PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tiến tới Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024-2029:
Hiệu quả từ các mô hình hỗ trợ giảm nghèo bền vững
Thứ bảy: 07:15 ngày 03/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Năm năm qua, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp toàn tỉnh đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” đạt 165,74%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra

Xác định công tác an sinh xã hội vận động và chăm lo cho người nghèo thể hiện tính nhân văn sâu sắc, thời gian qua, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cùng các địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt hỗ trợ người nghèo như: hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ; hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, tặng quà, hỗ trợ học sinh nghèo…

Các dự án hỗ trợ giảm nghèo bền vững của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh đã phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của người nghèo.

Trao vốn hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật. 

Năm năm qua, hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp toàn tỉnh đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” đạt 165,74%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Từ các nguồn lực vận động đã tập trung xây mới 1.577 căn nhà đại đoàn kết, sửa 239 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ người nghèo khám và chữa bệnh; hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học; đặc biệt là hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho 19.613 hộ thông qua các dự án hỗ trợ trâu, bò sinh sản; hỗ trợ con giống, vốn có hoàn lại cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Từ những kết quả đạt được, về cơ bản, tỉnh đã xoá xong nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều từ 1,69% (năm 2019) xuống còn 0,5% (năm 2021), trong đó không còn hộ nghèo tiếp cận đa chiều và giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 từ 1,81% xuống còn 0,65% (năm 2023).

Nỗ lực giúp người nghèo vượt qua khó khăn, giảm nghèo bền vững

Nhằm góp phần kéo giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và huyện Tân Châu triển khai thực hiện dự án hỗ trợ vốn “Xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản giai đoạn 2018-2020” trên địa bàn 3 ấp Tầm Phô, Kà Ốt, Suối Dầm, xã Tân Đông; với số vốn được hỗ trợ là 900 triệu đồng, dự án cho 30 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay không tính lãi (8 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo, 4 hộ mới thoát nghèo nhưng hoàn cảnh còn khó khăn có nhu cầu vay vốn để chăn nuôi, sản xuất), mỗi hộ 30.000.000 đồng để mua 1 hoặc 2 con trâu, bò chăn nuôi. Xã tiến hành thành lập Ban Quản lý dự án để xét chọn đối tượng, hướng dẫn chăn nuôi, quản lý, kiểm tra thường xuyên để dự án đạt kết quả tốt nhất.

Sau khi được giải ngân, các hộ thụ hưởng đã tiến hành mua con giống chăn nuôi, mỗi hộ mua từ 1 đến 2 con (tổng cộng có 45 con trâu, bò được mua với số tiền là 635 triệu đồng, số tiền còn lại các hộ dân đầu tư vào chuồng trại, các khoản chi phí phát sinh trong chăn nuôi).

Qua thời gian nuôi, bò sinh sản được 28 con, trâu sinh sản 7 con. Dự án đã giúp hộ nghèo, cận nghèo có thêm tinh thần, động lực phấn đấu vươn lên góp phần tạo điều kiện để hộ nghèo, thoát nghèo từng bước kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương. Kết thúc dự án có có 29/30 hộ thoát nghèo, cận nghèo, còn 1 hộ cận nghèo.

Kiểm tra, khảo sát hộ được hỗ trợ vốn chăn nuôi bò ở xã Tân Đông, huyện Tân Châu.

Ông Nguyễn Văn Lực- Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Tầm Phô, xã Tân Đông cho biết: “Qua chương trình hỗ trợ vốn không tính lãi của Mặt trận từ năm 2019, cho mượn để chăn nuôi trâu bò, từng bước ở ấp Tầm Phô không còn hộ nghèo nữa, đời sống bà con cũng được nâng cao.

Ngoài chương trình hỗ trợ để giảm nghèo bền vững, người dân cố gắng chăm sóc đàn trâu bò của mình sau khi được cấp vốn. Sau khi chăm sóc đúng 3 năm đã hoàn trả tiền đầy đủ”.

Năm 2023, Phước Bình được Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thị xã chọn làm địa phương triển khai thực hiện mô hình “Hỗ trợ vốn có hoàn lại cho hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo” giai đoạn 2022-2024.

Ngay khi có kế hoạch, Phước Bình thành lập Ban Quản lý dự án, tiến hành khảo sát đời sống người dân trên địa bàn, chọn đối tượng phù hợp để hỗ trợ vốn. Theo kế hoạch, có 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ trong dự án: Nhóm 1 có 5 hộ dịch vụ; nhóm 2 có 26 hộ chăn nuôi; nhóm 3 có 24 hộ mua bán nhỏ lẻ, tổng cộng 55 hộ được hỗ trợ, với kinh phí 900 triệu đồng.

Phát huy hiệu quả của những mô hình giảm nghèo

Ông Nguyễn Văn Sim- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Phước Bình cho biết, qua khảo sát trên địa bàn, một số bà con nằm trong các đối tượng hộ mới thoát nghèo có hoàn cảnh khó khăn đang cần số vốn để vươn lên trong cuộc sống.

Nhu cầu và công việc của họ khác nhau nên MTTQVN xã phân ra thành ba nhóm đối tượng, trong đó nhóm đối tượng thứ nhất là chăn nuôi, nhóm thứ 2 là mua bán nhỏ lẻ, nhóm thứ 3 là dịch vụ, mua sắm trang thiết bị . Trước khi thực hiện mô hình, bà con rất khó khăn, từ khi có nguồn vốn hỗ trợ không tính lãi, bà con rất phấn khởi, làm ăn hiệu quả.

Để mô hình phát huy hiệu quả, sau khi giải ngân, MTTQVN xã phối hợp với ấp tiến hành kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Trường hợp của anh Tống Văn Tâm, ngụ ấp Bình Quới, xã Phước Bình bị khuyết tật tay và chân, đi lại khó khăn, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh.

Từ khi được mô hình hỗ trợ nguồn vốn, anh đã có phương tiện đi lại, công cụ hỗ trợ hành nghề bán vé số mưu sinh. Đối với anh, nguồn vốn này có ý nghĩa rất lớn về tinh thần, tiếp thêm động lực cho anh vượt qua những rào cản khiếm khuyết và khó khăn, chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Trên thực tế, nhiều hộ mới thoát nghèo nếu không có vốn tiếp tục đầu tư, không được tiếp tục hưởng các chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo rất dễ tái nghèo.

Do đó, việc triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ vốn không tính lãi tại Phước Bình đã trao “cần câu” giúp cho những hộ mới thoát nghèo có thêm nguồn vốn để tiếp tục đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Thông qua mô hình nhằm tuyên truyền sâu rộng về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, từng bước làm thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.

Qua hơn 1 năm thực hiện mô hình có 95% số hộ sử dụng vốn hiệu quả, khả năng thu hồi vốn cao, có 2 hộ do bệnh tật không tiếp tục buôn bán được.

Ông Trần Khánh Nhẫn- Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thị xã Trảng Bàng cho biết: “Trong thời gian tới, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam thị xã Trảng Bàng sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tại các xã, phường khác trên địa bàn Thị xã để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương”.

Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ có hoàn lại cho Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh số tiền 500 triệu đồng để thực hiện dự án “Hỗ trợ sinh kế” cho 55 người khuyết tật trên địa bàn 5 xã, phường có Câu lạc bộ người khuyết tật (xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành 4 hộ; phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh 15 hộ; phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành 15 hộ; xã Tân Phú, huyện Tân Châu 6 hộ và xã Tân Phong, huyện Tân Biên 15 hộ); đến năm 2022, 100% thành viên tham gia dự án đã hoàn thành nghĩa vụ trả vốn trước thời hạn.

Năm 2024, MTTQVN tỉnh tiếp tục hỗ trợ trợ kinh phí 460 triệu đồng cho Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em Tây Ninh thực hiện chương trình sinh kế cho người khuyết tật theo hình thức mượn vốn có hoàn lại, giai đoạn 2024-2025.

Theo lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong nhiệm kỳ tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện phong trào “Tây Ninh chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào thi đua “Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”.

Đồng thời tập trung vận động Quỹ “Vì người nghèo”, hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, hoàn thành việc xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn trung ương, hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh; đổi mới phương thức chăm lo cho người nghèo trên cơ sở xác định rõ điều kiện thực tế của từng đối tượng để có phương án hỗ trợ phù hợp, khả thi và mang lại hiệu quả.

H. Tien

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục