Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hiệu quả từ mô hình chiết ghép cây nhãn tiêu da bò sang nhãn xuồng cơm ráo
Chủ nhật: 21:29 ngày 16/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trường Đông là vùng đất chuyên canh về các loại cây nông nghiệp như nhãn, mì, cao su... mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, các loại cây trồng này hiện đang phát triển rất nhiều ở khắp các khu vực trong tỉnh, vì vậy giá cả cũng biến động thất thường.

Nhiều năm trở lại đây, người trồng nhãn đang gặp khó khăn, do đa số nhãn tiêu da bò đã nhiều năm tuổi, cây dễ nhiễm bệnh, cây khô chết… Bên cạnh đó, giá bán thấp, nhiều nhà vườn chưa áp dụng kỹ thuật thâm canh đồng bộ nên năng suất không cao; không có đăng ký thương hiệu hàng hóa; thương lái ép giá… làm cho diện tích cây nhãn có xu hướng giảm, vì thế nhiều nhà nông không “mặn mà” tìm hiểu để nâng cao chất lượng vườn nhãn.

Hội thảo Kỹ thuật ghép chuyển đổi giống nhãn và chăm sóc cây nhãn sau khi ghép tại xã Trường Đông.

Tuy nhiên, cũng có hộ nông dân mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi và tìm ra phương pháp chiết ghép cây nhãn tiêu da bò sang nhãn xuồng cơm ráo. Đó là nông dân Nguyễn Trí Dũng, ngụ ấp Năm Trại, xã Trường Đông, huyện Hòa Thành.

Với quyết tâm nâng cao giá trị cây nhãn, ông Dũng đã mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi và tìm ra phương pháp chiết ghép cây nhãn tiêu da bò sang nhãn xuồng cơm ráo. Theo ông Dũng, nhãn xuồng cơm ráo là loại cây rất hợp với vùng đất cát và thịt nhẹ. Do đó, chỉ cần bỏ công đầu tư chăm sóc thì hiệu quả kinh tế của cây nhãn xuồng mang lại rất cao so với nhiều loại cây truyền thống tại địa phương.

Ông Dũng chia sẻ: “Trong lúc loay hoay tìm cách nâng cao năng suất của 2 ha nhãn tiêu da bò, tôi chợt nhận ra đã bỏ quá nhiều chi phí để phòng ngừa dịch bệnh cho cây, như sâu keo, chổi rồng, nhện đỏ... nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao bởi thị trường giá cả lên xuống thất thường. Từ đó, tôi rút ra kết luận cần phải tìm ra một giống cây đem lại hiệu quả kinh tế cao phù hợp với vùng đất cát”.

Ông Dũng kể, cuối năm 2015, ông mang tất cả vốn liếng dành dụm được đi các tỉnh Bến Tre, Vũng Tàu để tham quan học hỏi, tích lũy kinh nghiệm về áp dụng trên 2 ha nhãn của mình. Lúc này, không ngần ngại, ông Dũng đã cho cưa khoảng 500 gốc nhãn tiêu da bò trên 10 năm tuổi để bắt đầu nuôi nhánh. Sau đó, Viện Cây ăn quả miền Đông Nm bộ có đến tham quan vườn nhãn, đồng thời hướng dẫn ông cách ghép cành cho khoảng 500 gốc nhãn này, mỗi gốc ghép từ 4- 5 mầm nhãn xuồng cơm ráo.

Với sự tận tình hướng dẫn của các kỹ sư, cũng như nỗ lực học hỏi của ông Dũng, sau một thời gian ngắn triển khai ghép cành, cây nhãn đã ra đọt xanh tốt.

Ông Dũng khẳng định, ghép cây nhãn xuồng cơm ráo trên cây nhãn tiêu da bò là mô hình mới có tính thực tế, hiệu quả cao. Năm 2018 là mùa thu hoạch đầu tiên của cây nhãn xuồng cơm ráo ghép trên cây nhãn da bò, gia đình ông Dũng thu được 1,5 tấn, với giá bán 80.000 đồng/kg, thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Vườn nhãn xuồng cơm ráo ghép trên cây nhãn da bò của ông Dũng bắt đầu cho bông vụ thứ 2.

 “Với giá bán ổn định như hiện nay và việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, thương lái tìm mua tận vườn thì chỉ vài năm nữa, gia đình tôi sẽ thu hồi vốn và có lãi. Hiện nay, các hộ dân ở các ấp còn lại trong xã đã đến vườn tham quan học hỏi kinh nghiệm. Với phần lớn diện tích đã cho thu hoạch, hứa hẹn vườn nhãn sẽ đem lại nguồn thu nhập ổn định của gia đình tôi mùa vụ tới”- ông Dũng bộc bạch.

Ông Dũng cho biết, cách chăm sóc nhãn ghép không khó, chỉ đòi hỏi người trồng phải nghiên cứu cách xử lý cắt tỉa cành, làm trái, bón phân. Sau mỗi mùa mưa lũ, cần xới đất cho cây thoáng gốc, gom trái rụng để tiêu hủy nhằm phòng ngừa các loại nấm, sâu bệnh gây hại.

Phân bón chủ yếu là phân chuồng hoai, sau đó mới bón cân đối các loại phân lân, kali, NPK… Thời kỳ ra trái thì làm giàn chống đỡ để cây không bị gãy cành, rụng trái. Thời điểm thu hoạch cây nhãn xuồng cơm ráo bắt đầu từ tháng 7 âm lịch đến hết tháng chạp.

Nhận thấy việc ghép nhãn xuồng cơm ráo trên cây nhãn tiêu da bò mang lại hiệu quả cao, cần được nhân rộng, ngày 14.6, Trung tâm Khuyến nông huyện Hòa Thành phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ tổ chức hội thảo về Kỹ thuật ghép chuyển đổi giống nhãn và chăm sóc cây nhãn sau khi ghép.

Thông qua buổi hội thảo, hơn 30 hộ trồng nhãn trên địa bàn xã Trường Đông được cung cấp thêm thông tin, tiến bộ khoa học về giống, kỹ thuật ghép chuyển đổi và chăm sóc cây nhãn sau khi ghép, cải tạo vườn nhãn già cỗi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng doanh thu trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn. 

Mặc dù trồng cây nhãn xuồng cơm ráo đem lại hiệu quả cao, đầu ra ổn định nhưng để loại cây trồng này phát triển bền vững, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có khuyến cáo người dân thận trọng, không nên phát triển ồ ạt, nhất là ở những vùng đất không thích hợp nhằm tránh tình trạng trồng rồi lại chặt, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục