Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Từ ngày 24 đến 31.12.2019, UBND huyện Dương Minh Châu chủ trì đợt ra quân hỗ trợ di dời 12 hộ dân trên đảo Nhím (trong hồ Dầu Tiếng, thuộc xã Suối Đá) ra khỏi vùng quy hoạch để thực hiện Dự án đầu tư bảo vệ phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái trên đảo Nhím.
Lực lượng chức năng hỗ trợ di dời nhà chòi của dân ra khỏi vùng quy hoạch đất để thực hiện dự án.
Trước đó, ngày 16.5.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1086/QĐ-UBND về việc cho Công ty cổ phần đầu tư Xuân Cầu Tây Ninh (gọi tắt là Công ty Xuân Cầu) thuê 431,9 ha đất trên đảo Nhím để thực hiện Dự án đầu tư bảo vệ phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại đảo Nhím; đồng thời giao UBND huyện Dương Minh Châu tiếp tục kiểm tra, rà soát, xử lý tồn tại theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 893/VP-TH ngày 18.3.2016 của Văn phòng UBND tỉnh và Biên bản số 54/BB-UBND ngày 20.3.2017 của UBND tỉnh để sớm bàn giao cho Công ty sử dụng đất theo quy định.
Tổng cộng có 241 hộ dân nằm trong dự án, với diện tích 374,4 ha. Qua thời gian triển khai, đã có 229 hộ nhận tiền đền bù về tài sản và hỗ trợ về đất với diện tích 349,54 ha, kinh phí thực hiện hỗ trợ bồi thường về đất hơn 14 tỷ đồng. Tất cả các hộ dân này đã được cấp đất tái định cư tại ấp Đồng Kèn 2, xã Tân Thành, huyện Tân Châu.
Tuy nhiên, vẫn còn 12 hộ dân với 24,46 ha đất chưa bàn giao vì không đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ về đất. Trong đó; có 3 hộ sử dụng đất trồng cây ăn quả như: ổi, sapoche, chuối… với diện tích 7,77 ha; 9 hộ còn lại sử dụng đất trồng mì (6 hộ đã thu hoạch xong), 8 hộ cất nhà chòi để phục vụ việc sản xuất nông nghiệp.
Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện đã phối hợp UBND xã Suối Đá, các tổ chức đoàn thể xã nhiều lần vận động thuyết phục các hộ dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án, nhưng các hộ dân vẫn không chấp hành, tiếp tục sử dụng đất sản xuất đến nay. Toàn bộ tiền đền bù, hỗ trợ đối với 12 hộ chưa nhận đã được hoàn trả lại cho ngân sách tỉnh và hoàn thành việc tất toán dự án.
Trong số 12 hộ dân không đồng ý nhận tiền, có 10 hộ làm đơn khiếu nại đề nghị Nhà nước cấp đất sản xuất, xem lại giá bồi thường thấp, yêu cầu bồi thường thoả đáng. Chủ tịch UBND huyện đã ban hành quyết định giải quyết, bác đơn khiếu nại theo quy định pháp luật. Trong đó có 1 trường hợp không đồng ý tiếp tục khởi kiện hành chính, TAND tỉnh bác đơn khởi kiện. 9 trường hợp còn lại không khiếu nại, nhưng không đồng ý thực hiện. 2 trường hợp không đồng ý nhận tiền nhưng không khiếu nại.
Lực lượng chức năng hỗ trợ di dời vật liệu nhà chòi của dân ra khỏi vùng quy hoạch đất để thực hiện dự án.
Để xử lý dứt điểm tồn tại, bàn giao đất cho Công ty Xuân Cầu Tây Ninh thực hiện dự án theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Dương Minh Châu đã xây dựng Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 6.12.2019, tổ chức đo đạc, định vị giao đất ngoài thực địa đối với 12 hộ gia đình, cá nhân chưa bàn giao đất cho Nhà nước thuộc đảo Nhím.
Mặt khác, UBND huyện chủ trì phối hợp các ngành liên quan, các đoàn thể huyện, xã Suối Đá tiếp tục vận động và ban hành thông báo cho 12 hộ dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ nhận tiền và chấp hành di dời, trả lại đất cho Nhà nước để thực hiện dự án. Kết quả vận động, thuyết phục, 12 hộ dân không đồng ý nhận tiền, không chấp hành bàn giao đất cho Nhà nước.
