Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lịch sử dân tộc Việt Nam là bản anh hùng ca bất tận, được viết lên bằng mồ hôi và nước mắt, bằng máu xương và lòng yêu nước son sắt của bao thế hệ ông cha.

Trải qua bao cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước, từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… cho đến những phong trào yêu nước như Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục… chưa một lần dân tộc Việt Nam chịu khuất phục trước gót giày xâm lược của ngoại bang.
Giữa những tháng năm tăm tối nhất của lịch sử, khi đất nước oằn mình dưới ách đô hộ thực dân, một ngọn đuốc đã bừng sáng giữa đêm đen, soi đường dẫn lối cho cả dân tộc – đó chính là Hồ Chí Minh.
Bác không chỉ là lãnh tụ thiên tài, nhà cách mạng lỗi lạc, mà còn là hiện thân cao cả của ý chí tự cường, của khát vọng độc lập, của tự do bất diệt. Trong trái tim của hàng triệu người Việt Nam, Bác là kết tinh của hồn thiêng sông núi, là biểu tượng bất diệt của tinh thần yêu nước, đức hy sinh và lòng nhân ái bao la.
Từ thuở thiếu thời, Bác đã tận mắt chứng kiến cảnh đồng bào mình – những người dân thấp cổ bé họng – bị đoạ đày trong kiếp sống nô lệ, lầm than dưới gót giày xâm lược.
Hình ảnh quê hương điêu linh, đồng bào đói khổ, tiếng khóc uất nghẹn giữa những đòn roi và bất công đã sớm khắc sâu vào tâm hồn nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Nỗi đau mất nước, nỗi nhục bị tước đoạt quyền làm người trên chính mảnh đất quê hương đã thắp lên trong Người một ngọn lửa – ngọn lửa của khát vọng tự do, của ý chí giải phóng dân tộc.
Ngọn lửa ấy âm ỉ cháy, rồi bùng lên mãnh liệt, thôi thúc Người rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước đầy gian nan nhưng vĩ đại – hành trình của một con người mang sứ mệnh lịch sử.
Ngày 5.6.1911, "Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi..." – câu nói ấy đã đi vào lịch sử như một dấu mốc khởi đầu cho hành trình vĩ đại của một con người mang trong mình sứ mệnh cứu nước. Chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng, bắt đầu cuộc hành trình bôn ba khắp bốn bể năm châu.
Từ một người phụ bếp trên tàu Đô đốc Latouche-Tréville, làm thợ ảnh, cào tuyết, viết báo cho đến khi đặt chân đến nhiều quốc gia như Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, cuộc sống lao động vất vả không làm Người nản chí.
Ngược lại, chính những thử thách ấy đã tôi luyện thêm bản lĩnh, trí tuệ và sự kiên cường của Người. Giữa biết bao gian khó, những trải nghiệm thực tiễn đã giúp Người nhận thức sâu sắc về sự bất công của thế giới thực dân và thôi thúc Người tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Lòng yêu nước cháy bỏng, niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước chưa bao giờ lụi tàn trong Bác, dù cho khó khăn có đến đâu.
Trong những năm tháng đầu của hành trình tìm đường cứu nước, Bác đã sớm chứng kiến tận mắt nỗi đau chung của các dân tộc bị áp bức. Trong tác phẩm "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", Trần Dân Tiên đã ghi lại: "Đến Đa-ca, bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng không thể thả ca-nô xuống vì sóng rất to. Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra chiếc tàu. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi" ( NXB Sự Thật, Sở Thông tin Văn hoá Sài Gòn – Gia Định tái bản 1975).
Bác (tên gọi lúc đó là anh Ba) đã rơi nước mắt. Những giọt nước mắt không chỉ vì sự thương cảm, mà còn vì nỗi phẫn uất trước sự tàn ác của chủ nghĩa thực dân – thứ đã biến con người thành công cụ, tính mạng trở nên vô nghĩa.
Câu nói đầy day dứt của Người: “Tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu” là lời kết án đanh thép đối với chế độ áp bức phi nhân tính, đồng thời thể hiện một tầm nhìn vượt ra khỏi biên giới dân tộc – một trái tim nhân đạo lớn luôn hướng đến tự do và phẩm giá của con người trên toàn thế giới.
Trong những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã trải qua vô vàn gian khổ, làm đủ mọi nghề để kiếm sống và học hỏi nhưng không bao giờ chịu khuất phục trước khó khăn. Đó là những ngày:
Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá
Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ
Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?
(Người đi tìm hình của nước - Chế Lan Viên)
Từ châu Mỹ đến châu Phi, Người không chỉ sống và lao động, mà còn chứng kiến những nỗi thống khổ, những bất công mà người dân thuộc địa phải gánh chịu. Tất cả những trải nghiệm đó đã giúp Người hiểu sâu sắc hơn về bản chất tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc, và từ đó, hình thành rõ rệt con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Chính trong gian khó ấy, Người đã nắm bắt được những giá trị vô cùng quan trọng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc: Tri thức, tinh thần kiên cường và lòng yêu nước bất diệt.
Một câu chuyện đầy xúc động và mang tầm vóc lịch sử là vào năm 1919, dưới tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Bác đã gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Versailles, đòi quyền tự do, dân chủ và bình đẳng cho người An Nam.
Mặc dù bản yêu sách của Người không được đáp ứng, nhưng đó là lần đầu tiên, tiếng nói của một dân tộc bị áp bức vang lên giữa một diễn đàn quốc tế uy tín.
Đây không chỉ là hành động dũng cảm và kiên định của Nguyễn Ái Quốc mà còn là bước khởi đầu quan trọng, đánh dấu sự xuất hiện của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Bằng hành động này, Bác đã không chỉ đòi lại quyền tự do cho đồng bào mà còn làm rạng danh một dân tộc khát khao độc lập, khẳng định sự quyết tâm không bao giờ chịu khuất phục trước ách thực dân. Nguyễn Ái Quốc chính là người đầu tiên khơi nguồn cho cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc Việt Nam trên con đường giành lại quyền tự quyết.
Một trong những bước ngoặt quan trọng nhất trong hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là khi Người tiếp cận được chủ nghĩa Mác – Lênin, đặc biệt là khi đọc "Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa". Khoảnh khắc đó, Người đã không thể kìm được xúc động:
“Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin”
(Người đi tìm hình của nước- Chế Lan Viên)
Đây là những giây phút thiêng liêng, đánh dấu sự giác ngộ lý tưởng cách mạng vô sản, mở ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Từ một người yêu nước, Hồ Chí Minh đã vươn mình trở thành người cộng sản, nhận thức rõ con đường giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp.
Lý tưởng cách mạng của Lênin đã thắp sáng niềm tin của Bác, giúp Người nhận ra con đường duy nhất để đưa dân tộc ra khỏi ách nô lệ và đứng lên làm chủ non sông.
“Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!””
( Người đi tìm hình của nước- Chế Lan Viên)
Đó không chỉ là niềm vui của riêng Bác, mà là lời reo vui vang lên từ tận đáy lòng Người, như một lời thông báo với cả dân tộc Việt Nam về một tương lai tươi sáng hơn. Đó chính là con đường giải phóng dân tộc, con đường mà Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã kiên trì theo đuổi cho đến ngày chiến thắng cuối cùng.
Sau gần 30 năm bôn ba khắp năm châu, mùa xuân năm 1941, Bác Hồ đã trở về Tổ quốc, mang theo trong mình ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, soi đường chỉ lối cho dân tộc ta đứng lên đấu tranh giành lại độc lập.
Sự trở về của Người không chỉ là sự quay lại của một lãnh tụ vĩ đại, mà là sự tái sinh của một niềm hy vọng lớn lao, đánh thức tinh thần yêu nước và khát vọng tự do trong lòng mỗi người dân Việt Nam, không chịu cúi đầu dưới ách nô lệ mà đã sẵn sàng đứng lên để làm chủ vận mệnh của chính mình.
Điển hình nhất là quyết định phát động cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động, Bác Hồ đã nhận định đúng thời cơ "ngàn năm có một", kêu gọi toàn dân tộc vùng lên giành chính quyền.
Quyết định này không chỉ thể hiện sự nhạy bén chính trị tuyệt vời mà còn là khả năng phân tích tình hình một cách tài tình. Quan trọng hơn hết, đó là tinh thần dám chịu trách nhiệm trước lịch sử của Bác – người đã có tầm nhìn xa và lòng quả cảm để đưa dân tộc vượt qua những thử thách cam go, giành lấy độc lập và tự do.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác, cùng với tinh thần đoàn kết và quật cường của toàn dân tộc, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giành thắng lợi vẻ vang, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thế giới về sự ra đời của một quốc gia độc lập, tự do, khẳng định quyền tự quyết và phẩm giá của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, dù lực lượng ta còn non yếu, Bác đã đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh.
Với niềm tin sắt đá vào sức mạnh của Nhân dân, Bác đã lãnh đạo quân và dân ta từng bước đánh bại kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ – một chiến thắng vang dội, làm chấn động cả địa cầu và khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam.
Tiếp đến là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ và hy sinh. Bác Hồ đã khẳng định một chân lý bất hủ: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".
Với ý chí sắt đá, kiên quyết và quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bác đã lãnh đạo toàn dân tộc kiên cường chiến đấu, bền bỉ vượt qua bao khó khăn và giành được thắng lợi cuối cùng vào mùa xuân năm 1975.
Ngày Bác Hồ kính yêu ra đi là một ngày tang thương, một mất mát to lớn đối với dân tộc Việt Nam. Trong khi miền Nam vẫn còn chìm trong khói lửa chiến tranh, đất nước chưa liền một dải, thì sự ra đi của Người đã để lại niềm đau xót khôn nguôi trong lòng hàng triệu con tim Việt Nam.
Nhân dân khóc thương Người không chỉ vì mất đi một vị lãnh tụ vĩ đại mà còn vì mất đi một trái tim suốt đời dành trọn tình yêu thương cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Sự ra đi của Bác là mất mát không gì có thể bù đắp được.
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
( Bác ơi! Tố Hữu)
Có những con người, dù đã đi xa, vẫn sống mãi trong lòng dân tộc – không chỉ bằng những gì họ đã làm, mà còn bằng cách họ đã sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam – chính là một con người như vậy.
Tư tưởng, đạo đức, phong cách và tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc của Bác sẽ mãi mãi là ngọn đuốc sáng giữa đời. Những di sản tinh thần và lý tưởng mà Bác để lại như cây đời mãi mãi tươi xanh.
Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2025), chúng ta không chỉ ôn lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác, mà còn nặng lòng tri ân một con người đã dành trọn cuộc đời cho dân, cho nước, không mảy may nghĩ đến mình: "Nhớ mãi ơn Người - Hồ Chí Minh".
Thế hệ hôm nay, thế hệ mai sau – vẫn đang được sưởi ấm trong hào quang lặng lẽ mà Bác Hồ để lại. Đó là ánh sáng của lòng tin, sự tử tế, lý tưởng sống cao đẹp vì cộng đồng, vì đất nước.
Và mỗi khi Tổ quốc đứng trước gian nan, tôi lại cảm nhận được, trong ánh mắt của Nhân dân, trong lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa bầu trời, trong niềm tin của cả dân tộc – vẫn có trái tim của Bác sống mãi, dẫn lối, nâng bước chúng ta tiến về phía tương lai.
Mai Thảo