Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vừa qua, UBND huyện Gò Dầu kết hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai chương trình hỗ trợ nông dân đăng ký tham gia chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm cho nhà máy Tanifood.
Quang cảnh buổi triển khai chương trình.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty cổ phần Lavifood trình bày kế hoạch thu mua, tiêu chuẩn sản phẩm cung cấp cho nhà máy Tanifood; Ngân hàng TMCP Sài Gòn triển khai các gói vay hỗ trợ nông dân tham gia chuỗi giá trị.
Hiện nhà máy Tanifood có nhu cầu nguyên liệu đối với hai loại cây trồng là khóm (600 ha) và thanh long (300 ha). Trong đó, riêng địa bàn huyện Gò Dầu dự kiến trồng 500 ha 2 loại cây này. Nhà máy sẽ cử đội ngũ kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân và thu mua toàn bộ sản phẩm của nông dân theo hợp đồng, giá cả được hai bên thoả thuận cụ thể theo chất lượng từng loại sản phẩm.
Song song đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn có chính sách ưu đãi cho nông dân trồng 2 loại cây khóm và thanh long như sau: hỗ trợ cho vay vốn lãi suất 8%/năm; 2 năm đầu ngân hàng cho nợ lãi vay, nông dân trả lãi từ năm thứ 3 trở đi- khi đã có sản phẩm bán cho nhà máy.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn sẽ hỗ trợ nông dân làm hồ sơ vay vốn. Ðồng thời, nếu nông dân nào có thế chấp tài sản ở ngân hàng khác, Ngân hàng TMCP Sài Gòn sẽ làm hồ sơ chuyển nợ thế chấp từ ngân hàng đó về Ngân hàng TMCP Sài Gòn để thế chấp cho vay.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Dầu, trong thời gian tới, Phòng phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức cho nông dân đi tìm hiểu thực tế các vườn thanh long ở tỉnh Long An, và các ruộng trồng khóm ở hai huyện Trảng Bàng và Bến Cầu.
Hiện nay đã có nhiều hộ dân ở Gò Dầu trồng thanh long.
UBND huyện Gò Dầu đã có kế hoạch xây dựng vùng chuyên canh khóm, với diện tích 200 ha thuộc cánh đồng ấp Bến Mương, xã Thạnh Ðức. Ðây là vùng sản xuất lúa kém hiệu quả. Huyện đang chuẩn bị hồ sơ đầu tư làm đê ngăn lũ, nạo vét kênh mương thoát nước; đồng thời làm đường giao thông nội đồng cho cánh đồng trồng khóm.
N.H