Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
BA NĂM NGÀY LUẬT AN NINH MẠNG RA ĐỜI:
Họ đã nói sai sự thật như thế nào ?
Thứ tư: 10:30 ngày 14/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 12.6.2018, Quốc hội khoá XIV thông qua Luật An ninh mạng. Trước, trong và sau khi luật này được thông qua, trên mạng xã hội bùng nổ cuộc tranh cãi có thể nói “vô tiền khoáng hậu”, trong đó, rất nhiều “người của công chúng” bày tỏ thái độ “cực lực phản đối”. Triết học có câu: “Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”, sau ba năm đi vào cuộc sống, Luật An ninh mạng có gây ra “thảm hoạ” như các nhà “dân chủ, dân tuý” hô hào, kêu gào, phản đối hay không?

NHẬN ÐỊNH THIẾU CĂN CỨ

“Ðiều gì sẽ xảy ra khi sắp tới ngày tạm biệt? Hai trong tứ đại quyền lực được cả hành tinh này yêu thích - facebook và Google sắp bịn rịn chia tay người Việt Nam vì Luật An ninh mạng. Thời gian tạm biệt chỉ còn tính bằng tháng. Sản phẩm thay thế dường như đã có sẵn du nhập từ một quốc gia khác.

Hãy nhìn lại logo thân quen đã từng gắn bó với biết bao kỷ niệm buồn vui trong cuộc sống tinh thần của chúng ta. Có lẽ phải rất khó khăn, về cảm xúc, mới có thể làm quen và sử dụng sản phẩm nhái sắp tới này. Vì từ từ rồi youtube cũng sẽ phải lên đường. Thực sự chúng ta không ngại khi phải sử dụng sản phẩm thay thế. Chỉ lo nhất là tai ương sẽ giáng xuống dân tộc này”.

Ðoạn trích nêu trên được viết ngày 17.6.2018 (sau khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng được 5 ngày) của một người khá có tiếng trên mạng xã hội và đang đứng đầu một công ty xuất bản sách.

Ngày 20.5.2021, nhân sự kiện cơ quan chức năng phát hiện, bắt một vụ làm sách giả quy mô lớn, người này viết trên trang cá nhân, như sau: “Hiện các trang Fanpage đang chạy tài trợ bán sách giả ngày đêm của nhiều đơn vị, tác giả và NXB đã gửi danh sách chi tiết, IP cho an ninh mạng Bộ Công an”.

HAI ĐOẠN VĂN NÊU TRÊN NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?

Trước hết, sau ba năm Luật An ninh mạng được Quốc hội khoá XIV thông qua, người Việt Nam đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam không hề phải “bịn rịn chia tay” các nền tảng mạng xã hội. Cũng như vậy, không hề có chuyện “sản phẩm thay thế dường như đã có sẵn du nhập từ một quốc gia khác” và lại càng không có chuyện “từ từ rồi youtube cũng sẽ phải lên đường”.

Nói ngắn gọn, sau ba năm Luật An ninh mạng ra đời đã chứng minh rằng, những nhận định của ông ta hoàn toàn vô căn cứ, sai sự thật. Trước khi Luật An ninh mạng được thông qua, ông ta là một trong những người lớn tiếng nhất (trên mạng xã hội) phản đối văn bản pháp lý quan trọng này.

Vì là “người của công chúng” nên mỗi bài viết hoặc ý kiến ngắn của ông ta thu hút hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn lượt tương tác. Những thông tin, nhận định, bình luận không có cơ sở, thậm chí “hoang tưởng” này lan rất nhanh trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội, theo cấp số nhân.

Ba năm sau, thật mỉa mai, không phải ai khác, chính ông ta cầu cứu cơ quan chức năng áp dụng Luật An ninh mạng để bảo vệ công ty xuất bản của mình trước vấn nạn sách giả và thông tin giả trong các xuất bản phẩm.

Sau khi ý kiến của ông ta được nêu lên (ngày 20.5.2021), một số bạn đọc, trong phần “bình luận” chất vấn ông ta, như sau: “Hồi trước phản đối Luật An ninh mạng, sao giờ lại cầu cứu nó?”. Trong phần phản hồi, ông ta chỉ trả lời những ý kiến ủng hộ bản thân mình, còn các câu chất vấn, ông ta im lặng.

THỰC TẾ KHÁC TIN ÐỒN

Khi một sự kiện nào đó mới xảy ra, có thể đưa ra ngay những nhận định, đánh giá ban đầu về sự kiện đó, điều này hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu đi quá đà, thiếu tỉnh táo, thừa cảm tính thì điều bình thường sẽ trở nên bất thường. Tại thời điểm tháng 6.2018, hầu hết những người có chút tiếng tăm hoặc rất nổi tiếng trên mạng xã hội đều lớn tiếng phản đối văn bản pháp lý này.

Những người này bao gồm nhiều thành phần, doanh nhân, nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ kịch nói, nghệ sĩ... cải lương, ca sĩ, kể cả một số luật sư cũng phản đối. Hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn bài viết, không chỉ trong mà còn cả ngoài nước, không chỉ cá nhân mà còn cả một số hãng tin phát bằng tiếng Việt... đã vẽ ra, nói đúng hơn, họ “tưởng tượng” ra một bức tranh vô cùng xám xịt về “ngày tận thế” của mạng xã hội trên lãnh thổ Việt Nam.

Cho đến lúc này, thực tế diễn ra chứng minh rằng, những ý kiến nêu trên không có cơ sở, nói thẳng ra là sai. Không chỉ vậy, như có lần từng đề cập, chính những “ngôi sao” trong làng giải trí từng a dua phản đối Luật An ninh mạng bây giờ chính họ phải cầu cứu lực lượng chức năng áp dụng luật mà ngày nào họ từng phản đối, để trừng phạt những người làm nhục họ.

Khi Luật An ninh mạng mới được thông qua, trong bài phỏng vấn đăng trên Báo Tây Ninh, ông Trịnh Ngọc Phương, đại biểu Quốc hội khoá XIV đã khẳng định, luật này bảo đảm phát triển kinh tế, không xâm phạm quyền tự do cá nhân như nhiều người ngộ nhận.

“Mục tiêu lớn nhất của Luật An ninh mạng là xây dựng không gian mạng lành mạnh, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, cơ quan trong và ngoài nước, đồng thời góp phần phát triển kinh tế” - ông Phương nói tại thời điểm trả lời phỏng vấn.

Ông Phương cho biết, luật pháp của Liên minh châu Âu (EU) có định nghĩa hạn chế hơn về những hành vi cấu thành tội phạm mạng bao gồm truy cập, can thiệp hệ thống, can thiệp dữ liệu, ngăn chặn bất hợp pháp. Do đó, an ninh mạng bao gồm nhiều đối tượng liên quan đến pháp luật hình sự, dân sự và việc bảo vệ danh dự hoặc tính riêng tư như thế giới thực.

Ðiều cần được quan tâm ở đây là chiều trực tuyến, nơi mà những hành động bất hợp pháp được tạo ra và những tác động trong thế giới kỹ thuật số. Tại châu Âu, Ðức đã có quy định về Luật An ninh mạng từ rất sớm. Tháng 7.2015, Quốc hội Ðức đã thông qua Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ tốt hơn cho công dân và các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.

Luật An ninh mạng của Ðức yêu cầu các công ty và cơ quan liên bang phải có tiêu chuẩn bảo mật mạng tối thiểu, phải được Văn phòng Bảo mật thông tin Liên bang (BSI) chứng nhận. Các công ty phải thông báo cho Văn phòng về các vụ tấn công mạng bị nghi ngờ trên hệ thống của họ. Luật này có liên quan đến các lĩnh vực được coi là “cơ sở hạ tầng quan trọng” quốc gia, chẳng hạn như giao thông vận tải, y tế, nước, nhà cung cấp viễn thông, cũng như các công ty tài chính và bảo hiểm.

Tại Singapore, Luật An ninh mạng được ban hành năm 2017 cho phép Cơ quan An ninh mạng nước này theo dõi và quản lý an toàn không gian mạng của quốc gia. Cơ quan An ninh mạng được phép thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và nhanh chóng ứng phó với các mối đe doạ và sự cố.

Chính phủ Singapore đã liệt kê 11 lĩnh vực được xem là cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, trong đó có nước, y tế, hàng hải, truyền thông, thông tin, năng lượng và hàng không. Ngoài ra, Singapore cũng đã ký một tuyên bố chung với Ðức để tăng cường hợp tác an ninh mạng giữa hai nước.

Ðối với Việt Nam, vì sao chúng ta lại cần phải ban hành Luật An ninh mạng? Việt Nam luôn nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới. Tình trạng nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra tràn lan... Do đó, việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết. Ðó là xu thế chung, trên thế giới có đến 138 nước có Luật An ninh mạng, trong đó có 95 nước đang phát triển.

Không có chuyện Luật An ninh mạng làm tổn hại nghiêm trọng kinh tế Việt Nam, hoặc doanh nghiệp Việt sẽ lụn bại do những quy định của Luật An ninh mạng như quan điểm của một số người trên mạng xã hội gần đây. Luật An ninh mạng sẽ không nảy sinh giấy phép con, cản trở phát triển của doanh nghiệp, mà trái lại, còn có thể giảm chi phí nếu các doanh nghiệp đặt server nội dung ở Việt Nam. Hiện nay, các hãng Google, facebook đã đặt nhiều máy chứa dữ liệu tại Việt Nam.

Từ cuối năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã đàm phán với các nhà mạng này để thống nhất đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng chưa có quy định cụ thể. Do đó, Chính phủ mới đề nghị đưa quy định này vào luật. Mặt khác, Luật An ninh mạng yêu cầu các nhà mạng phải ngăn chặn thông tin tấn công an ninh quốc gia của Việt Nam, tấn công quyền dân sự về kinh tế - chính trị của cá nhân (khoản 1- Ðiều 6).

Từ những điều trình bày ở trên, có thể khẳng định, ba năm kể từ ngày được Quốc hội thông qua, Luật An ninh mạng không hề xâm phạm tự do cá nhân, không cản trở phát triển kinh tế, cũng không có chuyện các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội rời khỏi Việt Nam. Trước sự “nhiễu loạn” trên mạng xã hội như thời gian gần đây, đúng ra, Luật An ninh mạng, thậm chí cần được ra đời sớm hơn mới phải.

VIỆT ÐÔNG

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh