Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hiệu quả từ phiên toà giả định
Chủ nhật: 07:22 ngày 29/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thời gian qua, việc xây dựng phiên toà giả định xoay quanh các chủ đề như phòng, chống ma tuý, xâm hại tình dục trẻ em, cố ý gây thương tích… được đánh giá là cần thiết, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, cũng như học hỏi về xử lý tình huống trong cuộc sống.

Chi đoàn TAND tỉnh phối hợp với Chi đoàn VKSND tỉnh, Chi đoàn Phòng Kỹ thuật hình sự- Công an tỉnh tổ chức phiên toà giả định.

TÌNH HUỐNG SÁT THỰC

Với mục đích đưa các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, thanh niên và người dân, từ năm 2016, Chi đoàn TAND tỉnh phối hợp với Chi đoàn VKSND tỉnh, Chi đoàn Phòng Kỹ thuật hình sự- Công an tỉnh tổ chức thành công 5 phiên toà giả định tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.

Nội dung các vụ án tại phiên toà giả định được xây dựng dựa theo tư liệu trong thực tiễn xét xử, chủ yếu như hành vi cố ý gây thương tích, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, mua bán trái phép chất ma tuý... thu hút hàng trăm lượt người dân, thanh niên, học sinh theo dõi.

Trung bình, mỗi phiên toà giả định thường kéo dài từ 45 - 60 phút, tuỳ vào vụ án. Phiên toà giả định tái hiện quá trình xét xử vụ án, trình tự diễn ra như một phiên toà thật sự, cung cấp thông tin cho người xem về hành vi phạm tội và việc xét xử đối tượng phạm tội.

Trong các phiên toà giả định, các vị trí từ Chủ toạ phiên toà, Hội thẩm nhân dân, đại diện Viện Kiểm sát, Thư ký phiên toà đến bị cáo, người bị hại, người làm chứng… tất cả đều được các đoàn viên thực hiện tốt. Ngoài ra, việc lựa chọn địa điểm tổ chức các phiên toà giả định do Ðoàn khối các cơ quan tỉnh quyết định, phân công cho các Chi đoàn TAND tỉnh, VKSND tỉnh, Phòng Kỹ thuật hình sự- Công an tỉnh tổ chức.

“Tại phiên toà giả định, những tình huống đều mang đến một câu chuyện đời thường, các vấn đề xảy ra thường xuyên trong cuộc sống và những bài học rất thật về sự thiếu hiểu biết, không chấp hành pháp luật hay sự thiếu kiềm chế trước những tình huống phát sinh bất ngờ”- anh T.D, ngụ thành phố Tây Ninh bày tỏ.

HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT HIỆU QUẢ

Ông Trịnh Minh Hải- Bí thư Chi đoàn TAND tỉnh chia sẻ, các phiên toà giả định không chỉ phản ánh hành vi phạm tội hay mức án được áp dụng, mà còn giúp người dân hiểu rõ hơn về hoạt động của những người cầm cân nẩy mực, giúp người xem nhận thức được ranh giới giữa đúng và sai, tính nghiêm minh của pháp luật.

Vì thế, khi đến tham dự các phiên toà giả định được tổ chức tại địa phương, hầu hết mọi người đều rất hứng thú với các tình tiết của vụ án, chăm chú theo dõi quá trình tranh luận giữa các bên.

Theo ông Hải, hiện nay, ngành Toà án ngừng việc xét xử lưu động, hy vọng trong thời gian tới, các phiên toà giả định sẽ trở thành kênh tuyên truyền pháp luật thiết thực và hiệu quả hơn cho người dân.

Mặc dù chỉ là một phiên toà giả định, nhưng các hình thức tố tụng như một phiên toà thật sự sẽ góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đẩy mạnh và phát huy phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội…

Ðược biết, dự kiến trong thời gian tới, Chi đoàn TAND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp Chi đoàn VKSND tỉnh, Chi đoàn Phòng Kỹ thuật hình sự- Công an tỉnh tổ chức phiên toà giả định tại Trường THPT Dân tộc nội trú để tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đoàn viên thanh niên, đồng thời tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với cơ sở Ðoàn tại địa phương.

PHƯƠNG THẢO - ÐÀO NHƯ

Tin cùng chuyên mục