Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hình tượng Bác Hồ và một đời nghệ sĩ
Chủ nhật: 11:12 ngày 01/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
…Chuyện trò một lúc, tôi đề nghị Tiến Hợi thể hiện giọng nói của Bác. Anh dừng lại 3 giây, rồi đọc Tuyên ngôn độc lập. Không cần micro, không thiết bị kỹ thuật hỗ trợ, chỉ có giọng nói xứ Nghệ mộc mạc, vừa trầm ấm lại âm vang, khiến tôi tưởng mình đang có mặt ở quảng trường Ba Đình lịch sử năm nào…


Suốt 40 năm làm nghệ thuật, Tiến Hợi đã hàng nghìn lần vào vai Bác Hồ.

Vừa mừng, vừa lo

NSƯT Tiến Hợi không phải là người duy nhất đóng vai Bác Hồ. Nhưng khi nói đến những vai diễn về Bác trên sân khấu, điện ảnh, hay truyền hình thì cái tên mà người ta nhắc đầu tiên và nhiều nhất, chính là Tiến Hợi. 

Dù đã bao lần chia sẻ nhưng mỗi lần kể về vai diễn đầu tiên bén duyên với hình tượng Bác Hồ, Tiến Hợi vẫn không khỏi rưng rưng xúc động. Cách đây hơn 30 năm, chàng diễn viên trẻ của Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2 có nằm mơ cũng không tưởng tượng được, chính vai diễn đặc biệt trong vở “Đêm trắng” (NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng) lại trở thành bước ngoặt kỳ diệu cho cuộc đời nghệ thuật của mình.

Thời điểm đó, Tiến Hợi 28 tuổi, rất gầy, lại dong dỏng cao. Sau khi hoá trang, mọi người đều ồ lên vì… giống Bác quá. Giống từ vóc dáng, khuôn mặt, ánh mắt, thần thái. Giống đến cả giọng nói.


Người bạn đời luôn lặng thầm đi theo hóa trang cho anh mỗi lần vào vai Bác Hồ.

Anh bảo, lúc đó áp lực lắm, vì mình mới 28 tuổi, phải hoá thân vào vai Bác lúc Người đã 58 tuổi. Khâu hoá trang tạm ổn nhưng phải diễn thế nào cho ra thần thái, dáng dấp, giọng nói, khí chất của Bác là điều khiến Tiến Hợi thao thức “trắng đêm” trong suốt 2 tháng trời tập vở “Đêm trắng”.

Thế rồi, cứ sáng tập cùng Đoàn, chiều lại xem các đoạn phim tư liệu về Bác. Chăm chú xem cách Bác ngồi làm việc, Bác cưỡi ngựa, Bác hút thuốc, Bác viết, ngay cả thần thái khi Bác nằm, Bác ốm. Lúc rảnh rỗi, anh tìm đến nhà sàn của Bác trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch để nghe ông Vũ Kỳ, thư kí riêng của Bác, nói về cách ăn ở sinh hoạt, tác phong đời thường của Bác…

Lợi thế quê gốc Nghệ An giúp Tiến Hợi biết nói tiếng Nghệ, nhưng không phải ai nói tiếng Nghệ cũng bắt chước được giọng Bác Hồ. Buổi tối nào anh cũng lên Đài Tiếng nói Việt Nam nghe băng các bài phát biểu, nói chuyện của Bác rồi ghi âm đem về nhà tập nói. Nhiều đêm thanh vắng, chàng diễn viên trẻ cứ đứng giữa phòng tự diễn với cái bóng trên tường, rồi ngồi lẩm nhẩm tự nói tự sửa…

Nỗ lực đó được đền đáp ngay trong buổi công diễn đầu tiên. Không chỉ thuyết phục với vẻ ngoài, Tiến Hợi khiến cho khán giả như thấy Bác trong từng dáng đi, giọng nói, cử chỉ... “Kết thúc vở diễn, tất cả mọi người đều đứng dậy vỗ tay. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng con gái lên sân khấu tặng hoa cho chúng tôi. Mắt Đại tướng đỏ hoe. Ông xúc động không nói nên lời, chỉ nói với tôi hai từ: Cảm ơn! Cảm ơn!… rồi đi xuống”, nghệ sĩ Tiến Hợi xúc động nhớ lại, “Còn bác Vũ Kỳ ôm tôi khóc, vỗ vai nói “Tốt quá! Tốt quá! Cậu trẻ thế này mà thể hiện được thần thái của Bác. Tôi xem mà xúc động quá!”.

Tiến Hợi ghi dấu ấn sâu sắc khi thể hiện được ngoại hình, giọng nói, thần thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đó không phải lần duy nhất Tiến Hợi “nở mày nở mặt” nhờ vai diễn Bác Hồ. Có lần, ở Việt Trì (Phú Thọ), sau khi diễn xong, một cụ già đã chạy đến bên nam diễn viên… quỳ xuống vái lạy vì “giống Bác quá!”. Hay lần khác, khi phải diễn với 3.000 diễn viên quần chúng, quay mãi không xong vì quần chúng cứ tranh thủ ùa lên… xin chụp ảnh kỷ niệm. Nhận lệnh của đạo diễn, “chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành” mặc áo dài trắng, đầu đội khăn xếp đã đứng lên kêu gọi, động viên bà con, mong bà con giúp đỡ để hoàn thành bộ phim. Thế là bà con rào rào vỗ tay nhất trí nghe lời “Bác”.

