Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hiểu thêm về Tân Hưng
Thứ tư: 08:28 ngày 11/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh còn chép một chi tiết mới nữa, là: “đến tháng 7 năm ấy (1958), xã Tân Hưng rộng lớn lại chia thành 3 xã là Tân Hưng, Tân Long và Tân Hội”.

Mái nhà Chăm Tân Hưng.

Kênh Tân Hưng sau khi lấy nước Lòng hồ vắt ngang qua xã Tân Hưng mà tới những vùng sâu Trà Vong, Mỏ Công, Tân Phong, Hoà Hiệp của huyện Tân Biên. Xin nhắc lại, kênh này được xây dựng trong các năm 1996-1999, dài 29km (ban đầu) để cấp nước tưới cho hơn 10 ngàn ha.

Ðồng thời, nó cũng cấp nước cho nhà máy đường Bourbon 8.000T/ngày (năng suất thiết kế ban đầu), nay nhà máy đã thuộc về Tập đoàn Thành Thành Công. 

Ðến nay, con kênh này vẫn hiên ngang với đôi bờ đê vững chãi. Dòng nước vẫn tràn trề, thầm lặng chảy lên những miền rừng xa ngái phía Tây. Cầu kênh Tân Hưng vẫn đấy, trên đường 785 nối thị trấn Tân Châu về thành phố Tây Ninh. Ba nhịp cầu bê tông vững chãi, cho hàng ngàn chuyến xe đi lại mỗi ngày. Nhớ cây cầu này vì biết nó nằm cách thành phố Tây Ninh gần đúng 20 cây số.

Tân Hưng! Ðã đi qua bao lần, nhưng còn đọng trong trí nhớ là những xóm dân cư dài bên tỉnh lộ. Người Tân Hưng chắc mê cây sanh, cây si nên đâu đâu cũng thấy sanh, si toả bóng trước sân nhà. Lại có một quán cà phê nằm giữa một rừng sanh nay đã trở thành cổ thụ.

Nhớ Tân Hưng vài năm trước còn những ngôi nhà chữ đinh toàn gỗ ngói đẹp như mơ. Vách gỗ đậm màu, mái ngói đỏ, nâu lốm đốm. Và nền trời trên cao in bóng những hàng cau. Lần này đi qua đã không thấy nữa. Thay vào đó là nhiều ngôi kiểu biệt thự, đứng thênh thang giữa những vườn hoa kiểng đẹp không ngờ.

Nhân ngày lễ xả chay Ramadal của người Chăm, ghé thăm ngôi thánh đường ở ấp Tân Trung A, bỗng ngậm ngùi nhớ tiếc ngôi nhà sàn ở sát bên hông thánh đường đã không còn nữa. Ông Cả chùa bảo, một khu du lịch hay cà phê sinh thái nào đó đã mua và đem về phố.

Nhưng vẫn còn đây một không gian thánh đường ấm áp, kiểu nửa Hồi, nửa Việt. Hồi là các vòm cong mũi nhọn ở hành lang và bốn trụ tháp cao 4 góc thánh đường. Việt là hai tầng mái ngói đỏ chồng diêm loang những vệt rêu phong kiểu mái đình chùa Việt.

Trong không gian rộng rãi ở hành lang vẫn trầm ấm màu gỗ của cột cây và trần ván. Trên nền gạch bông của thập niên 80 nổi bật lên những mâm cơm đầu tiên sau hơn một tháng chay với dĩa cơm trắng tinh và tô ragu bò hầm óng ánh màu cam đỏ.

Bên ấp Tân Trung B cũng còn một ngôi thánh đường giữa khu vườn thênh thang cỏ với bóng vài cây thốt nốt. Ðấy là ngôi mới xây sau này nên không thể sánh với ngôi vừa tả.

Ông Cả chùa bảo, người Chăm Tân Hưng đã sống ở đây từ trước năm 1975. Ðịa chí Tây Ninh cũng xác nhận điều này, tuy chưa rõ năm nào. Tại chương II, mục Cộng đồng dân cư, trang 110 có đoạn: “Ðịa điểm Bàu Bắc ngày xưa từng là nơi dựng lán trại trong các cuộc đi rừng của người Chăm Trà Vong, và từ đó dần dần họ chọn nơi đây làm điểm cư trú...”.

Vâng, Bàu Bắc là cái tên xưa của ấp Tân Trung A. Dù đã thay tên đổi họ, nhưng ấp vẫn còn một cái chợ nhỏ mang tên Bàu Bắc ở bên đường tỉnh lộ. Cả cái bàu ấy vẫn còn ngay sau dãy nhà mặt tiền đối diện với ngôi thánh đường. Anh chủ nhà dẫn ra chỉ chiếc bàu, chỉ thấy màu xanh cây mì tươi tốt.

Anh bảo bàu rộng khoảng 2 ha, dù đã mùa mưa, bàu vẫn không bị ngập. Muốn thấy bàu nước thật sự phải tới đầu tháng 10, cao điểm mùa mưa lũ. Tân Hưng vẫn còn những cái bàu khác, như bàu Cỏ, bàu Cá Nhái... Dễ tìm nhất là bàu Cá Nhái, khá sâu ngay bên con đường bê tông nhựa. Con đường này, chạy qua bên hông nhà máy đường và thẳng tới quốc lộ 22B thuộc huyện Tân Biên.

Có một cảm nhận rằng, dường như huyện Tân Châu đã đầu tư khá tốt cho xã Tân Hưng. Ði dọc lộ 785 thỉnh thoảng lại gặp những con đường kiểu xương cá đi vào xa hút. Như đường qua ấp Tân Ðông xuống tận bến Cầu Sập trên lòng hồ Dầu Tiếng dài gần 4km.

Như đường vào xóm Chăm, Tân Trung B. Trên tấm biển thi công ở đầu đường còn ghi, đấy là công trình thứ 14, mới hoàn thành vào tháng 2.2017. Ðường cấp phối đá nhựa hẳn hoi, rộng khoảng 4 mét. Nhiều con đường khác lại ngời sáng màu bê tông xi măng thẳng thớm, tinh tươm.

Ðường nào cũng xuyên qua những rẫy mía, nương mì, hoặc vườn mãng cầu, cao su... xa xanh bát ngát. Giữa tháng 6, mãng cầu Tân Hưng dường như đã qua mùa hái trái. Trong những vườn cây, thấp thoáng bóng người. Họ đang cắt tỉa cành lá để chuẩn bị cho cây ra một mùa trái mới. Cành lá được cắt tỉa gọn gàng kiểu như các chủ nhân sau tết chăm sóc vườn mai.

Chưa thấy sách sử hay tư liệu nào viết sâu về Tân Hưng. Như Ðịa chí Tây Ninh viết về huyện Tân Châu còn rất sơ sài, và chưa thấy Tân Hưng có gì nổi bật. Ngay cả cuốn sách Truyền thống cách mạng của xã Tân Hưng ghi chuyện xa xưa của vùng đất này cũng chỉ có vài dòng.

Ðấy là: “Năm 1917, xã Tân Hưng trước đây là làng Khedol thuộc tổng Chơn Bà Ðen. Năm 1942, chính quyền Pháp đổi tên quận Thái Bình thành quận Châu Thành, Khe-dol thuộc xã Ninh Thạnh... Tháng 5.1958, Khedol được đổi tên là xã Tân Hưng...”.

Nhưng sao lại là năm 1917 nhỉ? Ðấy là do tác giả mới chỉ sưu tầm được các tư liệu kể từ năm ấy. Tìm hiểu thêm thì được biết Tân Hưng còn có gốc gác xa xưa hơn, ít ra là nửa thế kỷ trước. Sách Từ điển Ðịa danh Hành chính Nam bộ (tác giả Nguyễn Ðình Tư, NXB Chính trị quốc gia, năm 2008); trang 311 có mục từ Chơn Bà Ðen. Ðấy là: “Tổng thuộc hạt Tây Ninh từ 1865, gồm 5 làng: Cà Nhum, Ké del (Khe-dol), Rùng, Thùng, Ampil...

Từ năm 1930 thuộc Thái Bình, năm 1942 đổi thuộc quận Châu Thành (do đổi tên quận). Sau 1956, các làng gọi là xã vẫn như cũ, tổng còn 3 xã: Ké del, Cà Nhum, Rùng. Ngày 28.3.1957 giải thể các xã Cà Nhum, Rùng nhập vào Ké del. Ngoài ra còn được sáp nhập thêm 5 xã của tổng Khân Xuyên và 2 xã của tổng Tabalyul...”.

Sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh còn chép một chi tiết mới nữa, là: “đến tháng 7 năm ấy (1958), xã Tân Hưng rộng lớn lại chia thành 3 xã là Tân Hưng, Tân Long và Tân Hội”.

Như vậy, xã Tân Hưng đã có từ năm 1865 với cái tên Khedol. Và đã có thời các xã của tổng này nhập hết vào Tân Hưng để trở nên một vùng rộng lớn, bao gồm cả huyện Tân Châu ngày nay. Chưa có lúc nào Tân Hưng (hay Khedol) lại thuộc xã Ninh Thạnh cả (như sách truyền thống viết).

Về phía chính quyền cách mạng từ năm 1951, nơi đây thuộc vào chiến khu Dương Minh Châu của tỉnh Gia Ðịnh Ninh và: “Tháng 7.1960, Xứ uỷ quyết định thành lập huyện căn cứ lấy ký hiệu C105, Tân Hưng thuộc về C105.

Ngày 15.6.1964, Ðảng uỷ C105 đề nghị lấy tên gọi công khai của C105 là huyện Tân Biên..., xã Tân Hưng thuộc huyện Tân Biên...” (Sđd). Ðến năm 1989, khi thành lập huyện Tân Châu, Tân Hưng thuộc về huyện mới. Bấy nhiêu chi tiết ấy, để Tân Hưng xứng đáng được coi là miền đất mẹ, sinh thành và khai sáng.

Vẫn còn nhiều điều khiến người qua Tân Hưng phải ngỡ ngàng. Chẳng hạn chợ Tân Hưng. Kiểu như chợ Cẩm Giang nhưng chợ Tân Hưng vừa rộng lớn, đông vui mà sạch sẽ, hoàn toàn không có vũng nước đọng nào trong khu vực chợ. Hay ngôi trường mẫu giáo mới xây ở ấp Tân Trung B đẹp như một lâu đài trong chuyện cổ. Dọc đường, tuy thấy mất đi vài ngôi nhà cổ truyền thống chữ đinh nhưng đã mọc lên những ngôi nhà ngói mới lộng lẫy mà vẫn giữ dáng vẻ xa xưa...

Trần Vũ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục