Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước, nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách đã giúp nhiều hộ dân vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, từng bước nâng cao đời sống, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Gia đình ông Cường nỗ lực đầu tư chuồng trại nuôi chim cút để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Vũ Văn Mích, ngụ tổ 18, ấp Suối Ông Đình, xã Trà Vong, huyện Tân Biên được Hội Nông dân xã giới thiệu vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội Tân Biên từ nguồn vốn giải quyết việc làm 38 triệu và vay hộ thoát nghèo 23 triệu.
Sau 1 thời gian học hỏi từ những người có kinh nghiệm, ông Mích mạnh dạn thực hiện mô hình trồng xen canh ổi ruby ruột đỏ và nhãn Hồng Phúc trên diện tích 0,5 ha. Chi phí trồng và đầu tư phân bón khoảng 30 triệu, có ký hợp đồng với thương lái thu mua.
Ông Mích cho biết: “mô hình trồng xen canh cây ăn trái trên diện tích 0,5 ha gồm 200 gốc ổi ruby ruột đỏ xen với 110 gốc nhãn Hồng Phúc, tiết kiệm diện tích trồng, thuận lợi hơn trong việc chăm sóc, vệ sinh vườn, thu hoạch và tránh gió bão. Bước đầu mô hình trồng xen cây ổi vào trong vườn nhãn theo mật độ thích hợp giúp cả 2 loại cây sinh trưởng, phát triển tốt”.
Năm đầu tiên ông thu hoạch 5 tấn ổi ruby ruột đỏ, giá bán từ 25.000 – 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ tất cả chi phí ông thu lợi trên 110 triệu đồng. Vườn ổi đang bước vào vụ thu hoạch thứ 2, dự kiến cho năng suất bình quân khoảng 6- 7 tấn.
Việc nuôi chim cút đòi hỏi người dân phải làm tốt khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
Mô hình “Trồng xen canh nhãn Hồng Phúc và ổi Ruby ruột đỏ” được Hội Nông dân xã Trà Vong đăng ký với Hội Nông dân huyện, được đánh giá là mô hình mới phù hợp cho người dân ít vốn, diện tích đất hạn chế, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị sản xuất. Khi được nhân rộng theo đúng định hướng quy hoạch, mô hình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân trên địa bàn huyện Tân Biên.
Được vay vốn, ông Phạm Văn Cường (sinh năm 1946), ngụ tổ 12, ấp Thạnh Nam, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên đầu tư chuồng trại nuôi chim cút để phát triển kinh tế gia đình. Ông Cường cho biết, việc nuôi chim cút đòi hỏi làm tốt khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, bảo đảm đủ ánh sáng, mật độ nuôi.
Vào mùa khô, thời tiết nắng nóng, cần giữ chuồng trại thông thoáng, mát mẻ, mùa mưa thời tiết lạnh, bảo đảm nhiệt độ thích hợp cho chim cút phát triển và duy trì sinh sản. Về thời gian sinh sản, từ lúc nhập con giống đến khoảng 20 - 25 ngày là chim cút bắt đầu đẻ trứng, tùy thời điểm và khâu chăm sóc nhưng bình quân khoảng 11 tháng sẽ thay giống mới. Gia đình đang nuôi khoảng 6.000 con chim cút, mỗi ngày thu hoạch trung bình 4.500 trứng, trừ tiền thức ăn, lợi nhuận thu được gần 500.000 đồng/ngày.
Bà Nguyễn Thị Nhung- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Tây cho biết: “nhờ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều người mạnh dạn đầu tư sản xuất, có điều kiện để phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Để bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Hội Nông dân xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế mới, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế; kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng vốn vay, thu hồi nợ đúng hạn”.
Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình ông Mích mạnh mạnh dạn thực hiện mô hình trồng xen canh ổi ruby ruột đỏ và nhãn Hồng Phúc.
Đối với các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi sẽ giúp họ ổn định cuộc sống, có hướng phát triển kinh tế mới.
Nhờ việc phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nông dân huyện Tân Biên đã tạo hiệu quả trong việc cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân, giúp nhiều người vươn lên thoát nghèo, có điều kiện cải thiện đời sống gia đình, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Phương Thảo – Quang Hà