Ðược nhiều hơn những vai diễn

NSƯT Tiến Hợi

Suốt 40 năm qua, số lần Tiến Hợi thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều không kể xiết. Hàng chục tác phẩm từ sân khấu đến điện ảnh, truyền hình. Chưa kể nhiều vở kịch như “Đêm trắng” được diễn hàng trăm buổi, trên khắp tỉnh thành cả nước. Năm 2013, sách “Kỷ lục Guinness” của Việt Nam xác nhận Tiến Hợi là “Nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ trong nhiều thể loại nhất”.

Hỏi anh, có chạnh lòng không khi làm nghệ thuật hơn 40 năm nhưng cái tên chỉ “đóng đinh” với một vai diễn, anh cười: “Đời nghệ sĩ, đôi khi chỉ cần một vai diễn, một tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng khán giả đã là mãn nguyện. Riêng tôi, dù vẫn từng đóng rất nhiều vai trên sân khấu, truyền hình nhưng việc được nhớ đến với vai diễn Bác Hồ là điều vinh dự, tự hào, là may mắn nhất trong suốt cuộc đời làm nghề”. 

Mừng thì mừng mà lo vẫn lo, anh bảo thế. “Không phải lo diễn không ra mà lo sẽ lặp lại chính mình. Với nghệ sĩ, đó là điều tối kỵ”. Nghĩ vậy nên anh luôn nghiên cứu thật kỹ để diễn sao cho ra thần thái của Người, ở mỗi vai diễn, trong mỗi giai đoạn lịch sử. Nếu Nguyễn Tất Thành của “Hẹn gặp lại Sài Gòn” trung thực, trong sáng, đầy hoài bão thì hình ảnh Bác Hồ trong “Hà Nội mùa đông năm 46” phải toát lên sự lịch lãm, kiên định nhưng cũng vô cùng gần gũi, giản dị…

Tiến Hợi trong vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành (phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”).

Công nghệ trang điểm của Việt Nam còn hạn chế nên mỗi lần hoá trang, đặc biệt là xử lý phần trán, anh phải ngồi lì suốt 2 tiếng đồng hồ, đôi khi chỉ để phục vụ 2-3 phút xuất hiện trên sâu khấu. Khi tham gia bộ phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, nghe đồn “ăn gan lợn mắt sẽ sáng”, Tiến Hợi cố ép mình ăn gan lợn ròng rã mấy tháng trời để đôi mắt thể hiện được sự tinh anh của Bác Hồ. Hay khi nhận lời đóng hình tượng Bác giai đoạn ở chiến khu, thời điểm đó Bác rất gầy, nên trước 1 tháng, Tiến Hợi phải ăn kiêng, thức khuya, tập thể dục để “ngót” đi đôi chút. Đến bây giờ, dù đã có tuổi, anh vẫn chú ý ăn uống, kiểm soát cân nặng để đề phòng những vai diễn bất chợt.

Sắp nghỉ hưu, anh sẽ có nhiều thời gian hơn cho gia đình. Mấy chục năm qua, có một người phụ nữ đã lặng lẽ bên anh trên cả đường nghề lẫn đường đời. Chị là nghệ sĩ Vương Đạm Thủy, vợ anh, cũng là người phụ trách hoá trang cho anh mỗi lần vào vai Bác Hồ. Chị quê ở Nam Đàn. Đồng nghiệp vẫn đùa có lẽ Bác đã “xe duyên” cho anh chị. Con trai đầu, anh chị đặt tên là Nguyễn Vương Thành.

Photo: ..

Cứ sáng sớm, vợ chồng Tiến Hợi lại đạp xe vài chục km quanh Hà Nội, chiều lại cùng nhau đi tập gym. “Cũng đến lúc nghĩ cho sức khoẻ rồi. Bác Hồ dù bận rộn nhưng rất chăm chỉ luyện tập. Tôi cũng học được ở Người đức tính dung dị, mộc mạc và sự chính xác trong công việc”. Anh còn khoe, cứ Tết đến lại “mượn” giọng Bác để chúc Tết mọi người. Hay ở quê có đám cưới, việc vui, anh lại được họ hàng nhờ vả “thôi bác chúc cho vài lời”…

Vì muốn giữ mãi hình ảnh của mình với những ký ức đẹp khi đóng vai Bác Hồ, Tiến Hợi không bao giờ nhận vai phản diện dù trên sân khấu hay phim ảnh. Anh cũng mong muốn sớm tìm được diễn viên trẻ có dáng dấp giống Bác để “truyền nghề”. 

"Nhiều khi ra đường, gặp mọi người, họ cứ hay nói hình như tôi bị nhiễm vai diễn của Bác hay sao mà từ dáng đi, dáng tay, tác phong giống Bác thế. Đôi khi đi tập, ngồi nói chuyện với các anh chị em trong đoàn, tự nhiên giọng nói lại nảy lên rất giống chất giọng của Bác”, Tiến Hợi cười cho biết.

Nguồn TPO

Tin cùng chuyên mục