Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 83 năm ngày truyền thống lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam (28.3.1935 – 28.3.2018):
Hiệu quả từ mô hình chốt dân quân biên giới
Thứ tư: 21:49 ngày 28/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðến nay, trên toàn tuyến biên giới đã thành lập 28 chốt dân quân, xen kẽ với các đồn, trạm biên phòng, tạo thành thế trận liên hoàn, cùng với 20 xã biên giới hình thành 28 cụm dân cư bảo vệ an ninh biên giới.

Tây Ninh là tỉnh biên giới, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong khu vực phòng thủ của Trung ương và Quân khu 7. Dọc trên tuyến biên giới Tây Ninh hôm nay, những tuyến đường đã được trải nhựa, những cụm dân cư mới mọc lên, sản xuất phát triển, an ninh chính trị được bảo đảm, biên giới hoà bình, hữu nghị. Ðóng góp vào thành quả chung đó có công sức không nhỏ của lực lượng dân quân trên các chốt biên giới.

 

Trên toàn tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh dài 240km, sau chiến tranh là những vùng đất hoang hoá, với nhiều bom mìn còn sót lại, tình hình an ninh chưa ổn định. Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch về quy hoạch, bố trí các khu dân cư dọc tuyến biên giới, tăng cường xây dựng hạ tầng, đồng thời xây dựng mô hình chốt dân quân biên giới để góp phần ổn định và phát triển khu vực quan trọng này.

Ðến nay, trên toàn tuyến biên giới đã thành lập 28 chốt dân quân, xen kẽ với các đồn, trạm biên phòng, tạo thành thế trận liên hoàn, cùng với 20 xã biên giới hình thành 28 cụm dân cư bảo vệ an ninh biên giới. Việc hình thành các chốt dân quân biên giới cùng việc thành lập tiểu đội dân quân thường trực trên địa bàn Khu công nghiệp xã An Hoà (Trảng Bàng), tiểu đội dân quân thường trực Khu Công nghiệp Phước Ðông (Gò Dầu) và trung đội tự vệ Khu công nghiệp Chà Là (Dương Minh Châu) đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, đồng thời tạo ra mô hình kinh tế kết hợp với quốc phòng trên tuyến biên giới và nội địa.

Với nhiệm vụ hết sức quan trọng, việc tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ biên chế vào lực lượng dân quân thường trực biên giới thời gian qua được thực hiện rất chặt chẽ. Do đó, đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ dân quân thường trực các xã biên giới bảo đảm độ tin cậy về chính trị, luôn bám trụ, giữ làng, cùng với chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân biên giới.

Bên cạnh đó, các địa phương bảo đảm tốt các chế độ chính sách cho lực lượng dân quân tự vệ theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, đồng thời đầu tư xây dựng, mua sắm các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sinh hoạt của lực lượng dân quân. Các địa phương đã giao hàng trăm ha đất, đầu tư vốn ban đầu cho anh em tăng gia sản xuất, đặc biệt là trên các chốt biên giới.

Lực lượng dân quân trên các chốt biên giới trong nhiều năm qua cũng đã cùng với lực lượng biên phòng, kiểm lâm hoạt động đạt nhiều kết quả như phát hiện, xử lý 1.340 vụ việc xâm nhập, vượt biên, buôn lậu, trộm cắp lâm sản; thu giữ nhiều hàng hoá trị giá hàng trăm triệu đồng và hàng chục khẩu súng các loại.

Ðiển hình là các vụ truy bắt nóng trộm, cướp, của dân quân chốt cầu Sài Gòn 1 (xã Tân Hoà- Tân Châu), chốt Bố Lớn (xã Hoà Hội- Châu Thành); của dân quân thường trực các xã Trà Vong- Tân Biên, Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận, Long Khánh- Bến Cầu, Truông Mít- Dương Minh Châu … Từ đó đã tạo được niềm tin, giúp nhân dân địa phương an tâm làm ăn sinh sống.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ thị của Bộ Quốc phòng về đẩy mạnh công tác dân vận của dân quân tự vệ trong tình hình mới, trong 8 năm qua, các địa phương đã huy động hơn 32.500 lượt dân quân tự vệ, đóng góp hơn 195.400 ngày công lao động; nâng cấp sửa chữa hơn 1.840.000m đường giao thông nông thôn, nạo vét hơn 356.400m kênh mương, sửa chữa 422 căn nhà cho gia đình chính sách, trồng hơn 26.500 cây xanh các loại…; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí kết hợp tặng quà cho các đối tượng chính sách, nhân dân nghèo trị giá hàng trăm triệu đồng; phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước được hơn 8.300 cuộc, có hơn 850.000 lượt người tham gia

Ông Nguyễn Văn Nhưng- Chủ tịch UBND xã Biên Giới, huyện Châu Thành khẳng định, việc tổ chức chốt dân quân biên giới rất phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Qua thời gian thực hiện mô hình chốt dân quân biên giới cho thấy, đây là chỗ dựa tin cậy của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương, luôn phát huy tốt vai trò xung kích trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Bà Lưu Thị Khường- người dân sinh sống lâu năm gần chốt dân quân Tân Ðịnh (xã Biên Giới, huyện Châu Thành) phấn khởi nói: “Nơi chúng tôi sinh sống gần sát biên giới, bà con còn nhiều vất vả, đường sá đi lại khó khăn. Thế nhưng mỗi khi có công việc, bất cứ lúc nào, nếu cần là các chiến sĩ dân quân luôn có mặt kịp thời giúp đỡ bà con. Có chốt dân quân, nhân dân không còn lo lắng nữa, địa bàn ấp biên giới rất bình yên”.

Ðại tá Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh đánh giá, từ khi thành lập mô hình chốt dân quân nơi biên giới, công tác nắm tình hình và đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới có bước phát triển mới, đạt hiệu quả thiết thực. Sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng dân quân với lực lượng biên phòng, kiểm lâm đạt nhiều kết quả tốt. Qua đó, đã giúp cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ hơn vị trí, tầm quan trọng và giá trị chiến lược kinh tế - quốc phòng và an ninh của vùng biên giới.

Huy Thường

Tin cùng chuyên mục