Trước tình hình đó, từ ngày 24 đến 31.12.2019, UBND huyện chủ trì đợt ra quân hỗ trợ di dời 12 hộ dân trên đảo Nhím. Mỗi ngày, huyện hỗ trợ dứt điểm 1- 2 hộ dân. Trước sự kiên quyết của huyện, hầu hết các hộ dân này đều chấp nhận để lực lượng chức năng tháo dỡ nhà chòi, di dời ra khỏi đất quy hoạch và đem ra cất lại nhà chòi khác trên phần đất bán ngập, ngoài quy hoạch dự án, chỉ có 2 hộ dân không đồng ý nhận lại vật liệu tháo dỡ từ nhà chòi của mình.
Lực lượng chức năng đã tháo dỡ và vận chuyển những vật liệu nhà chòi này về địa điểm tập kết ở gần bến đò đảo Nhím. Sau đó, 2 hộ dân này nhận lại vật liệu cất lại nhà chòi khác trên phần đất bán ngập, ngoài quy hoạch dự án. Những phần đất lấn chiếm trái phép trên đảo Nhím vừa được thu hồi được lực lượng chức năng cày hoặc chặt bỏ cây trồng, và cho xe cơ giới móc đất thành đường ranh, nhằm phân giới rõ ràng giữa khu đất bán ngập và vùng đất quy hoạch để thực hiện dự án và tránh trường hợp tái lấn chiếm.
Tính đến hết ngày 31.12.2019, tất 12 hộ dân nêu trên đã được lực lượng chức năng hỗ trợ di dời nhà chòi ra khỏi vùng quy hoạch đất và bàn giao cho Công ty Xuân Cầu để thực hiện dự án.
Theo Quyết định số 1086/QĐ-UBND, UBND tỉnh đồng ý cho Công ty Xuân Cầu thuê 4.319.144,9m2 đất tại đảo Nhím với thời gian 50 năm để thực hiện Dự án đầu tư bảo vệ phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Dự án này có 3 hạng mục chính. Thứ nhất, khu resort nghỉ dưỡng sinh thái dưới tán rừng rộng 25 ha. Hạng mục này bao gồm các resort được thiết kế đầu tư xây dựng với các bungalow (nhà nhỏ một tầng), biệt thự và khu nghỉ thấp tầng nằm dưới tán cây bên mặt hồ, tôn trọng tối đa yếu tố riêng tư và thiên nhiên.
Thứ hai, các khu vui chơi, hoạt động thể thao, giải trí mặt nước. Đây là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt cộng đồng ngoài trời, phục vụ các hoạt động cắm trại, dã ngoại, thể thao vui chơi gần gũi thiên nhiên. Thứ ba là khu trồng rừng, nuôi thả thú. Đây được xem là phần cốt lõi của dự án, gắn mục tiêu phát triển du lịch, tham quan với công tác phục vụ nghiên cứu và bảo tồn đa dạng động, thực vật.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, trong 3 năm đầu, chủ đầu tư nghiên cứu phát triển một số giống thực vật, động vật, khoanh nuôi bảo vệ rừng; kết hợp đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ khai thác du lịch sinh thái, đưa vào sử dụng phần dịch vụ du lịch sinh thái dưới tán rừng, các khu cắm trại, bãi tắm, khu thể thao mặt nước và tàu thuyền. Giai đoạn 2, chủ đầu tư dự án triển khai khâu chăm sóc, bảo vệ rừng; tiếp tục đầu tư xây dựng các khu resort nghỉ dưỡng và hạ tầng, hệ thống xử lý nước sạch, xử lý nước thải, khai thác đồng bộ các dịch vụ du lịch sinh thái.
Những năm qua, tỉnh ta có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội và du lịch. Đã có nhiều nhà đầu tư đến khảo sát và dự kiến đầu tư các dự án quy mô trên đảo Nhím. Thế nhưng, do nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, các dự án trên đều dang dở. Nếu đảo Nhím được đầu tư và khai thác đúng mức, đúng tầm, bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện Dương Minh Châu và tỉnh Tây Ninh sẽ có sự thay đổi tích cực.
Do đó, việc Công ty Xuân Cầu Tây Ninh mong muốn thực hiện dự án đầu tư bảo vệ phát triển rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại đảo Nhím, lãnh đạo tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nhanh chóng triển khai dự án. Đây là quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền tỉnh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào tỉnh nhà, phát triển các dự án mang tính chiến lược, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lâu dài cho địa phương.
THẢO NGUYÊN