Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Điều chỉnh chế độ làm việc đối với giao viên phổ thông:
Hiệu trưởng không được quy đổi tiết dạy
Thứ năm: 07:05 ngày 27/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông, trường dự bị đại học không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế cho định mức tiết dạy.

Ngày 9.6.2017, Bộ Giáo dục - Ðào tạo ban hành Thông tư số 15/2017/TT-BGDÐT (Thông tư 15) sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 28/2009/TT-BGDÐT ngày 21.10.2009 (Thông tư 28).

Thông tư 15 quy định định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. Theo đó, định mức tiết dạy/năm đối với hiệu trưởng được tính: 2 tiết/tuần, với phó hiệu trưởng: 4 tiết/tuần. Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường phổ thông, trường dự bị đại học không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế cho định mức tiết dạy.

Tiết dạy của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định cụ thể như sau: dạy các nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông và đặc thù (nếu có) đối với trường phổ thông; bảo đảm số tiết theo quy định về định mức tiết dạy đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và công khai tại hội nghị công chức, viên chức hằng năm của trường.

Ðối với giáo viên, Thông tư 15 có một thay đổi đáng chú ý: giáo viên kiêm nhiệm công tác Công đoàn thực hiện giám định mức tiết dạy theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BGDÐT ngày 28.3.2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Ðào tạo (quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác Công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân).

Thông tư 15 có hiệu lực kể từ ngày 1.8.2017.

Với một số sửa đổi như trên, có thể hiểu, Thông tư 15 yêu cầu hiệu trưởng, hiệu phó trực tiếp dạy môn học mà mình đã được đào tạo, không được lấy các hoạt động khác để quy đổi thành tiết dạy.

Quy định này thật ra không thay đổi gì nhiều so với Thông tư 28. Tuy nhiên, Thông tư 15 quy định cụ thể, chi tiết hơn. Mục đích của sự điều chỉnh trong Thông tư 15 là buộc hiệu trưởng, hiệu phó phải trực tiếp dạy môn học mà mình từng được đào tạo để chuyên môn không bị “hoen gỉ”.

Quy định là như vậy, song lâu nay nhiều vị quản lý cứ… nại đủ lý do để khỏi phải trực tiếp đứng lớp. Và mặc dù không trực tiếp đứng lớp nhưng lại vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi trong khi chế độ này chỉ dành cho giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Ở nhiều trường phổ thông, hiệu trưởng thường “giành” dạy hoạt động hướng nghiệp rồi từ đó quy đổi thành tiết dạy, trong khi một năm học, số giờ cho hoạt động hướng nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ở cấp THPT, từ năm học 2015 - 2016 trở về trước, khi môn Giáo dục công dân chưa có mặt trong kỳ thi THPT quốc gia, không ít hiệu trưởng thích… “ôm sô” môn này. Ðầu năm học 2016 - 2017, khi biết tin kỳ thi THPT có môn Giáo dục công dân, lập tức các vị liền “nhả” ngay môn này cho giáo viên.

Cách nay ít năm, tại Tây Ninh từng có chuyện một loạt hiệu trưởng bị kỷ luật vì không trực tiếp đứng lớp nhưng vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi. Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang siết chặt quy định này, có hiệu trưởng đã phải hoàn trả lại tiền chế độ đã lãnh.

Thực tế cho thấy do không trực tiếp dạy học nên không ít vị hiệu trưởng đã tự bộc lộ kiến thức chuyên môn khá lơ mơ của mình trong những lần đi… chấm thi giáo viên giỏi (?). Thực tế cũng cho thấy, ở nhiều trường phổ thông, rất hiếm có vị hiệu trưởng nào dám đứng ra dạy cho giáo viên dự giờ, học tập kinh nghiệm.

Nhân tiện cũng nói thêm, về quy định giảm số tiết dạy đối với giáo viên làm công tác Công đoàn, Thông tư 15 dù chưa có hiệu lực nhưng có phần đã… lạc hậu, vì Công đoàn giáo dục cấp huyện nay đã không còn tồn tại nữa. Theo tinh thần mới, ở bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, chức vụ chủ tịch Công đoàn cơ sở sẽ do một phó hiệu trưởng kiêm nhiệm.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục