Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hoa biển
Chủ nhật: 07:13 ngày 06/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cô Út đưa mắt nhìn ra biển. Từng lớp sóng tung bọt trắng cuộn tròn lăn tăn như những cánh hoa vỗ bờ tan nhanh rút nhanh từng chập từng chập một.

Biển cù lao Chàm sáng nay im. Nắng trong trẻo đến lạ. Hàng dừa xanh rũ mình đón gió. Bãi cát trắng lấp loá ánh bạc ôm biển chạy vòng cung xa tít tắp. Thằng Cò ngồi trong chòi mát tay mân mê cái đồng hồ có nắp bằng bạc mỏng dính đeo dây tòn ten trên cổ theo thói quen khi ngồi một mình.

Sau trận dịch Covid-19, mọi thứ đều chững lại, khách du lịch vắng hẳn. Nồi hấp bánh nhà thằng Cò treo mốc meo hơn một năm giờ mới được nấu nóng lai rai. Từ xa, một tàu cao tốc đang từ từ trôi nhẹ vào bến. Người đàn ông phụ việc trên tàu nhanh nhẹn nhảy xuống rinh cái bậc tam cấp hàn bằng sắt kê sát mũi tàu cho khách bước xuống.

Một cô khá lớn tuổi nhỏ con mặc đầm voan, khoác chiếc áo khoác tay dài màu lụa đậu khá dày, đầu đội nón rộng vành, cổ quàng chiếc khăn len, đeo cái ba lô nhỏ xíu dễ thương đầy ứ đồ, cán cây dù xếp thò hẳn ra ngoài.

Cô xoay lưng chuẩn bị xuống tàu, bàn tay cô run run nắm chặt cánh tay thô ráp chắc khoẻ của người đàn ông đang đưa đầu gối đứng tấn, chịu thế cho cô thả bàn chân mang chiếc giày thể thao trắng đế cao độn gót xuống mặt cát. Gió thổi chân váy bồng lên vướng vào bậc tam cấp lên xuống.

Cô ré giọng ngại ngùng trong những tiếng cười giòn tan. Một người trong đoàn khách ghẹo: Nhìn em giống cây máng đồ ha ha ha… Thằng Cò mỉm cười. Đi biển tây ta khác nhau rõ rệt. Tây ra biển mặc đồ hở hết cỡ, khoe da khoe thịt bắt nắng càng nhiều càng tốt. Ta ra biển sợ nắng táp đen da bịt kín như cô kia, vừa đi cổ vừa cố kéo mép khăn choàng lên che mặt chỉ chừa hai con mắt.

Đoàn khách tíu tít theo hướng dẫn viên du lịch ùa vào dãy quán ăn trốn nắng và nghe thông báo lịch di chuyển tham quan giếng cổ và chùa Hải Tạng. Qua giọng nói, thằng Cò biết đây là đoàn khách đến từ miền Nam. Nó mừng húm.

Lần nào gặp khách miền Nam là bánh của nó cũng bán chạy, hết sớm về sớm. Thằng Cò đảo mắt tìm cô mặc đồ đi biển gây ấn tượng mạnh lúc nãy. Mặc cho hướng dẫn viên thao thao bất tuyệt, cô giống cây máng đồ lặng lẽ ra ngoài bãi biển, giơ điện thoại nghiêng bên này, ẹo bên kia chụp hình tự sướng. Thằng Cò chạy ra:

- Để con chụp hình giùm cô, cô chụp vầy không lấy hết cảnh đẹp đâu cô!

- Ờ! Cảm ơn con nhen! Cô tranh thủ chụp nhanh để đoàn đi bỏ cô. Cảnh đẹp quá chừng cô cầm lòng không đậu.

- Út ơi nhanh lên! Bám đoàn đi, chút nữa chụp hình- Giọng người đàn ông trong đoàn khách thúc giục. Thằng Cò tiếp điện thoại, xoạc chân khom người hô một hai ba, một hai ba… ra chục kiểu hình. Xong. Cô Út nhanh chóng lấy lại cái điện thoại, ba chân bốn cẳng chạy lúp xúp hướng theo lá cờ hiệu của cô hướng dẫn viên vừa khuất, miệng không ngớt kêu: “Chết rồi, đoàn đi mất tiêu rồi”. Thằng Cò đi theo nói vói:

- Cô đừng sợ, ở đây chỉ có một đường vô giếng cổ thôi hà, không sợ lạc đâu.

- Vậy hả! Vậy thôi đi từ từ… nắng quá cô cũng mệt.

Thằng Cò bợ rổ bánh và thùng đá mini xăng xái dẫn cô Út bươn bả đi theo con đường tráng xi măng uốn lượn theo thế dốc lài. Vừa đi, thằng Cò vừa xìa rổ bánh mời mọc:

- Một lát cô mua giúp con vài cái bánh gai này nha cô, bánh nhà con gói ngon lắm.

- Bánh nhà con ai gói?

- Dạ nội con gói. Nội con làm bánh ngon nhứt ở đây.

- Để lát cô ăn thử coi ngon thiệt cô mới mua nhen.

Cô Út đuổi kịp nhóm bạn trong đoàn. Hơn nửa đoàn khách theo hướng dẫn viên đi dài lên chùa Hải Tạng, vài ba người đang thả thùng xuống giếng cổ múc nước kéo lên chụp hình đủ kiểu rồi sà vô mấy sạp bán chuỗi đá và vỏ ốc. Thằng Cò thấy vậy thuyết minh:

- Tương truyền rằng uống nước giếng cổ cầu duyên, duyên tới, cầu con được con đó cô. Đàn ông uống bảy ngụm, đàn bà chín ngụm.

- Thiên nhiên kỳ diệu thiệt! Giữa đảo mênh mông nước biển mặn chát có giếng nước ngọt tài tình, để cô uống nước cầu duyên cái coi.

Nói xong cô Út cười xoà. Cô đưa điện thoại nhờ thằng Cò chụp hình cô đang kéo nước, uống nước. Thằng Cò nhẩm đếm thấy cô Út uống đúng chín ngụm. Nó từng thắc mắc hỏi nội nó uống nước giếng cổ có linh thiêng như lời đồn không? Nội nó nói có tin có thiêng! Thằng Cò hỏi tiếp: Nước giếng cổ chỉ cầu tình duyên và con thôi hả nội? Cầu chuyện khác được không? Nội nó nói được.

Nói thằng Cò uống nước giếng cổ sẽ thêm yêu ông bà cha mẹ và yêu cái đảo này, đi xa sẽ nhớ dữ lắm. Thằng Cò biết nội nó nói đùa, cả đảo sống được nhờ cái giếng nước ngọt trong trẻo duy nhất này, không uống nước giếng thì uống nước nào. Nhắm chừng chụp hình đã thèm, cô Út ngồi xuống bậc đá cạnh giếng nước tháo bớt áo khoác, khăn, nón lùm tùm rồi bóc cái bánh trong rổ thằng Cò mở lá:

- Bánh bán nhiêu một cái mà nhỏ xíu xìu xiu vậy con?

- Dạ, ba ngàn một cái, một chục ba chục ngàn.

Cái bánh gai nhỏ xíu bằng đầu ngón tay cái màu nâu thẫm pha ánh tím mướt dầu tróc lóc. Bánh làm bằng bột nếp dẻo quẹo, nhân đậu xanh thơm bùi beo béo. Cô Út gật gù khen ngon, ăn liên tục một hồi năm cái. Thằng Cò xìa chai nước ướp lạnh màu vàng sậm mời:

- Cô uống chai nước lá rừng này cho mát, dễ tiêu, không đau bụng, chỉ có năm ngàn đồng thôi cô.

Cầm chai nước lắc qua lắc lại đưa lên miệng tu một cái nửa chai, cô Út thở khà khoan khoái:

- Không biết nước lá này có mát thiệt hôn, nghe con quảng cáo cô uống ủng hộ. Còn cái bánh nhỏ xíu vầy bán ba ngàn phải rồi, sao không gói cái bánh lớn chút bán năm ngàn, gói lúc chúc vầy hao lá cực công?

- Dạ, nội con nói bánh nhỏ vầy dễ ăn, dễ bán, đỡ ngán. Bánh ít tiền vầy ai cũng có cơ hội thưởng thức.

- Trời ơi! Nội con hay nha! Bánh ngon thiệt, cô mua phụ con hết rổ bánh này. Cô trả tiền, nhưng bánh để đây, lát cho mấy bạn cô trong đoàn ăn biết vị.

- Con thích nghe giọng miền Nam. Chỗ cô ở là tận đâu?

- Chỗ cô không có biển, có ngọn núi Bà linh thiêng cao nhất Đông Nam bộ đó con.

Câu chuyện giữa hai người rôm rả tưởng quen nhau từ rất lâu. Cô Út kể đây là lần đầu cô ra đảo và cũng là lần trở lại với biển sau gần chục năm sợ biển. Giọng cô bỗng dưng trầm ngâm: Biển lúc bình thường thấy đẹp dịu êm lãng mạn, nhưng lúc nổi giận cũng ghê gớm đáng sợ lắm. Thằng Cò hỏi đáng sợ sao thì cô cười cười không nói.

Đoàn khách quay trở lại ăn hết rổ bánh của thằng Cò trong nháy mắt. Họ túa ra thay đồ chuẩn bị đi lặn biển ngắm san hô. Riêng cô Út lắc đầu từ chối không đi lặn biển và tắm biển, mặc cho mọi người rủ rê chèo kéo. Cô hỏi thằng Cò nhà còn bánh cô mua về làm quà. Thằng Cò hộc tốc chạy đi sau khi nghe lời hứa chắc chắn của cô Út: Đoàn cô còn ở đây tắm biển, ăn hải sản chơi tới xế mới về.

Thằng Cò quay trở lại với rổ bánh còn bốc hơi nóng, nó băng ngang khu tắm nước ngọt loe ngoe có mấy người đảo mắt thử tìm cô Út dù trước đó nghe cô nói không có ý định tắm biển. Dài ra bờ cát, thằng Cò thấy cô Út cầm điện thoại từng bước dò dẫm lần ra khỏi mép nước, một bước chụp một bôi hình. Một con sóng bất ngờ tung bọt trắng ôm quá đầu gối cô Út giật ngược khiến cô loạng choạng.

Thằng Cò ngạc nhiên: Sao cổ sợ nước quá vậy! Ra đảo mà không tắm, không lặn ngắm san hô chỉ chụp có mấy bôi hình thì uổng quá. Thằng Cò để rổ bánh xuống định chạy ra tiếp tục chụp hình giùm cô Út thì thấy cô tuột tay rớt cái điện thoại.

Phản xạ tự nhiên, cô Út nhoài người với theo chụp nhanh cái điện thoại nhưng không kịp, cái điện thoại rớt xuống nước mất dạng. Sóng biển tung bọt trắng đập liên hồi khiến cô Út mất thế té sấp mặt tay chân vùng vẫy loạn xạ. Thằng Cò lao ra túm tay cô Út dựng dậy. Cô vuốt mặt ho sặc sụa, mặt cô thất sắc trắng bệch. Thằng Cò nói một cách tiếc rẻ: Cái điện thoại của cô coi như xong rồi!

Cô Út mặt vẫn biến sắc, cô ngồi bệt xuống bãi cát, mắt nhắm nghiền, bàn tay run run nắm mở một cách vô thức. Lát sau, cô mở mắt nhíu mày nhìn chăm chăm mặt dây chuyền trên cổ thằng Cò một cách ngạc nhiên. Thằng Cò mân mê mặt dây nói nhỏ: Đây là kỷ vật của ba con!

Một lần, ba thằng Cò nghỉ phép đưa cả nhà đi chơi biển. Một nhóm khách tắm biển chơi trò bóng ném bị sóng biển cuốn ra xa. Ba thằng Cò bỏ dở dang trò chơi xây nhà cát với má con nó khi nghe tiếng kêu cứu, chạy dọc bờ biển tìm cự ly ngắn nhất bơi ra cứu người.

Ba thằng Cò đưa được hai người vào bờ an toàn, một nhân viên cứu hộ cũng kịp thời có mặt. Ba thằng Cò kiệt sức khi đưa thêm một người nữa vào bờ, nhân viên cứu hộ nhanh chóng hô hấp nhân tạo cho cô gái. Mọi người hoảng loạn la ó còn thiếu một người. Ba thằng Cò lại lao ra nhắm hướng đầu người lúc chìm lúc nổi giữa những con sóng dữ. Những người gặp nạn được an toàn mạng sống, còn ba thằng Cò mãi mãi không trở về giữa tiếng kêu gào của má con nó trong chiều tím hoàng hôn.

Thằng Cò mồ côi cha năm nó sáu tuổi. Mỗi năm một lần, đồng đội của ba thằng Cò đem những cành hoa cúc hoạ mi trắng mà ba nó thích rải xuống biển. Trong nó nhen nhóm một ước mơ lớn dần theo năm tháng khi nghe mấy bác khen nó giống ba có tố chất đặc biệt của người lính thuỷ.

Cô Út nhắm mắt để tránh những cơn sóng tròng trành. Tiếng vỗ sóng ầm ào đều đều dần khiến cô định tâm trở lại. Cô nhìn thằng Cò hồi lâu nói chắc từng tiếng một: Cô là người đuối nước được ba con cứu cuối cùng! Thằng Cò ớ lên một tiếng ngạc nhiên.

Lúc cô tỉnh, trên tay cô nắm chặt cái này. Vừa nói, cô Út vừa đưa tay chỉ cái mặt đồng hồ đang đeo trên cổ thằng Cò. Cô chỉ kịp trả lại vật này cho má con khi bà nhận ra kỷ vật của chồng. Nhóm cô đành phải về sau nhiều giờ chờ đợi đội cứu hộ cứu nạn của Hải quân tìm kiếm ba con không được.

Mọi việc xảy ra nhanh đến mức tê dại. Cô không biết gì khác ngoài ba con là lính Hải quân. Bọn cô thoát chết, sợ hãi, mang về nhà lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ. Sau đó là những day dứt về sự hời hợt để mất hút thông tin ân nhân của mình. Những năm đó phương tiện liên lạc hay tin tức không thuận tiện như bây giờ.

- Sao cô chắc ba con là người cứu cô?

- Khi nghe con nói đó là kỷ vật của ba con để lại, cô cũng nhận ra mặt ngoài cái con đeo có hình mỏ neo rất đặc biệt giống với cái mà cô đã nhìn thấy năm xưa. Hơn thế nữa, kỷ vật này đã gợi nhớ hình ảnh đau thương người thiếu phụ và đứa trẻ quỳ bên bờ cát run rẩy chắp tay cầu nguyện chờ đợi chồng, cha trở về trong buổi chiều tắt nắng ầm ào sóng dữ.

Thằng Cò tháo cọng dây đeo, cầm đồng hồ bấm nút bật nắp. Bên trong, mặt đồng hồ màu đen, chữ số trắng vòng trong vòng ngoài chi chít. Đồng hồ chết máy, kim ngắn chỉ số mười bảy, kim dài chỉ số mười ba. Mặt trên đồng hồ là hình gương mặt đứa trẻ bụ bẫm.

Lật nghiêng bức hình cho cô Út coi, thằng Cò thì thầm: “Đứa nhỏ này là con, và đây là thời khắc ba con gặp nạn!”. Nói xong, thằng Cò đóng nắp đồng hồ đeo trở lại cổ, nói giọng tự hào: “Đây là cái đồng hồ chuyên dụng của ông thầy tặng cho ba con, người học trò xuất sắc trong lần đi qua Nga học về tàu ngầm. Con nghe má kể ba con không về khi cố gắng cứu thêm người cuối cùng đuối nước bị sóng biển kéo ra khỏi bờ rất xa. Không ngờ nay con được gặp cô!”.

Cô Út chết lặng trong lúc tiếng thằng Cò bị tiếng sóng biển lúc to lúc nhỏ, ầm ào ngắt nhịp. “…Phải mấy ngày sau đội cứu nạn Hải quân mới tìm thấy ba con. Giờ mấy bác mấy chú trong lữ đoàn cũ của ba con đang chăm sóc cho cả nhà con, đợi con tốt nghiệp cấp hai sẽ đưa con vào quân chủng Hải quân…”. Thằng Cò đang cố hết sức học và bơi lặn thật giỏi để đủ chuẩn gia nhập lữ đoàn tàu ngầm bảo vệ biển đảo như ba nó, cho thoả ước nguyện của riêng nó.

Cô Út đưa mắt nhìn ra biển. Từng lớp sóng tung bọt trắng cuộn tròn lăn tăn như những cánh hoa vỗ bờ tan nhanh rút nhanh từng chập từng chập một. Phóng tầm mắt ra xa, biển cù lao Chàm bát ngát xanh, xanh như ước mơ cháy bỏng của đứa nhỏ ngồi bên cạnh. Nghĩ ông trời sắp đặt cũng hay, âu cũng là duyên phận mới khiến cô quyết định đi chơi biển sau nhiều năm sợ hãi. Trong cái rủi có cái may, mất cái điện thoại cô cũng tiếc vì có nhiều hình ảnh kỷ niệm trong đó, nhưng nhờ vậy cô gặp được con của người ơn. Cô Út đột ngột quay qua thằng Cò nói vội: “Cô muốn ghé nhà thăm má con và coi nội con gói bánh gai đặc sản được không?”.

Bóng thằng Cò bưng rổ bánh cao lêu khêu đi bên cạnh bóng cô Út nhỏ con quàng quanh mình những khăn và áo giống cây máng đồ đổ dài trên mặt cát biển khô nóng rát. Gió lồng lộng thổi, mang theo hương vị mặn mòi riêng có của miền biển mát rượi.

H.N

Tin cùng chuyên mục