Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hòa giải, đối thoại tại tòa án: Góp phần giảm số lượng án phải giải quyết
Thứ tư: 11:38 ngày 30/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 16.6.2020, Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021. Hiệu quả của công tác hoà giải, đối thoại sẽ góp phần giảm tải số vụ việc mà Toà án phải trực tiếp giải quyết; tạo thuận lợi để các thẩm phán, thư ký tập trung nghiên cứu giải quyết các vụ việc phức tạp đã thụ lý, bảo đảm chất lượng xét xử; là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của Toà án.

Cán bộ TAND tỉnh vệ sinh phòng hoà giải, đối thoại.

Tiết kiệm thời gian, chi phí 

Hoà giải, đối thoại tại Toà án là hoạt động do hoà giải viên tiến hành trước khi Toà án thụ lý vụ việc dân sự, hành chính nhằm hỗ trợ các bên thoả thuận giải quyết vụ việc dân sự, thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính.

Trên cơ sở hoà giải hoặc đối thoại, các bên tự nguyện thoả thuận về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ vụ việc dân sự hoặc tự nguyện thống nhất về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ khiếu kiện hành chính thì được coi là hoà giải thành và đối thoại thành.

Để nhận được quyết định công nhận kết quả hoà giải, đối thoại, các bên phải thực hiện lần lượt theo các bước sau: tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và chỉ định hoà giải viên; chuẩn bị và tiến hành phiên hoà giải, đối thoại; họp ghi nhận kết quả và ra quyết định công nhận kết quả hoà giải, đối thoại. Quyết định công nhận kết quả hoà giải thành, đối thoại thành có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Ông Đỗ Văn Thinh- Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, thời gian qua, TAND hai cấp đã tập trung bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị có sẵn tại đơn vị để thành lập Trung tâm hoà giải, đối thoại tại Toà án. Về mặt nhân sự, TAND 2 cấp đã bổ nhiệm 34 hoà giải viên, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn được quy định trong luật và được tập huấn các khoá do TAND tối cao tổ chức.

Đa số hoà giải viên trước đây từng làm các công việc liên quan đến pháp luật như kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán đã nghỉ hưu, có bề dày kinh nghiệm, có uy tín cao trong cộng đồng dân cư, nhiệt tình trong công tác. Khi người dân nộp đơn khởi kiện đến toà đều được hướng dẫn tận tình về quyền được lựa chọn hoà giải, đối thoại tại toà án trước khi thực hiện các hoạt động tố tụng thông thường.

Học viên tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Từ đầu năm đến nay, TAND 2 cấp đã nhận 1.836 đơn khởi kiện các loại; số vụ, việc chuyển sang hoà giải, đối thoại tại Toà án là 396 vụ, trong đó số vụ việc hoà giải thành 155 vụ, đã ra quyết định công nhận kết quả hoà giải, đối thoại 110 vụ, đang tiếp tục giải quyết 45 vụ.

Theo đánh giá của TAND tỉnh, hầu hết các trung tâm đều tích cực trong công tác hoà giải, đối thoại, bước đầu đạt một số kết quả nhất định, góp phần giảm áp lực về số lượng vụ việc của ngành Toà án phải giải quyết; tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội, xây dựng và củng cố khối đoàn kết nội bộ nhân dân, ổn định tình hình chính trị tại địa phương.

“Phương pháp hoà giải, đối thoại được thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của từng loại vụ, việc. Hoà giải viên có thể thực hiện hoà giải, đối thoại ở thời điểm nào mà mình thấy thích hợp, không bắt buộc phải thu thập đầy đủ chứng cứ mới hoà giải.

Có thể thực hiện trong giờ làm việc hoặc ngoài giờ làm việc, tại phòng hoà giải hoặc địa điểm khác mà các bên đã thống nhất, quan trọng là tạo điều kiện thuận lợi nhất để tất cả các bên có thể tham gia hoà giải, đối thoại”- Phó Chánh án TAND tỉnh chia sẻ thêm.

Khi tham gia hoà giải, đối thoại, các bên không phải chịu các chi phí nào, trừ các chi phí hoà giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch; chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hoà giải, đối thoại ngoài trụ sở Toà án; chi phí khi hoà giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính nơi Toà án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở; chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài. Ngoài ra, các thông tin liên quan đến vụ việc hoà giải, đối thoại được giữ bí mật theo quy định của luật.

Còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác hoà giải, đối thoại của các trung tâm hoà giải, đối thoại vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết, tỷ lệ hoà giải, đối thoại thành đối với các vụ án dân sự, hành chính chưa cao.

Một phần là do hoạt động hoà giải, đối thoại còn mới, nhiều người chưa biết hết được hiệu quả hoạt động cũng như chức năng, nhiệm vụ của trung tâm. Chưa có văn bản dưới luật để hướng dẫn chi tiết về Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.

Cơ sở vật chất, trang bị để phục vụ cho hoạt động hoà giải, đối thoại chưa đáp ứng được yêu cầu theo hướng dẫn của TAND tối cao. Đa số các hoà giải viên là cán bộ hưu trí gặp khó khăn trong sử dụng máy tính; không có thư ký giúp việc cho hoà giải viên nên khó khăn trong việc thực hiện tống đạt và lập biên bản khi tiến hành hoà giải, đối thoại.

Về dự toán, quản lý tài sản, kinh phí hoà giải, đối thoại tại Toà án chưa được hướng dẫn. Chưa có hướng dẫn việc lập sổ thụ lý, giải quyết hay chờ cấp phát sổ, bìa hồ sơ vụ việc... đối với các vụ việc chuyển sang thủ tục hoà giải, đối thoai tại Toà án; con dấu của hoà giải viên do cơ quan nào cấp, mẫu con dấu như thế nào cũng chưa có hướng dẫn; mộc tên của hoà giải viên màu đỏ hay màu xanh...

Về biểu mẫu theo Thông tư 02/2020/TT-TANDTC ngày 16.11.2020, còn thiếu biểu mẫu biên bản ghi nhận kết quả hoà giải, đối thoai, quyết định công nhận kết quả thành, đối thoại thành tại Toà án.

Học viên tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

“Quá trình giải quyết gặp nhiều khó khăn trong việc lấy ý kiến của người bị kiện, do không tống đạt trực tiếp được cho người bị kiện hoặc người bị kiện không đến trình bày ý kiến, cũng như không gửi văn bản trình bày ý kiến đối với việc có đồng ý lựa chọn hoà giải tại Toà án và hoà giải viên hay không nên kéo dài thời gian giải quyết.

Đối với các vụ án hôn nhân có tranh chấp về tài sản chung, án dân sự, sau khi lựa chọn hoà giải, đương sự thay đổi ý kiến đề nghị chấm dứt hoà giải hoặc bị đơn không đồng ý việc hoà giải, không hợp tác dẫn đến không thực hiện thủ tục hoà giải tại Toà án mà chuyển sang thủ tục tố tụng dân sự để giải quyết, từ đó kéo dài thời gian giải quyết”- Phó Chánh án TAND tỉnh cho biết thêm.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, TAND tỉnh kiến nghị TAND tối cao tổ chức lớp tập huấn Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án cho các thẩm phán, hoà giải viên, ban hành biểu mẫu quyết định công nhận kết quả hoà giải thành tại Toà án để áp dụng thống nhất.

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục