Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp: Hiệu quả từ những đổi mới
Thứ hai: 10:54 ngày 11/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ năm 2017, Hội LHPN tỉnh bắt đầu thực hiện đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Qua hơn 5 năm, những hoạt động hỗ trợ dần được đổi mới, mang lại hiệu quả.

 

Bà Lưu Thanh Hằng- Phó Chủ tịch Hội LHPN (bìa phải) cùng trao giải cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh năm 2023 (ảnh: Ngọc Diêu)

Theo bà Lưu Thanh Hằng- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, một dự án, ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự phát triển kinh doanh muốn mang lại hiệu quả cao cần có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo. Bên cạnh kiến thức nền sẵn có, phụ nữ khi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cần quan tâm học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng từ các chuyên gia và kinh nghiệm của những người đi trước; đồng thời phải biết phân tích, nhận định, đánh giá về khả năng của mình. Đó là những điều kiện cần thiết để phụ nữ tự tin phát triển bản thân, khởi sự làm kinh tế.

Đổi mới dựa vào thực tiễn

Từ năm 2017, Hội LHPN tỉnh bắt đầu thực hiện đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Qua hơn 5 năm, những hoạt động hỗ trợ dần được đổi mới, mang lại hiệu quả.

Trước đây, Hội chủ yếu tập trung hỗ trợ theo chỉ đạo của Trung ương Hội và nhu cầu của hội viên, phụ nữ nên chưa có các dự án, ý tưởng khởi nghiệp hay. Hiện nay, Hội đã có sự quan tâm tìm kiếm các dự án, ý tưởng khởi nghiệp có tính sáng tạo của hội viên, phụ nữ để tiếp tục bồi dưỡng, đồng hành hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình thực hiện. Thời gian qua, Hội đẩy mạnh tìm kiếm thực tế từ cơ sở những mô hình kinh doanh của chị em, kể cả những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ. “Khi phát hiện được những mô hình hay, có tiềm năng, Hội sẽ gợi ý, phối hợp với các ngành giúp tư vấn cho các chị xây dựng dự án để phát triển. Hoặc từ thực tế địa phương sẽ gợi mở những mô hình phù hợp cho chị em chưa có nghề nghiệp ổn định và hỗ trợ vốn khởi nghiệp để chị em phát triển dần”- bà Lưu Thanh Hằng chia sẻ.

Hội cũng tăng cường công tác phối hợp liên ngành, tổ chức các hoạt động khởi nghiệp với hình thức sáng tạo hơn, thu hút đông đảo lực lượng tham gia; thường xuyên biểu dương, nêu gương phụ nữ vượt khó vươn lên phát triển kinh tế hay tổ chức các hoạt động trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình lập nghiệp. Hằng năm, Hội phối hợp với Tỉnh đoàn và các sở, ngành liên quan tổ chức Ngày hội khởi nghiệp với sự đổi mới, sáng tạo, đa dạng nội dung trong từng hoạt động, từ đó mang lại hiệu quả truyền thông, lan toả tinh thần khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ.

Đổi mới không chỉ từ cách thức, mô hình hoạt động mà còn đa dạng các nguồn hỗ trợ, chăm lo cho hội viên phụ nữ trong quá trình khởi nghiệp, khởi sự, phát triển kinh doanh. Ngoài nguồn vốn từ các chương trình, chính sách được kết nối giúp hội viên vay, các cấp Hội quan tâm vận động nguồn vốn vay không lãi suất hoặc không hoàn lại được hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân; thực hiện các mô hình mới, cách làm hay huy động nguồn lực và xây dựng, đề xuất các chính sách để hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp. Hình thức hỗ trợ khởi nghiệp cũng linh động phù hợp với từng thời điểm và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, tỉnh nhà trên cơ sở định hướng, chỉ đạo của Trung ương Hội và tình hình thực tiễn địa phương.

“Đây được xem là những giải pháp xuyên suốt, lâu dài của các cấp Hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Sự đổi mới trong hoạt động khởi nghiệp còn thể hiện ở chỗ giúp chị em biết tận dụng, phát huy được nguồn tài nguyên bản địa đa dạng, phong phú của tỉnh”- bà Lưu Thanh Hằng cho biết.

Phát huy tiềm lực của phụ nữ    

Trong giai đoạn đầu thực hiện đề án (2017-2020), Hội chú trọng công tác hỗ trợ, cấp vốn cho chị em khởi sự/phát triển kinh doanh; phát triển những mô hình kinh tế tập thể, buôn bán nhỏ lẻ, không có nhiều dự án nổi bật. Trong giai đoạn này, có 1 HTX được chọn thuyết trình, trình bày ý tưởng trong Ngày phụ nữ khởi nghiệp khu vực miền Nam do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, từ giai đoạn 2, Hội đã có những bước thay đổi đáng kể. Hằng năm, Hội phối hợp Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Ngày hội phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp với những chủ đề kết nối đa dạng; trong đó chú trọng kết nối tiêu thụ, quảng bá, phát triển những sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương… mở ra nhiều cảm hứng khởi nghiệp mới cho hội viên.

Phụ nữ tham gia Ngày hội khởi nghiệp năm 2023 với sản vật địa phương

Những đổi mới này đã góp phần đưa các dự án khởi nghiệp của phụ nữ tỉnh nhà “đi xa” hơn. Đặc biệt trong năm 2023, những sản phẩm đặc trưng của địa phương như bánh tráng trộn, chế phẩm từ con cà cuống, nước mắm trái điều… được nhiều người biết đến thông qua các cuộc thi cấp vùng, quốc gia. Với 86 dự án tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp tỉnh, đã có 9 dự án khả thi được xét trao giải và 5 dự án/ý tưởng được chọn tham gia cuộc thi cấp toàn quốc, 1 dự án đạt giải khuyến khích. Tây Ninh là 1 trong 10 tỉnh/thành được Trung ương Hội LHPN Việt Nam chọn thực hiện chương trình WomenRise “Nâng cao chất lượng cuộc sống và trao quyền cho phụ nữ thông qua phát triển kinh doanh và giáo dục sức khoẻ”. Thông qua các lớp tập huấn khởi sự kinh doanh, lồng ghép tổ chức cuộc thi “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” đã tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ tỉnh nhà tự tin, khởi nghiệp. Một chủ dự án được chọn tham gia chương trình biểu dương của Trung ương Hội. Có thể thấy, từ những hoạt động này, hội viên, phụ nữ trên địa bàn được tiếp cận các chuyên gia giàu kinh nghiệm, tiếp cận những kiến thức mới để góp phần thay đổi tư duy, kỹ năng trong kinh doanh. 

Từ thực tế cho thấy, tiềm lực để khởi nghiệp, phát triển kinh tế của phụ nữ trên địa bàn tỉnh là khá lớn. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, những hoạt động, mô hình phát triển kinh tế hay được chia sẻ dễ dàng đến chị em. Các cấp Hội LHPN đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Điều này đã tạo thêm cơ hội, cung cấp kiến thức và kinh nghiệm để hội viên, phụ nữ phát triển bản thân, gây dựng sự nghiệp.

Bà Lưu Thanh Hằng- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ, thời gian tới, Hội sẽ có nhiều hoạt động như tiếp tục tuyên truyền nâng cao quyền năng kinh tế; tăng cường hoạt động tập huấn, nâng cao kiến thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát triển ý tưởng mới; tổ chức các hoạt động nhằm lan toả tinh thần khởi nghiệp; tìm kiếm các dự án, ý tưởng khởi nghiệp có tính sáng tạo để bồi dưỡng, hỗ trợ thực hiện; kết nối đa dạng các nguồn lực hỗ trợ, quan tâm đề xuất các chính sách, dự án giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận, thụ hưởng trong quá trình khởi nghiệp, khởi sự, phát triển kinh doanh.

Thực hiện chủ đề năm 2024 “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”, Hội sẽ tiếp tục phối hợp Liên minh Hợp tác xã, các ngành liên quan mở lớp về kinh tế tập thể, lồng ghép hướng dẫn thêm về ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số, mạng xã hội… vào sản xuất, kinh doanh. Bà Lưu Thanh Hằng nói: “Những phụ nữ trẻ khởi sự kinh doanh thường dùng mạng xã hội, đây cũng được xem là một cách tiếp cận khách hàng phổ biến và khá hiệu quả. Sắp tới, Hội sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn hướng dẫn cách thức, kỹ năng bán hàng qua mạng, thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu của chị em”.

Chị Phạm Thị Thu Thảo (xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng) có 6 năm khởi nghiệp với kênh bán hàng chủ yếu thông qua mạng xã hội. Nhờ mạng xã hội, sản phẩm của chị được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Chị chia sẻ rằng muốn kinh doanh hiệu quả thì không thể mãi theo lối mòn mà phải biết thay đổi phù hợp theo từng thời điểm, thị hiếu hay xu hướng khách hàng. Chị Thảo nói: “Mình phải biết đầu tư, chuẩn bị về hình ảnh cho sản phẩm hay thay đổi cách viết bài đăng thu hút người theo dõi, chú ý đến sản phẩm. Và để thực hiện được, bản thân mình phải dành thời gian nghiên cứu, lựa chọn cách viết nội dung đa dạng. Đó là điều tôi nhận ra sau lớp tập huấn về kinh doanh online do Hội LHPN tỉnh tổ chức”.

Vi Xuân

 

 

Tin cùng chuyên mục