Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Công tác hoà giải, đối thoại giúp giảm bớt số lượng vụ án phải xét xử, giúp giải quyết mâu thuẫn một cách công bằng và hợp lý, góp phần tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.
Sau 3 năm thực hiện Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án, Toà án nhân dân (TAND) hai cấp đã chú trọng xây dựng, lựa chọn, kiện toàn đội ngũ hoà giải viên là những thẩm phán, thư ký có uy tín, kỹ năng, phương pháp hoà giải, đối thoại tốt, tâm huyết, nhiệt tình, có kinh nghiệm trong tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện của đương sự, nên hiệu quả mang lại khá cao.
Trong năm 2024, Toà án hai cấp đã hoà giải thành 5.432/13.542 vụ việc. Nhiều vụ án ở cấp sơ thẩm không hoà giải được nhưng Toà án cấp phúc thẩm vẫn nỗ lực hoà giải nhằm giảm bớt mâu thuẫn giữa các bên đối lập, nhiều vụ án đã được hoà giải thành tại phiên toà phúc thẩm, từ đó xóa bỏ mâu thuẫn giữa các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính…
Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Vân cho biết, TAND hai cấp tỉnh xác định việc triển khai Luật hoà giải, đối thoại là một trong các nhiệm vụ công tác trọng tâm nhằm giải quyết các vụ án hành chính; vụ việc dân sự; xóa bỏ tranh chấp, mâu thuẫn giữa các bên; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tạo sự đồng thuận xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị - trật tự an toàn trên địa bàn.
Đội ngũ hoà giải viên thuộc TAND hai cấp tỉnh là những cán bộ có phẩm chất đạo đức, có uy tín, kỹ năng, phương pháp hoà giải, đối thoại tốt, tâm huyết, nhiệt tình tham gia vào hoạt động hoà giải, đối thoại. Trong công tác, các hoà giải viên luôn chủ động nghiên cứu, trao đổi nội dung các vụ việc, từ đó, có những phân tích thấu tình đạt lý, thuyết phục các bên đương sự trong công tác hoà giải các loại án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính… kiên trì cùng các đương sự giải quyết các tranh chấp dân sự thông qua hoà giải và đối thoại.
Bà Phạm Thị Nghện, hoà giải viên TAND thị xã Trảng Bàng chia sẻ, công tác hoà giải là một trong những nhiệm vụ khó, khi đã đưa các sự việc ra toà thì các mối quan hệ, tranh chấp đều đang ở mức rất căng thẳng, khó có thể thương lượng được với nhau. Trước khi hoà giải, hoà giải viên phải tìm hiểu kỹ để nắm bản chất, nguyên nhân sự việc và tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh, nhân thân của từng đương sự để có thể “đánh đúng, đánh trúng tâm lý” của đương sự. Cùng với đó, mỗi hoà giải viên phải nắm vững những kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng hoà giải để phân tích cho đương sự thấy rõ quyền và lợi ích, từ đó, đồng ý thỏa thuận, không phải đưa ra xét xử.
“Tùy từng lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp mà hoà giải viên có những phương pháp động viên, thuyết phục khác nhau. Trước khi thực hiện hoà giải, tôi luôn giải thích, nêu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp; trình tự, thủ tục tố tụng và lợi ích khi thực hiện hoà giải tại toà án để người dân cân nhắc, xem xét, lựa chọn hướng giải quyết phù hợp nhất”- hoà giải viên Phạm Thị Nghện cho biết.
Phó Chánh án TAND thành phố Tây Ninh Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin, từ ngày 1.10.2023 đến 30.9.2024, TAND thành phố đã thụ lý tổng cộng 385 vụ việc có yêu cầu hoà giải, đối thoại. Trong đó, đã giải quyết 339 vụ, đạt tỷ lệ giải quyết 88,1%, giúp giảm bớt số lượng vụ án phải xét xử, tạo ra môi trường thuận lợi để các bên có thể tự giải quyết mâu thuẫn một cách công bằng và hợp lý. Việc hoà giải, đối thoại tại Toà án không chỉ giúp giảm bớt số lượng vụ án phải xét xử, mà còn giúp các bên tranh chấp tìm được tiếng nói chung, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong một không khí hoà bình, tôn trọng pháp luật.
Tuy nhiên, công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến nhiều vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, nguyên nhân chủ yếu là do các bên không đồng thuận, hoặc tính chất vụ án quá phức tạp; trong quá trình hoà giải, đối thoại, nhiều trường hợp đương sự không hợp tác, không nhận văn bản tố tụng được tống đạt, vắng mặt trong các buổi hoà giải, đối thoại, từ chối cung cấp tài liệu, chứng cứ, hoặc hết thời hạn nên hoà giải viên phải kết thúc quá trình hoà giải, đối thoại dẫn đến kết quả hoà giải, đối thoại không thành.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Vân- Chánh án TAND tỉnh, trước yêu cầu về việc giải quyết các tranh chấp ngày càng gia tăng, TAND tỉnh đề xuất TAND tối cao và HĐND các cấp dành nguồn lực về kinh phí cho hoạt động hoà giải, đối thoại tại Toà án. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ hoà giải viên; đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện hoà giải, đối thoại tại Toà án nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót.
Đồng thời xác định nhiệm vụ triển khai thi hành Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Mỗi tập thể TAND hai cấp và từng hoà giải viên cần nghiên cứu, phát huy trách nhiệm của mình trước yêu cầu nhiệm vụ được giao, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn hoà giải, đối thoại tại Toà án, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với Luật hoà giải, đối thoại tại Toà án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Ông Phạm Hùng Thái- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhận định, trong năm 2024, TAND tỉnh luôn chú trọng nâng cao số lượng, chất lượng, hiệu quả hoà giải vụ án dân sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo chỉ đạo của TAND tối cao và của Tỉnh uỷ. Công tác hoà giải được tăng cường thực hiện tại TAND hai cấp theo quy định Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.
Công tác hoà giải, đối thoại tại Toà án ngày càng phát huy vai trò, hiệu quả; số vụ hoà giải thành đạt 61,4%, góp phần kéo giảm số vụ án phải đưa ra xét xử, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc của Toà án; bảo vệ, duy trì, củng cố đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Quang Lập