Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Hoa Sư Đường với màn diễn độc đáo “Lân trên mai hoa thung”
Thứ bảy: 16:36 ngày 17/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Múa lân sư rồng là một bộ môn nghệ thuật dân gian truyền thống độc đáo của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Lân sư rồng xuất hiện trong những ngày tết, lễ hội, mang đến không khí rộn ràng, sinh động và biểu trưng cho sự may mắn, sung túc. Mỗi tiết mục lân sư rồng đều mang những ý nghĩa nhân văn.

Ở Tây Ninh, các đội lân hình thành khá sớm, ngay từ thời mở đất, cùng với các lò luyện võ, đặc biệt là những địa phương có đông người Hoa sinh sống như Trảng Bàng, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh. Trung tâm Văn hoá tỉnh là đơn vị góp phần bảo tồn bộ môn nghệ thuật truyền thống này khi hằng năm đều tổ chức “Liên hoan múa lân truyền thống” vào dịp tết cổ truyền của dân tộc, quy tụ hầu hết các đội lân trong tỉnh tranh tài.

Trung tâm còn có hẳn một đội lân hoạt động dưới dạng một câu lạc bộ: Đoàn Nghệ thuật lân sư rồng Hoa Sư Đường. Đây cũng là đội có tiết mục nghệ thuật múa lân đỉnh cao- “Lân trên mai hoa thung”.

Hình thành từ năm 2009, Đoàn Nghệ thuật lân sư rồng Hoa Sư Đường (gọi tắt là Hoa Sư Đường) là tập hợp của những người trẻ đam mê, yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Với niềm đam mê ấy, các thành viên của đoàn đã kiên trì tập dượt, khổ luyện, để rồi từ những động tác múa đơn giản ban đầu, họ đã có một chương trình với nhiều tiết mục biểu diễn kỹ thuật cao, vũ đạo đẹp mắt.

Bắt đầu bằng việc học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân múa lân của tỉnh, kết hợp với nghiên cứu trên mạng internet và băng hình nghệ thuật múa lân sư rồng của các đội lân quốc tế, Hoa Sư Đường đã học hỏi, cải biến cho phù hợp với tập quán múa lân của Việt Nam.

Đặc biệt, được sự hỗ trợ và hướng dẫn của Đoàn Nghệ thuật lân sư rồng Hằng Anh Đường - TP. Hồ Chí Minh từ kỹ thuật đến trang phục, đạo cụ (tạo hình lân sư rồng), phương tiện… Hoa Sư Đường đã tiến bộ nhanh chóng. Hiện tại, đoàn có gần 30 thành viên từ 10 - 30 tuổi (một nửa trong số ấy là học sinh, còn lại là những người làm các ngành nghề tự do như nghề mộc, điện, nước, tiếp thị, công nhân…).

Được trang bị hùng hậu (một con rồng vàng cam dài 19,5m, 2 sư tử vàng và đỏ, 8 con lân đủ mọi màu sắc, dàn trống hơn 15 cái…), Hoa Sư Đường có thể biểu diễn một chương trình 90 phút gồm nhiều tiết mục phong phú. Với lân, có tiết mục “Tứ quý hưng long” do bốn con lân biểu diễn, thể hiện 4 phương trời, 4 mùa trong năm; đẹp mắt nhất là cao điểm khi 4 con lân (8 người chồng lên nhau) giao nhau trên không.

Hay tiết mục “Ngũ phúc lâm môn” (5 lân đến nhà chúc phúc) đầy màu sắc và nghịch ngợm; “Lân hái địa bửu” (lân lên sườn núi hái lộc) theo trình tự: lân xuất động, lân qua cầu, lân lên sườn núi, lân hái lộc với nhiều cung bậc cảm xúc: lười biếng, vui vẻ, sợ hãi, nghi ngờ, cuồng nộ, vui sướng.

Độc đáo nhất là khi lân đi cầu bập bênh để qua sông, khiến người xem phải “thót tim” bởi bộ dáng vừa tinh nghịch, vừa (giả vờ) sợ hãi của lân. Múa sư tử có tiết mục “Song sư hí cầu” (hai sư tử đùa nghịch trên quả cầu), một con trong tư thế chồng người (đầu và đuôi chồng lên nhau) trên quả cầu làm điệu bộ chớp mắt tinh nghịch, còn một con đùa giỡn đẩy quả cầu lăn đi, làm con trên quả cầu phải liên tục nhảy nhót.

