Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hiệu quả từ chính sách chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ tư: 10:51 ngày 03/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là mục tiêu được các cấp đảng bộ, chính quyền quan tâm, qua đó từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc anh em.

Lò hoả táng được xây dựng cho đồng bào Khmer tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền.

Xây dựng nhà hoả táng phù hợp văn hoá, tập quán của người Khmer

Theo tập tục, người Khmer chỉ hoả táng người chết chứ không chôn cất. Phần tro cốt sẽ được gửi trong chùa để linh hồn nương cõi Phật siêu thoát. Tuy nhiên, cùng với thời gian, hoả táng tại chùa không còn là văn hoá riêng của dân tộc Khmer mà trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội vì đây là việc làm gây ô nhiễm môi trường. Để bảo đảm vệ sinh, môi trường và tôn trọng văn hoá tín ngưỡng của đồng bào Khmer, việc xây dựng lò hoả táng trong chùa là cần thiết.

Ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành có khoảng 185 hộ, 800 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Theo ông Thonl Rép- người uy tín của đồng bào Khmer ở ấp Bến Cừ, việc hoả táng diễn ra ngay tại khu vực đất trống quanh ngôi chùa Sát Rát.

Chỉ vào khoảng đất từng làm điểm hoả táng, ông Thonl Rép cho biết: “Hồi xưa chiến tranh, không có điều kiện hoả táng, có người mất thì cũng phải chôn; sau này hoà bình, việc hoả táng người mất được bà con duy trì. Cứ có người mất là đội mai táng ở chùa sẽ đào một hố rộng chừng 5 tấc, dài 2m, sâu 5 tấc để hạ người mất xuống rồi chất củi lên trên thiêu. Nhưng như vậy, khói bay khắp nơi, ảnh hưởng đến môi trường lắm”- ông Thonl Rép cho biết.

Để vẫn giữ được nét văn hoá của đồng bào dân tộc Khmer, đồng thời bảo đảm vấn đề môi trường, năm 2020, Ban Tôn giáo - Dân tộc (Sở Nội vụ) và UBND huyện Châu Thành đã xây dựng kế hoạch, hỗ trợ địa phương xây dựng nhà hoả táng trên địa bàn hai xã Ninh Điền và Hoà Thạnh.

Nhà hoả táng vận hành dưới sự điều hành của một ban quản lý. Mọi việc, từ lo củi đốt, sắp xếp lịch hoả thiêu, liên hệ với Ban trụ trì nhà chùa làm lễ… đều do ban này quản lý, coi sóc.

“Ban Quản lý là người dân ở địa phương, có 2 người chính để túc trực việc canh lửa cho lò, làm vệ sinh khi việc hoả táng hoàn tất. Thường thời gian kéo dài mất khoảng 3 giờ là xong. Hài cốt người mất sẽ được thiêu rụi hoàn toàn thành tro, không hề gây ô nhiễm môi trường, không khói bụi như trước đây nữa. Hiện tại, những bà con Khmer ở các địa phương khác chưa có lò hoả thiêu như Thành Long, Hoà Hội… cũng đưa về đây để lo hậu sự”- ông Thonl Rép nói thêm.

Tại Quyết định số 948 phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2030, giai đoạn I từ năm 2022 đến năm 2025, UBND tỉnh đã xây dựng Dự án 4 về “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc”, trong đó, tỉnh có kế hoạch đầu tư một nhà hoả táng tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên.

Hỗ trợ người dân phương tiện sản xuất

Tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu hiện nay có ấp Phước Trung là nơi sinh sống tập trung của đồng bào Thái. Theo ông Hồ Thanh Hải- Chủ tịch UBND xã, năm 1994, tỉnh có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã, mỗi hộ được cấp 400m2 đất nhà ở và 2 ha đất để sản xuất. Chính sách này đã giúp nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có đất sản xuất.

Ông Hà Duy Khuyền- người uy tín đồng bào Thái cho biết, gia đình ông ngày xưa ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá vào Tây Ninh lập nghiệp. “Lúc vào đây, chưa có đất cát gì đâu. Rồi đến năm 1994, gia đình tôi được địa phương cấp cho miếng đất ở và đất sản xuất. Mừng lắm. Hai vợ chồng ráng làm ăn”- ông Khuyền nói.

Từ ngày đầu chỉ có đôi bàn tay trắng, nhờ có đất cùng chí làm ăn, gia đình ông có chút đỉnh để dành. Rồi khi có người bán đất, ông Khuyền mua lại. Cứ vậy, đến nay, gia đình ông đã mua thêm được 7 mẫu đất ở vùng biên giới này.

Vợ chồng anh Giao Xa (bìa phải) trò chuyện cùng lãnh đạo ấp.

“Sau khi có đất, vợ chồng tôi chí thú làm ăn. Năm 1999, địa phương còn cho móc kênh tiêu đi ngang qua đất của nhà, nhờ đó đất thoát phèn. Vợ chồng tôi trồng mía, mì, rồi chuyển sang làm hàng bông. Nhờ vậy mà có điều kiện nuôi con ăn học rồi giờ tới mấy đứa cháu. Cả nhà tôi thật sự mang nặng ân tình của lãnh đạo tỉnh, của chính quyền địa phương Long Phước”- ông Khuyền cho biết.

Đến nay, ấp Phước Trung đã có hơn 30 hộ với khoảng 100 nhân khẩu. “Ngày xưa, nhà nào cũng ọp ẹp, nhưng hiện nay, hầu hết nhà cửa của đồng bào Thái ở đây đều xây cất khang trang, con cháu được đi học đến nơi đến chốn”- ông Hà Duy Khuyền chia sẻ thêm.

Còn tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, nói đến vợ chồng anh Giao Xa, chị Sóc Kha, mọi người đều biết đây là gia đình nông dân giỏi của địa phương. Anh Giao Xa cho biết, lúc mới cưới, vợ chồng anh được gia đình cho 1 ha đất ruộng. Nhờ đồng tâm hiệp lực, hiện nay, anh chị đã có thêm 6 mẫu đất ruộng.

“Làm nông quan trọng là phải cần cù. Đất ít nhưng muốn có dư, vợ chồng tôi cứ ai cho thuê đất là mướn làm. Có lúc tôi thuê hàng chục mẫu đất để trồng mía, trồng mì. Nhưng để thuê được đất phải có tiền, cũng may tôi luôn được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay. Tôi nhớ năm 2005, tôi vay 30 triệu để trả tiền thuê đất, mỗi mẫu 2,5 triệu đồng”- anh Giao Xa nói.

Ông Hà Duy Khuyền và ông Hà Công Khẹt (đồng bào dân tộc Thái) gắn bó lâu năm với vùng đất Tây Ninh.

Thuê đất làm ra tiền, có tiền anh lại mua thêm đất. Cứ vài năm mua được 5-6 công ruộng. “Nếu chờ có đủ tiền để mua đất, cất nhà thì không sao đủ hết. Nhờ ngân hàng cho vay lãi suất thấp, mình làm rồi trả dần mới có dư mà mua sắm, lo cho con cái ăn học”- anh Giao Xa chia sẻ.

Nhờ có nhiều chương trình, đề án, chính sách dân tộc của Trung ương và địa phương được tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, đời sống của bà con từng bước vươn lên. Mọi người vẫn từng ngày bám đất vùng biên, vừa phát triển kinh tế chăm lo cho gia đình, vừa giữ vững an ninh trật tự xã hội biên giới.

Ngọc Diêu - Ngô Tuyết

Tin cùng chuyên mục