Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hiệu ứng tích cực của sao la sau SEA Games 31
Thứ bảy: 14:10 ngày 28/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sao la – loài thú bí ẩn nhất thế giới, 3 lần hiếm hoi xuất hiện trong tự nhiên tại Việt Nam – đã hoàn thành sứ mệnh linh vật SEA Games 31. Cũng từ đây loài vật này được công chúng biết đến và quan tâm nhiều hơn.

Tháng 5/1992, giới chuyên môn công bố cặp sừng thon, dài của loài thú được phát hiện tại nhà dân ở xã Hương Quang, huyện Hương Khê, nay là xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang, chính là của sao la.

Sau đó, nhiều đoàn chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước liên tục ra vào rừng núi các huyện Hương Khê, Hương Sơn tìm kiếm, với hy vọng một lần nhìn thấy loài thú bí ẩn nhất thế giới, phục vụ nghiên cứu nguồn gen, bảo tồn đa dạng sinh học.

Sao la – loài thú bí ẩn nhất thế giới, 3 lần hiếm hoi xuất hiện trong tự nhiên tại Việt Nam.

Cán bộ của các đoàn Việt Nam, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp... đã tìm đến nhiều gia đình trong xã xin chụp ảnh, đặt vấn đề thu mua tất cả cặp sừng đang treo trang trí trong nhà.

Vì loài thú này nhút nhát, sống về đêm, ngửi thấy hơi người lập tức chạy túa vào rừng sâu, vì vậy nhiều đoàn công tác lên tới hàng chục người cũng không thể tìm thấy một tung tích nào của loài vật này.

Có thể nói, sao la đã tồn tại cùng thời điểm hình thành dãy rừng nguyên sinh Trường Sơn nhưng mãi đến thập niên 90 các nhà khoa học của WWF và Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) mới phát hiện ra đây là loài thú mới.

Sự kiện này được đánh giá "chấn động giới khoa học toàn cầu" bởi gần nửa thế kỷ, thế giới chưa phát hiện ra một loài thú lớn nào.

Cùng với đó, những phát hiện về loài Mang lớn và Mang Trường Sơn những năm sau, là một minh chứng rõ ràng về tính đa dạng sinh học giàu có của cánh rừng Trường Sơn hùng vĩ của Việt Nam.

Một con sao la được ghi nhận tại Huế vào những năm 1998. Ảnh: WWF-Việt Nam

Nhờ sao la, Việt Nam trở thành điểm nổi bật trên bản đồ đa dạng sinh học của thế giới, nằm trong nhóm dẫn đầu của 200 vùng đa dạng sinh học cao toàn cầu, vùng còn rất nhiều tiềm ẩn về giá trị đa dạng sinh học và đang thu hút được nhiều chương trình bảo tồn từ quốc tế.

Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã coi Việt Nam là một điểm đến mơ ước trong sự nghiệp để được chiêm ngưỡng sự hùng vĩ cũng như khám phá đa dạng sinh học tiềm ẩn.

Các nhà khoa học và các tổ chức bảo tồn quốc tế đã thành lập nhóm làm việc về sao la (Saola Working Group - SWG), xây dựng quỹ bảo tồn toàn cầu về sao la,... Chính phủ Việt Nam cũng rất nỗ lực và tâm huyết bảo tồn sao la, xây dựng kế hoạch hành động bảo tồn cảnh quan.

Kể từ khi phát hiện sao la, với sự hỗ trợ của WWF, chiến lược quản lý bảo tồn Trung Trường Sơn đã được xây dựng, mở rộng vườn quốc gia, thành lập các khu bảo tồn trong vùng sinh cảnh sao la, đặt biệt là 2 khu Bảo tồn mang tên sao la đã được thành lập tại Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt đề án xây dựng trung tâm nhân giống và tái thả để bảo tồn sao la và các loài động vật có giá trị bảo tồn cao đặt tại Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Sau khi trở thành linh vật SEA Games 31, sao la được công chúng biết đến và quan tâm nhiều hơn.

Chính vì lẽ đó mà sao la – loài thú bí ẩn nhất thế giới, 3 lần hiếm hoi xuất hiện trong tự nhiên tại Việt Nam – đã trở thành sứ mệnh linh vật SEA Games 31.

Từ loài vật ít người biết đến, sao la xuất hiện khắp các đường phố ở Hà Nội và 11 tỉnh/thành khác. Chúng đã hoàn thành xuất sắc vai trò linh vật của mình. Cũng từ SEA Games 31, sao la được công chúng biết đến và quan tâm nhiều hơn.

Hy vọng rằng, khi biết tới sao la, sẽ có nhiều người tìm hiểu thêm về chúng và nhận thức được tại sao chúng ta phải bảo tồn khẩn cấp loài này.

Nguồn Congly

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục