Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hình tượng Yeak trong chùa Khmer
Thứ bảy: 06:05 ngày 05/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Người Khmer cũng có thần hộ pháp canh giữ chùa, nhưng nguồn gốc cũng như sắc diện thì hoàn toàn khác, họ được gọi là Yeak, một loại quỷ được Đức Phật cảm hoá và trở thành thần hộ pháp.

Tượng Yeak ở chùa Kà Ốt

Trong các đền chùa Phật giáo, không phân biệt Nam tông hay Bắc tông đều có thờ thần Hộ Pháp. Thần Hộ Pháp có nhiều vị khác nhau, nhưng kinh điển Phật giáo gọi chung là Dharmap la, có nghĩa là những thần thánh bảo vệ chánh pháp, bảo vệ Phật pháp và phật tử. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ canh giữ chùa, trấn ác, xua đuổi ma quỷ ra khỏi bóng tối, để chúng nương nhờ ánh sáng trí tuệ cũng như tha lực của Đức Phật mà cải tà quy chánh, đi đến giác ngộ.

Đến với chùa của người Việt hay người Hoa, ta thường thấy các hệ hộ pháp như Bát Bộ Kim Cương, Tứ Đại Thiên Vương, Khuyến Thiện - Trừng Ác, Tiêu Diện Đại Sĩ - Bồ Tát Vi Đà… đều là những vị thần mang chân dung người, mình mặc giáp trụ, tay cầm pháp khí để canh giữ nơi cửa chùa hay xung quanh chánh điện. Người Khmer cũng có thần hộ pháp canh giữ chùa, nhưng nguồn gốc cũng như sắc diện thì hoàn toàn khác, họ được gọi là Yeak, một loại quỷ được Đức Phật cảm hoá và trở thành thần hộ pháp.

Về nguồn gốc, Yeak xuất phát từ tiếng Pali là Yakkha, âm Hán Việt quen gọi là Dạ Xoa. Trong thần thoại Hindu, Yeak có tính cách hai mặt. Một mặt là vị tiên xinh đẹp vô thưởng vô phạt, được nối kết với rừng, núi. Một mặt là nham hiểm, cay độc, đôi khi giống ma quỷ ở những nơi hoang vu vắng vẻ, thường rình rập để ăn tươi nuốt sống người đi đường. Yeak được thu nạp vào đền chùa Phật như là những người hộ vệ cho Phật pháp.

Tương truyền khi Phật thuyết về địa ngục, Yeak có mặt làm nhiệm vụ của một quỷ sứ thi hành các hình phạt, từ đó Yeak phát khởi thiện tâm, quy y Phật, thường đến cung kính nghe Đức Phật thuyết pháp và được Đức Phật thọ ký cho làm thần Hộ Pháp giữ chùa. 

Chùa Khmer ở Khedol. Ảnh: Đ.H.T

Trong văn hoá Phật giáo Nam tông Khmer, Yeak đảm nhận vai trò là những vị thần canh giữ khu đền chùa. Chính vì vậy mà tượng Yeak là một yếu tố quan trọng trong mỹ thuật và kiến trúc đền chùa của người Khmer xưa nay. Tượng Yeak được an vị như là người gác cổng, xung quanh điện thờ Phật.

Về hình tướng, Yeak được mô tả phần lớn chú trọng vào đặc điểm khuôn mặt dữ dằn với cặp mắt tròn lồi, phồng to lên phần trên khuôn mặt, răng nanh cong nhọn lòi ra ngoài, màu da có màu xanh lục, mình mặc giáp trụ bó thân, binh khí là cây chày vồ chống đứng giữa hai tay và hai chân khuỳnh ra. Trong các chùa Khmer hiện nay, Yeak thường được tạo hình cặp đôi, một âm và một dương, bố trí hai bên cổng, cửa chùa, sala, tháp cốt hoặc hai bên tôn tượng Đức Thích Ca Mâu Ni.

Một điều cần lưu ý, trong văn học nghệ thuật Khmer, ta thường thấy hình tượng Yeak luôn xuất hiện với tư cách của một nhân vật tượng trưng cho cái xấu, cái ác, phản diện. Yeak là kẻ chuyên phá hoại, gây ra nghịch cảnh, đau khổ cho nhiều người.

Nhưng ngược lại, trong đời sống tôn giáo, cũng nghệ thuật tạo hình ở chùa Khmer, hình tượng Yeak lại xuất hiện với chức năng của một vị thần bảo vệ cho người dân, bảo vệ ngôi chùa, bảo vệ chánh pháp...

Đại lễ Dâng y của người Khmer. Ảnh: Nhựt Hồ

Hình tượng Yeak cũng tương tự như hình tượng Tiêu Diện Đại Quỷ Vương, là vua của loài ngạ quỷ. Ngài có khuôn mặt đỏ, lửa bốc cháy, là vị thần nổi tiếng của Phật giáo. Và người ta cũng cho rằng vị thần này vốn là hoá thân của Quán Thế Âm Bồ Tát.

Hoá thân này với ý nghĩa dùng hình tượng của cái ác để chế ngự cái ác. Các thế lực xấu khi gặp ngài thì hoảng sợ mà chạy ra hướng có ánh sáng, mà nơi có ánh sáng sẽ được Phật cứu độ và cảm hoá. Yeak cũng mặc giáp trụ và tay cầm vũ khí.

Có người thắc mắc, trong nhà chùa thì đánh giết ai mà phải trang bị như thế? Thực ra đây là một biểu tượng, thông qua nó, nhà Phật gửi đến mọi người một ý niệm khác. Áo giáp đây là nhẫn nhục giáp, áo giáp dùng để ngăn ngừa mọi xấu ác xâm nhập vào thân tâm, vũ khí không phải giết ai mà dùng để tiêu diệt mọi tham sân ái dục.

Yeak trong chùa Khmer nội hàm cả hai trong một là thiện thần và ác thần. Thiện là khuyến khích chúng sinh làm điều thiện, ác là trừng trị cái ác, cảm hoá cái ác đi đến cái thiện. Các Yeak dù ở vị trí nào trong chùa đi nữa thì vẫn có một điểm chung là hộ trì Phật pháp không cho cái xấu cái ác trà trộn vào, giúp con người thanh tĩnh, từ bi, hướng Phật.

Các tượng Yeak thường chế tác rất lớn với tư thế nghiêm nghị, cương quyết, thể hiện sức mạnh. Đầu đội mũ nhọn cao, mình mặc giáp trụ để ngăn ngừa tam độc, nhờ đó mà giữ được cái tâm trong sáng.

Các tượng Yeak thường được đặt kế bên con lân, tượng trưng cho sức mạnh trí tuệ. Vì chỉ có trí tuệ sáng suốt và cái tâm thanh tịnh thì mới loại trừ được ác nghiệp. Đó cũng là chân lý để đi tìm con đường giải thoát, mưu cầu hạnh phúc.

Chùa Khmer ở Khedol. Ảnh: Đ.H.T

Nói tóm lại, Yeak là một thần hộ pháp thuộc Phật giáo Nam tông, trong đó có Nam tông Khmer. Vị thần này gốc chính là Dạ Xoa, một thần trong vô số thần của Bà-la-môn giáo cổ xưa quy thuận Phật giáo theo phù trợ chánh pháp.

Yeak có mặt mày hung ác, nhưng không phải kẻ làm ác, mà là chế ngự cái ác. Yeak to lớn có đầy đủ sức mạnh cùng với pháp khí để diệt trừ mọi xấu ác chứ không phải dùng để tàn sát sinh linh. Hình tượng Yeak của Phật giáo hoàn toàn khác với Yeak trong sân khấu hay truyện cổ dân gian Khmer.

Một điều cần lưu ý là, cho dù Yeak đã ở chùa, hướng thiện nhưng bản chất của cái ác vẫn là cái ác, nó sẽ trỗi dậy bất cứ lúc nào khi có điều kiện. Chính vì vậy mà các chùa Khmer bao giờ cũng có chim thần K’rut ở trên cao để theo dõi và khống chế Yeak. Đây là một triết lý vô cùng sâu thẳm chỉ có ở văn hoá Phật giáo Khmer.

ĐÀO THÁI SƠN

Tin cùng chuyên mục