Tiết mục “Sư tử lên mâm” gồm 3 mâm (mâm giữa cao 1,5m), đầu sư tử và hai chân trước gác lên mâm cao nhất, đuôi xoay theo mâm còn lại. Múa rồng phức tạp hơn vì có nhiều người tham gia, tiết mục “Song long” với 10 người múa, một người điều khiển quả châu; khi đến đoạn “nhảy solo”, 9 người cùng xoay đuôi, đầu rồng cất lên cao nhất. Múa rồng của Hoa Sư Đường còn có thể xếp hình bướm, hình diều hoặc hình chiếc thuyền rất ngoạn mục.

Tiết mục trống hội.

Đoàn còn có tiết mục múa trống hội (mừng xuân, mừng lễ hội…) với thời lượng 4-5 phút gồm những vũ đạo đẹp mắt, nhịp nhàng, mạnh mẽ trong tiếng trống thôi thúc, rộn ràng; đặc biệt khi tập thể diễn viên mặc đồng phục (quần đen, áo hồng, bịt khăn hồng hoặc đỏ) tràn đầy sắc màu rực rỡ.

Nghệ thuật đỉnh cao của Hoa Sư Đường chính là tiết mục múa “Lân trên mai hoa thung”. Mai hoa thung (hay mai hoa thung pháp) xuất phát từ bộ môn võ thuật, là phép tập bộ pháp trên cọc gỗ hoa mai. “Lân trên mai hoa thung” hấp dẫn người xem ở kỹ thuật điêu luyện và chuẩn xác; những động tác mạnh mẽ nhưng không kém phần duyên dáng, thể hiện khí chất cao quý của lân- một trong tứ linh mang lại may mắn theo quan niệm của người Á Đông.

Để có thể nhảy múa trên giàn mai hoa thung, các diễn viên - vận động viên phải thực hiện các động tác phức tạp như đội đầu lân đứng một chân trên đùi, đứng trên tay hoặc vai của người giữ đuôi lân; hai chân đứng trên đùi quay 1.800, nhảy ngoẹo đầu…

Người không có thâm niên múa lân truyền thống thì không thể lên được giàn mai hoa thung, vì đầu lân thường nặng từ 3-5kg, nếu có thêm “phụ tùng” sẽ lên đến hàng chục ký. Một bộ đôi hai người múa gồm đầu và đuôi. Đầu lân với tầm quan sát rất hẹp, phải linh hoạt, biểu cảm như một con lân đích thực. Đuôi lân là trụ vững chắc nhưng phải hoàn toàn tin tưởng vào người múa đầu lân vì gần như không có phản xạ với mọi vật xung quanh khi bị trùm kín.

Cả hai diễn viên - vận động viên phải có sự trầm tĩnh ổn định, tâm ý tương thông mới có thể thể hiện tốt thần thái của lân một cách duyên dáng và lôi cuốn trên giàn cao, khi tinh nghịch vui đùa, lúc tức giận vẫy vùng… Múa “Lân trên mai hoa thung” là sự tái hiện hình ảnh linh thú trèo đèo lội suối, bất chấp hiểm nguy mang linh dược, tài lộc về cho gia chủ- biểu trưng của sự may mắn và phú quý. Đó còn là ý nghĩa tượng trưng cho cuộc đời của con người vượt qua khó khăn để đạt đến điều tốt đẹp nhất.

Đoàn Hoa Sư Đường có “giàn chành” múa “Lân trên mai hoa thung” trải dài hơn 13m với 21 trụ sắt, cao nhất là 2,3m, thấp nhất là 1,2m với khoảng cách dài ngắn khác nhau (trung bình 1,8m); trên mỗi cọc sắt có mặt đĩa đường kính 32-40cm để lân đặt chân nhảy múa.

Thành viên của đoàn thường phải mất đến 2 năm để tập tiết mục này, trước tiên tập múa theo vị trí đồ hình các cột vẽ trên mặt đất, tiếp đến là múa trên mai hoa thung nhưng chỉ với người (không mang lân), cuối cùng là ráp lân vào múa từ động tác dễ đến khó.

Hiện nay, đoàn có 6-8 người thực hiện được tiết mục này, điêu luyện nhất là các diễn viên Nguyễn Hoàng Trường Giang, Cao Thành Huy, Đào Trường Huy, Trần Phú Truyền, Dương Tấn Đạt… Những diễn viên này có thể thực hiện nhiều động tác khó như “Lân xoay trên mâm” (cả đầu và đuôi phải đồng loạt, ăn ý),

“Lân ăn lộc” (đầu lân đứng trên đùi diễn viên giữ đuôi lân, sau đó nhảy xuống mâm, đuôi lân thả xuống khoảng không gắp lộc cho đầu lân ăn và thả liễn xuống). Mỗi ngày, đoàn đều nghiêm túc thực hiện tập dượt từ 19 giờ đến 21 giờ các tiết mục múa “Lân trên mai hoa thung”, “Song sư hí cầu”, “Trống hội” và các tiết mục khác.

Tây Ninh có không ít đội lân có thể thực hiện tiết mục “Lân trên mai hoa thung” như đội lân Huỳnh Long Đường (Trảng Bàng), Việt Anh Đường (Hoà Thành), Trí Minh Đường (Gò Dầu), Vinh Hoa Đường (Dương Minh Châu), Minh Anh Đường (Châu Thành), Trung Anh Đường (Hoà Thành), Chí Hải Đường (Châu Thành), lò võ Đoàn Lâm Vũ (Hoà Thành). Nhưng có điều kiện tập dượt thường xuyên và có nhiều tiết mục biểu diễn điêu luyện- đặc biệt là múa sư tử thì khó đoàn nào có thể thực hiện được như Hoa Sư Đường.

Là người khởi xướng, gắn bó và phụ trách Đoàn Nghệ thuật lân sư rồng Hoa Sư Đường gần 10 năm qua, anh Nguyễn Thành Hoà đã giúp cho các thành viên của đoàn gắn bó như một đại gia đình. Anh cũng là người chịu trách nhiệm mua sắm đạo cụ, phục trang và động viên, thúc giục các anh em tập luyện, liên hệ nhận hợp đồng biểu diễn, chăm lo đời sống cho anh em trong đoàn…

Mỗi năm, Hoa Sư Đường có khoảng 15-30 hợp đồng biểu diễn vào các dịp lễ hội, tết nhất, tiệc tùng, họp mặt… Sau khi hợp tác cùng Đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường, đoàn còn đi biểu diễn phục vụ lễ hội ở nhiều nơi như Bình Dương, Bạc Liêu, Long An, Vĩnh Long…

Nguyễn Hoàng Trường Giang- một thợ trang trí nội thất, mới 26 tuổi nhưng là người có tay nghề cao nhất đoàn (cố vấn kỹ thuật). Anh luôn cháy bỏng đam mê với nghệ thuật lân sư rồng. Anh cho biết, mình theo nghề này vì muốn bảo tồn vốn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc; hằng ngày được tập luyện, chỉ dẫn cho các em mới vào đoàn là niềm vui của anh.

Nguyễn Tấn Đạt thì vào đoàn lúc mới 12 tuổi. Khi còn là học sinh tiểu học, Đạt đã mê “Lân trên mai hoa thung” ngay từ khi xem các anh tập luyện vào mỗi buổi chiều. Anh đã mãn nguyện khi đánh được trống hội và một số tiết mục múa lân sư rồng nhờ vào sự tận tình chỉ dạy của các anh lớn trong đoàn.

Đến với Trung tâm Văn hoá tỉnh vào mỗi buổi chiều tàn trong thời điểm mùa xuân đang đến, người ta sẽ bắt gặp không khí luyện tập khẩn trương mà vui vẻ, náo nhiệt của các thành viên Hoa Sư Đường- nhất là các em thiếu nhi. Nghệ thuật truyền thống lân sư rồng đã được lưu truyền từ tình yêu và sự đam mê của những đội lân sư rồng như thế.

L.N.H

(Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Tây Ninh)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục