Biên), xã Phan (huyện Dương Minh Châu), xã An Bình (huyện Châu Thành), phường 2 (TP Tây Ninh) và thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu). Từ tháng 4.2017 có thêm TP. Tây Ninh.
Những ngày đầu tháng 10.2017, chúng tôi gặp gỡ lãnh đạo ở một số địa phương đang thực hiện mô hình này để tìm hiểu tình hình thực tế và ghi nhận được nhiều kết quả khả quan. Ông Võ Hồng Sang, Bí thư - Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, ông ngụ ở xã Thạnh Tây và trước đây từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Thạnh Tây một nhiệm kỳ.
Hai năm nay, ông được điều về xã Tân Lập, kế tục người tiền nhiệm đảm trách vai trò Bí thư, đồng thời là Chủ tịch UBND xã Tân Lập. Qua hai năm giữ chức vụ “hai trong một” này, ông nhận thấy “chưa có vấn đề gì vướng mắc; mọi hoạt động đang phát huy rất tốt”.
Theo ông Sang, mô hình này có nhiều ưu điểm như, người lãnh đạo xã vừa là cán bộ của Đảng vừa là công chức Nhà nước nên có điều kiện nắm bắt được nhiều thông tin, từ đó xử lý, điều hành công việc tốt hơn, ý kiến chỉ đạo được tập thể chấp hành cao hơn. Về mặt nhân sự, tinh giản được một biên chế, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Sang cũng nhìn nhận, cùng một lúc đảm nhận hai trọng trách nên áp lực công việc cao hơn. Vừa phải không ngừng nghiên cứu những chủ trương, nghị quyết của Đảng để lãnh đạo, chỉ đạo, vừa phải đầu tư suy nghĩ tìm phương cách thực hiện những chủ trương, nghị quyết đó sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Cho nên, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cũng cao hơn.
“Hầu như hằng tuần, ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, thứ bảy, chủ nhật nào tôi cũng có mặt ở các chốt biên giới để nắm bắt tình hình an ninh trật tự vùng biên, để có hướng chỉ đạo sát tình hình”, ông Sang cho hay. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt vai trò bí thư - chủ tịch, sự hỗ trợ của cấp phó là rất cần thiết.
“Vừa làm bí thư vừa làm chủ tịch phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, điều hành, chỉ đạo, ít khi trực tiếp thực thi công việc, chủ yếu là kiểm tra, giám sát, nhắc nhở. Vì vậy, các cấp phó, bên khối Đảng cũng như bên chính quyền phải là những người thật sự giỏi mới giúp mình hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ”, ông Sang nói.
Qua 8 năm thực hiện mô hình nhất thể hoá, xã Tân Lập có nhiều thay đổi rõ rệt. Từ năm 2011 đến nay, Tân Lập đã đạt và luôn giữ vững danh hiệu xã văn hoá; năm 2015, được công nhận xã nông thôn mới; công tác chính quyền, nhiều năm HĐND, UBND hoàn thành tốt nhiệm vụ; công tác Đảng, bình quân hằng năm có 94,85% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh và 5,15% chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo ý kiến cá nhân ông Sang: “Mô hình nhất thể hoá tại địa phương đang phát huy tốt”.
Tương tự như thế, 8 năm qua, ở phường 2, thành phố Tây Ninh cũng thực hiện mô hình nhất thể hoá hai chức danh của người đứng đầu địa phương. Bà Nguyễn Anh Đào, Bí thư - Chủ tịch phường là người gánh trọng trách này ngay từ ngày đầu triển khai và duy trì liên tục đến nay.
Qua gần hai nhiệm kỳ đảm trách hai nhiệm vụ người đứng đầu Đảng bộ và chính quyền phường 2, bà Đào nhận thấy mặc dù cá nhân bí thư - chủ tịch có cực hơn, nhưng đã đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong xử lý công việc, công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận, đoàn thể cũng được nhanh hơn, nói chung thuận lợi nhiều cho tập thể lãnh đạo và điều hành quản lý.
“Chủ trương của bí thư không phải mất thời gian triển khai cho chủ tịch. Ngược lại, có vấn đề gì, chủ tịch không cần tốn nhiều giấy mực báo cáo, xin ý kiến bí thư”, bà Đào dẫn chứng.
Do đặc điểm phường 2 là phường, xã loại 2, nên chỉ có một phó chủ tịch UBND phường, trong khi bà Đào phải làm nhiệm vụ của Bí thư, Chủ tịch, mà việc của Chủ tịch UBND phường nhiều hơn. Nữ Bí thư - Chủ tịch phường 2 chia sẻ: “Để xử lý nhanh các thủ tục hành chính của người dân, nhiều khi tôi không ở phòng làm việc của mình, xuống văn phòng UBND trực tiếp giải quyết”.
