Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hiệu quả ứng dụng giải pháp “Quy trình sản xuất thử nghiệm trà túi lọc xạ đen được canh tác tại Tây Ninh”
Chủ nhật: 13:39 ngày 01/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cây xạ đen được người Mường ở tỉnh Hoà Bình sử dụng như một cây thuốc quý để hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh rất công hiệu. Ngoài ra, cây xạ đen còn được sử dụng để ổn định huyết áp, đặc biệt là huyết áp cao; hỗ trợ điều trị xơ gan, men gan cao, giúp cơ thể thanh nhiệt và giải độc; các bệnh viêm nhiễm, bệnh tiểu đường, máu nhiễm mỡ, dùng trong giảm đau, tăng sức đề kháng của cơ thể.

 Cây xạ đen nuôi cấy mô.

Tuy nhiên, vì là cây thuốc của người dân tộc nên cây xạ đen ít được biết đến, cho đến khi được nghiên cứu và công nhận tác dụng từ công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước của Giáo sư Lê Thế Trung (nguyên Giám đốc Học viện Quân y) và các cộng sự. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu bào chế các hoạt chất từ xạ đen dưới dạng viên nén, khi thành công sẽ mở thêm một thị trường tiêu thụ lớn.

Do đó, việc tạo nguồn giống lớn, chất lượng cao phục vụ cho việc gây trồng xạ đen làm dược liệu là việc làm hết sức cần thiết. Trung tâm Khoa học và Công nghệ Tây Ninh (Sở Khoa học và Công nghệ) đã kịp thời nghiên cứu nhân giống cây xạ đen nuôi cấy mô, trồng khảo nghiệm trong điều kiện khí hậu và đất đai ở Tây Ninh.

Qua quá trình nghiên cứu, không chỉ dừng lại ở việc canh tác, lá xạ đen được thu hoạch còn dùng làm nguyên liệu trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Giải pháp “Quy trình sản xuất thử nghiệm trà túi lọc xạ đen được canh tác tại Tây Ninh” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Hiếu Trang, Nguyễn Văn Lai và Nguyễn Phi Hoàng (Trung tâm KH&CN Tây Ninh) thực hiện đã đạt giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật lần thứ 13 năm 2022-2023.

Chị Nguyễn Thị Hiếu Trang– Chuyên viên nghiên cứu Phòng Công nghệ sinh học và Thử nghiệm thuộc Trung tâm KH&CN, đồng tác giả của giải pháp này cho biết, Tây Ninh có khí hậu tương đối ôn hoà, nhiệt độ ổn định; có tiềm năng dồi dào về đất, trên 96% quỹ đất thuận lợi cho phát triển cây trồng các loại, từ cây trồng nước đến cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, cây ăn trái. Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp đa dạng, đặc biệt là các loại cây dược liệu.

Chị Nguyễn Thị Hiếu Trang pha chế trà túi lọc xạ đen.

“Nhiều ý kiến cho rằng cây xạ đen ở vùng rừng núi Hoà Bình mới cho hiệu quả điều trị bệnh cao nhất, còn xạ đen ở vùng khác hoặc mang về trồng lại chưa chắc đủ dược tính cần thiết để trị bệnh. Tuy nhiên, không có nghiên cứu hoặc bằng chứng khoa học chứng minh được điều đó. Do đó, việc trồng thử nghiệm và xác định thành phần hoá học cũng như đánh giá hoạt tính sinh học của cây xạ đen ở tỉnh Tây Ninh sẽ góp phần khẳng định khí hậu và đất đai của địa phương thích hợp cho việc canh tác cây xạ đen dùng làm nguyên liệu trong sản xuất thực phẩm chức năng” – chị Trang chia sẻ.

Nghiên cứu đã đánh giá khả năng sinh trưởng của cây xạ đen được nhân giống bằng hạt và nuôi cấy mô. Kết quả sau gần 2 năm khảo sát, việc nhân giống từ hạt dễ thực hiện, ít tốn công, rẻ tiền, thời gian ngắn và không đòi hỏi các thiết bị phức tạp so với nhân giống bằng nuôi cấy mô. Sự phát triển của cây xạ đen từ hạt cũng mạnh hơn nhiều so với cây nuôi cấy mô.

Ngoài ra, tỷ lệ sống, năng suất thân lá của cây gieo hạt cao hơn rất nhiều so với cây nuôi cấy mô. Tuy nhiên, các hoạt chất sinh học (được thể hiện qua hàm lượng polyphenol và flavonoid tổng) của cây gieo hạt và nuôi cấy mô là tương đương nhau. Do đó, cây xạ đen được nhân giống từ hạt là lựa chọn phù hợp cho sản xuất dược liệu từ cây xạ đen.

Chị Nguyễn Thị Hiếu Trang cho biết thêm, nghiên cứu cho thấy cây xạ đen (từ hạt và nuôi cấy mô) thích nghi tốt với điều kiện đất đai và khí hậu của Tây Ninh, cây không bị sâu và bệnh hại tấn công, có khả năng chịu hạn rất tốt nhưng không chịu được đất bị úng hoặc ngập.

Sản phẩm trà túi lọc xạ đen.

Trung tâm KH&CN đã nghiên cứu sản xuất thử nghiệm sản phẩm trà túi lọc từ lá xạ đen. Sau khi đạt giải Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật tỉnh lần thứ 13 năm 2022-2023, sản phẩm “Trà túi lọc từ lá xạ đen” của đơn vị đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm số 06/GCNATTP-SCT cấp ngày 22.4.2024.

Việc di thực thành công cây xạ đen trồng tại tỉnh Tây Ninh, đồng thời chứng minh được các hoạt chất và hoạt tính sinh học của nó không khác biệt nhiều so với trồng tại tỉnh Hoà Bình, sẽ góp phần mở ra một tiềm năng mới cho sản xuất nông nghiệp và thực phẩm bảo vệ sức khoẻ của tỉnh Tây Ninh. Hiện nay, Sở KH&CN đã chỉ đạo đơn vị chuyển giao công nghệ cho những địa phương, đơn vị có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.

Cây xạ đen có tên khoa học là Celastrus hindsii Benth. & Hook thuộc họ dây gối (Celastraceae); là cây thân gỗ mọc leo thành bụi, dài trung bình 5-7m, có khi dài hàng chục mét, thân già vỏ nâu đốm trắng, chồi và lá non có màu tím đỏ.

Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục