Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hổ phụ sinh hổ tử
Thứ bảy: 09:26 ngày 13/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ông Trương Tấn Bửu đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đề cử là nhân vật tiêu biểu nhất của bóng đá Việt Nam trong vòng 100 năm để Liên đoàn Bóng đá thế giới trao Kỷ niệm chương.

Ông Trương Tấn Bửu tên thật là Trương Văn Niên, sinh ngày 22-4-1914 tại xã Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Được gọi vào đội tuyển Nam kỳ năm 22 tuổi và thi đấu từ năm 1936 đến 1945, ông từng viễn du qua Hồng Công, Philippines, Malaysia, Campuchia... được người hâm mộ thời đó tặng danh hiệu “Trung ứng vách sắt” bởi làm nản lòng các tiền đạo giỏi khu vực, kể cả cao thủ lừng danh Lý Huệ Đường (Nam Hoa), người được mệnh danh là “Túc cầu đại vương”.

 Danh thủ Trương Tấn Bửu (phải) và con trai Trương Tấn Nghĩa. Ảnh tư liệu

Trong đội hình 2-3-5, ông Trương Tấn Bửu là trung ứng-chơi như một libero sau này, lên công về thủ toàn diện, tư duy nhạy bén. Với thân hình cao lớn, kỹ thuật hoàn hảo, tranh cướp bóng dũng mãnh, khi thu hồi bóng luôn có những đường chuyền tấn công chuẩn xác và đặc biệt là những cú sút như búa bổ.

Lớp cầu thủ xưa kể lại, ông Bửu có cú “chặt” bóng vô cùng độc đáo: Chân “chặt” vào bóng rất mạnh, lúc đầu bóng đi nhanh, đến đoạn cuối bóng xoáy ngược lại rất thuận lợi cho người nhận bóng, như một đường “dọn cỗ” để đồng đội có thể tung ngay cú sút. Cách đánh đầu của ông cũng đặc sắc: Nhảy lên cao, “bổ” xuống đầy uy lực. 

Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi Nam Bộ kháng chiến, ông vào bộ đội, chiến đấu ở miền Đông. Một lần bị thương, ông ra Bắc tập kết cùng con trai cả Trương Tấn Nghĩa đóng quân ở Sư đoàn 330. Đội Thể Công lúc ấy biết tin, đón hai cha con ông về từ đầu năm 1955. Từ năm 1955 đến 1957, ông vừa thi đấu vừa làm huấn luyện viên (HLV).

Dù đã ngoại tứ tuần, ông vẫn là trụ cột của Thể Công, giúp đội giành hai chức vô địch miền Bắc (năm 1955 và 1956), hạng nhì (năm 1957). Trong hai năm 1956 và 1957, ông là HLV đội tuyển Việt Nam và dẫn đội đi thi đấu tại Trung Quốc, Campuchia.

Năm 1958, ông dẫn dắt Thể Công tham gia giải SKDA tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Năm 1959, ông Trương Tấn Bửu được điều làm Phó giám đốc Trường Huấn luyện kỹ thuật Thể dục thể thao Trung ương cho đến năm 1970. Ông nhiều lần làm trưởng đoàn hoặc HLV đội tuyển đi thi đấu ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Trung Quốc, Liên Xô, Đông Âu. 

“Trung ứng vách sắt” Trương Tấn Bửu rất yêu nghề, nhân hậu, khiêm tốn, bao dung, dễ gần và nhiều kinh nghiệm, nói ít nhưng nói trúng và dễ hiểu. Ở cương vị HLV, ông cũng gặt hái được nhiều thành công. Trên cương vị nhà quản lý, ông là cán bộ có uy tín, từng làm Phó chủ tịch Hội Bóng đá Việt Nam-tiền thân của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Ngoài ra, ông có một niềm tự hào khác: Con trai cả Trương Tấn Nghĩa cũng là một danh thủ nổi tiếng trong thời gian 1955-1965. Ngày 22-12-1958, cầu thủ Trương Tấn Nghĩa vinh dự lên khán đài tặng hoa Bác Hồ trong trận Thể Công gặp đội Công an CHDCND Triều Tiên.

Ông Trương Tấn Nghĩa sinh năm 1935, từ nhỏ đã quấn quýt với quả bóng. Năm 15 tuổi, Trương Tấn Nghĩa bắt đầu chơi bóng một cách chính quy cho đội Xóm Củi, rồi sau đó là trường Gia Định, trước khi vào Chiến khu Đ và trở thành chiến sĩ. Đến năm 1954, cùng cha tập kết ra Bắc, ông mới được “thỏa chí tang bồng” khi gia nhập đội bóng Thể Công và hai năm sau được gọi vào đội tuyển quốc gia. Khi bố Bửu vẫn còn thi đấu, cả hai cha con chơi cực kỳ ăn ý và góp công nhiều vào những thắng lợi của đội nhà. Con thuộc làu những quả “chặt” của bố để luôn lao tới đúng lúc, bắt volley ghi bàn khiến người hâm mộ tấm tắc: Đúng là "hổ phụ sinh hổ tử".

Nguồn qdnd

Tin cùng chuyên mục