Bà Đào giao nhiệm vụ cho công chức chuyên môn, nhất là bộ phận Một cửa: khi nhận hồ sơ là kiểm tra trình ký ngay, không cần chờ để có nhiều hồ sơ mới đem lên trình ký. Nhờ các mặt hoạt động đều thuận lợi, có nề nếp, nên từ năm 2010 đến nay, chính quyền và nhân dân phường 2 đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó 3 năm liền (2011, 2012, 2013) được nhận Cờ thi đua xuất sắc và năm 2015 được nhận Cờ thi đua xuất sắc (giai đoạn 2010-2015). Theo Bí thư, Chủ tịch phường 2, tiếp tục duy trì mô hình nhất thể hoá này là một chủ trương đúng đắn, vì có lợi nhiều hơn cho tập thể.
Đối với cấp trên cơ sở, cụ thể là cấp huyện, thành phố thuộc tỉnh, ở thành phố Tây Ninh từ tháng 4.2017 đến nay chính thức áp dụng nhất thể hoá chức danh bí thư đồng thời làm chủ tịch UBND Thành phố.
Bước đầu, Bí thư - Chủ tịch TP.Tây Ninh- ông Trần Hữu Hậu cũng đã xác định tính ưu việt của mô hình này. Ông Hậu phân tích, ở địa phương nào cũng vậy, nếu hai người đứng đầu có lấn cấn với nhau, dù chỉ một chút là dễ nảy sinh “lọng cọng” trong công việc. Trong khi đó, một người- vừa là bí thư vừa là chủ tịch thống nhất chủ trương, đường lối triển khai xuống cho mọi người thực hiện nhanh và gọn hơn.
Về mặt thủ tục hành chính, mô hình bí thư, chủ tịch riêng có quá nhiều quy định. Mỗi khi có vấn đề lớn, vượt quá thẩm quyền quyết định của chủ tịch, thì chủ tịch phải tổ chức các phó chủ tịch, các phòng ban lại họp bàn. Bàn bạc xong, làm tờ trình gửi lên báo cáo, đưa qua bên Đảng, trình Thường trực xem xét, quyết định.
Nếu quyết định xong, bên Đảng chỉ đạo lại cho chủ tịch UBND triển khai thực hiện. Hoặc mỗi khi Bí thư, Thường trực cấp uỷ có chủ trương gì đều chỉ đạo chủ tịch UBND thực hiện cũng phải qua nhiều thủ tục. Hoặc đôi khi cũng có trường hợp, chủ tịch UBND họp triển khai chủ trương của Đảng về đơn vị… quên trao đổi lại với cấp phó, hoặc triển khai không hết ý, không đồng bộ, hoặc cấp phó hiểu không hết ý chỉ đạo đều dẫn đến thực hiện chủ trương không sát, không đúng.
Trong khi đó, với mô hình nhất thể hoá hai chức danh đứng đầu, những vấn đề nêu trên kể như không còn nữa. Hiện nay, tại thành phố Tây Ninh họp đầu tuần là họp giữa Thường trực Thành uỷ và toàn thể UBND.
Qua đó, chỉ cần một buổi là hoàn tất việc đánh giá công tác hoạt động và chỉ đạo công việc mới. Ai không hiểu hoặc hiểu chưa rõ vấn đề gì thì trao đổi trực tiếp với bí thư - chủ tịch và được giải đáp, chỉ dẫn cặn kẽ. Nhờ vậy, tất cả các chủ trương đều được triển khai một cách đồng bộ, đầy đủ, chặt chẽ và rõ ràng trong toàn hệ thống chính trị của Thành phố.
Ngược lại, cấp dưới có vấn đề gì cần đề xuất cũng được thẳng thắn, công khai trao đổi với lãnh đạo. Từ đó, tư tưởng lãnh đạo các cấp thông suốt, thoải mái và vui vẻ bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ.
Ông Trần Hữu Hậu nhớ lại: “Vừa rồi, tôi có ý tưởng thực hiện mô hình “Thành phố vì dân”. Tôi đem ra bàn bạc, được mọi người thống nhất, lập tức triển khai thực hiện nhanh, gọn và nhờ thế bước đầu đã cho thấy đạt hiệu quả”.
Bí thư - Chủ tịch TP.Tây Ninh Trần Hữu Hậu (trái) nhận quyết định công nhận thị xã Tây Ninh lên thành phố loại III.
TIẾP TỤC THỰC HIỆN MÔ HÌNH
Năm 2014, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tổng kết thực hiện thí điểm chủ trương bí thư đồng thời là chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn. Qua đó cho thấy có nhiều mặt được, như Ban Thường vụ tỉnh, huyện, thành uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm triển khai đến tất cả đảng viên, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội.
Các đảng bộ đều thống nhất cao và quyết tâm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về thí điểm mô hình nhất thể hoá chức danh bí thư đồng thời làm chủ tịch phường, xã, thị trấn.
Việc đề ra nghị quyết, triển khai, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của đảng bộ được bảo đảm, chính xác hơn, rút ngắn được thời gian từ khâu triển khai đến khâu thực hiện, sự phối hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công việc ngày càng gắn bó, dân chủ hơn.
Người giữ chức vụ bí thư, đồng thời là chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phát huy vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, UBND trong việc đề ra nghị quyết đảng uỷ, lãnh đạo và điều hành UBND tổ chức thực hiện, nên tính khả thi của nghị quyết cao hơn. Mặt khác, cũng xử lý nhanh, khoa học và có hiệu quả hơn những vấn đề phát sinh trên địa bàn.
Hoạt động lãnh đạo, điều hành của người giữ chức vụ bí thư đồng thời là chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn từng bước ổn định, thể hiện được năng lực lãnh đạo, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ; huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, có điều kiện tiếp thu nhanh, trực tiếp các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kịp thời triển khai tổ chức thực hiện; có được nhiều kênh thông tin, phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ tham mưu, giúp việc, nhất là các phó bí thư, phó chủ tịch UBND; quyền hạn bí thư và chủ tịch được thống nhất nên trong việc chỉ đạo điều hành thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn.
Việc thực hiện thí điểm của tỉnh cơ bản đáp ứng được tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương; về tiêu chuẩn cán bộ chủ chốt thuộc cấp xã thực hiện thí điểm mô hình nhất thể hoá, tỉnh quy định cao hơn Trung ương (chuyên môn, nghiệp vụ đại học, lý luận chính trị cao cấp).
Thời gian đầu thực hiện thí điểm, lựa chọn những người giữ chức vụ bí thư đồng thời làm chủ tịch đã từng kinh qua các chức danh chủ tịch UBND nên có kinh nghiệm trong lãnh đạo, điều hành bộ máy chính quyền. Mức phụ cấp chức danh bí thư, đồng thời làm chủ tịch cao hơn phụ cấp Trung ương quy định.
Tuy nhiên, qua thí điểm chủ trương bí thư đồng thời là chủ tịch, vẫn còn một số hạn chế. Chức trách, nhiệm vụ trước đây của hai người chuyên trách, thực hiện thí điểm “gộp” lại chỉ một người đảm nhận thì khó có thể bao quát hết công việc.
Đối với những xã, phường, thị trấn dưới 8.000 dân, theo quy định chỉ có một phó chủ tịch UBND, việc thực hiện mô hình này còn khó hơn; nhất là người giữ chức vụ bí thư đồng thời làm chủ tịch, vừa phải đi dự họp nhiều, có khi họp trùng (Đảng và Nhà nước), do các cấp trên mời (thường mời đích danh), nếu phó chủ tịch cũng bận đi họp thì không có lãnh đạo UBND giải quyết công việc, nhất là các thủ tục hành chính của dân, nên công việc đôi lúc chưa kịp thời.
Có nơi người giữ chức vụ bí thư - chủ tịch được bầu cử chức vụ cao hơn hoặc điều động sang công tác khác, bố trí người mới, chưa từng giữ chức danh chủ tịch UBND nên bước đầu lãnh đạo, điều hành còn lúng túng v.v...
Từ những ưu điểm đạt được của mô hình nhất thể hoá chức danh bí thư đồng thời làm chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn qua thời gian thí điểm, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục thực hiện mô hình này đối với những nơi có đủ điều kiện.
Đầu năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kết luận tiếp tục thực hiện mô hình này đối với 5 đảng bộ thực hiện thí điểm nêu trên. Các huyện, thành uỷ tiếp tục lựa chọn những nơi có điều kiện để nhân rộng mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời làm chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Thực tế cho thấy, mô hình nhất thể hoá chức danh bí thư đồng thời làm chủ tịch UBND ở Tây Ninh được duy trì và phát triển rất tốt. Chẳng những giữ vững mô hình này ở 5 xã, phường, thị trấn mà còn phát triển thêm ở cấp huyện là TP.Tây Ninh. Điều này đúng với tinh thần chỉ đạo của Hội nghị Trung ương 6 vừa kết thúc.
Đại Dương