Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
1.Anh nhắn: “Tuần tới anh lại về, em sắp xếp để gặp nhau vào cuối tuần nhé. Cố gắng gặp nhau nhé, Gấu. Đã lâu lắm rồi đó, em. Anh mong biết bao nhiêu, ngày mình gặp lại...”.
Ảnh minh hoạ Đ.H.T
Một cái mặt cười thay cho câu trả lời. Rất lâu, anh mới nhận được tin nhắn: “Anh cứ về tới đi rồi tính!”. Anh thở phào nhẹ nhõm. Vậy là, Gấu của anh đã chấp nhận tha thứ... Vậy là, anh lại có thể chạm tới Gấu– cái cách anh gọi cô thân mật từ ngày đầu hẹn hò. Anh có thể ngồi yên cạnh cô hàng giờ để nghe cô nói huyên thuyên đủ chuyện, nghe những sợi tóc thơm của cô bay hất vào mặt anh nhồn nhột, cảm giác vừa yên ổn vừa bất an khi chạm mắt vào đôi mắt phù thuỷ vừa dịu dàng vừa tinh quái của cô. Anh có thể... mà có thể gì được chứ! Thời gian qua, biết bao nhiêu là biến cố.
2. Buổi chiều chầm chậm buông. Hơn năm giờ rồi mà mặt trời vẫn còn pha một quầng sáng rực rỡ bên kia bờ kênh, hắt bóng xuống dòng nước trong xanh. Người đàn bà chèo xuồng cập sát bờ. Trên chiếc xuồng nhỏ chất đầy những giề lục bình, rau dừa nước. Chị ới lên một tiếng thật dài. Từ trong đường đất, mấy đứa trẻ chạy ra, kéo theo hai chiếc xe tự chế bằng gỗ tạp.
Hai đứa con gái, ba thằng con trai trạc chín mười tuổi, vóc vác khoẻ khoắn nhanh nhẹn, da nâu bắt nắng. Chúng đẩy chiếc xe xuống gần mép nước, ôm những giề lục bình người đàn bà vừa vứt lên bờ bỏ vào xe, rồi hè hụi đẩy vào trong xóm, vừa đi vừa cười giỡn. Đám lục bình đó được đem vào trong rẫy để đắp gốc cho cây và ủ làm phân bón.
Công việc tưởng có vẻ nặng nề, nhưng với mấy đứa nhỏ thì chỉ là một trò chơi. Khoẻ thì làm, mệt thì nghỉ, kiểu như để vận động cơ bắp trong chuỗi các hoạt động học hành phải ngồi suốt một ngày. Đổi lại, chút nữa chúng sẽ được nếm những món ngon trong bếp bằng trạng thái háo hức, vì trong căn bếp nhỏ đó luôn có những thứ bất ngờ đợi chúng.
Chị kéo chiếc khăn rằn lau mặt rồi lững thững đi lên bờ. Mắt chị dừng ở một dải khói mỏng manh bay lên như tấm voan mỏng lơ lửng mắc kẹt giữa hai vách núi. Một bầy ngỗng đang quàng quạc rủ nhau về nhà. Bầy ngỗng trắng chạy xao xác giữa đồng lúa trĩu vàng khiến lòng chị dâng lên một cảm xúc khó tả. Xóm núi đó, luôn thanh bình và lộng lẫy trong mắt chị, trong bất cứ thời điểm nào, từ khi chị chọn nơi này làm chỗ dừng chân.
Chị nhớ cái thời điểm mới về xóm núi sau cơn hoảng loạn tột cùng.
Lúc đó, trong khi tưởng chừng cuộc sống đang dành mọi ưu đãi cho chị với vài công việc hái ra tiền, người con trai yêu thương chị luôn kề vai sát cánh bên chị. Họ dự tính chỉ trong một thời gian ngắn nữa, dành dụm đủ tiền, sẽ xin phép gia đình làm đám cưới.
Đang yên đang lành, anh người yêu đột ngột nói lời chia tay. Nói rằng, để được ra nước ngoài đoàn tụ cùng gia đình, theo ý ba mẹ, anh phải là người độc thân. Bây giờ ràng buộc vợ con xong rồi… khó lắm. Sau khi anh đi, tương lai ổn định rồi sẽ tính tiếp.
Lúc đó, chị vừa biết mình mang thai. Gặp nhau chưa kịp báo tin mừng đã nghe tin dữ, chị đổ sập xuống như một cây chuối bị chém ngang. Không hỏi thêm bất cứ điều gì, chị lặng lẽ về nhà. Chị không cần nghe thêm câu nào nữa. Mối tình kéo dài suốt thời đại học, thêm mấy năm gắn bó, cùng chia sẻ với nhau đủ thứ chuyện đời, anh chỉ nói nhẹ như không vậy, thì cần chi một lời giải thích.
Phải đắn đo lắm chị mới mở lời được với mẹ và dì. Mẹ chị thì sốc nặng. Chồng chết sớm, bà có một mụn con gái, cưng như trứng, nay lại gặp chuyện chẳng may như vầy, hỏi sao không đau lòng chứ. Nhưng dì, vốn sống một mình trong xóm núi, thư thái với công việc trồng thuốc nam, đã mỉm cười rất nhẹ: “Chuyện gì tới rồi cũng phải tới. Nếu không phải nghiệp thì ắt là duyên. Con về ở với dì ít bữa, sẽ yên ổn, không sao”.
Mảnh vườn gần núi, bao bọc chung quanh là rẫy mãng cầu. Mảnh vườn khá rộng mà xơ xác do thiếu người chăm, vả lại, đất đai bị bạc màu do nhiều năm trước người ta trồng mì, chỉ bón rặt những loại phân hoá học. Bà dì trồng chỗ này mớ đinh lăng, chỗ kia giàn đậu biếc, cụm hoa hướng dương, rồi thì bụi sả, luống gừng, liếp khoai, cây chanh, rau sống, rau thơm, cả bầu cả bí…
Dù đã cố gắng, nhưng sức bà có hạn, nên mảnh đất cứ lì ra, cây trồng cứ thế mà sống ngoi ngóp chứ không sởn sơ như trong những khu vườn khác. Thỉnh thoảng, chị lại thấy có người mang tới cho bà ít cây thuốc nam. Bà ngồi vạt thuốc túc tắc, sau khi phơi phóng khô sạch, lại đem qua phòng thuốc Đông y gần đó cho người ta bốc thuốc.
Bà cũng sống được bằng những thứ mình trồng. Người ta tới “xin” bà món này món kia, rồi lại mang cho bà khi thì ký gạo cân đường và những thứ nhu yếu phẩm lặt vặt khác. Không có nhu cầu gì lớn nên bà chẳng bao giờ đặt nặng chuyện tiền bạc, bán mua.
Chị nằm im lặng trong khu vườn nhỏ, cỏ nhiều hơn hoa đó, ngó về núi mà nước mắt chảy. Mai này, khi đứa con ra đời, chị sẽ nuôi nó lớn lên như thế nào, dạy nó ra sao và phải nói như thế nào về cha nó? Cứ mải miết nghĩ, tới đâu, chị nghe đau trong thân mình đến đó.
Nhưng một tuần sau, chị tỉnh dậy khỏi nỗi đau mờ mịt, mê mệt cả người đó. Chị bước ra vườn. Ký ức từ ngày nhỏ được sống trong khu vườn tràn ngập hương thơm của cây lá, trái chín… của ông nội ùa về.
Kiến thức của một cô cử nhân chuyên ngành môi trường, sinh thái… cùng với sự hiểu biết về trào lưu của một bộ phận người tiêu dùng hiện đại đang quay về các sản phẩm thiên nhiên, tinh, sạch để chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình, chị quyết định sẽ thay đổi mọi thứ.
Chị dự tính cải tạo thật tốt khu vườn của dì trở thành một khu vườn thơm tho, nơi mà mỗi thứ cây mọc trên đó đều sạch lành tuyệt đối, và phải… bắt chúng đẻ ra tiền để còn lo cho cuộc sống của mình, và con mình. Chị phải sống thật tốt, để những người chung quanh chị được bình an.
Chị nói với bà dì những điều đó, trong lúc ngồi nhổ cỏ cho rau, lúc ngồi phụ dì phân loại thuốc, lúc đi hái từng bông hoa trong vườn về làm thuốc hay làm trà. Bà dì cười bao dung: đất này của dì, cũng là của con. Con muốn làm gì thì làm, miễn con thấy vui là được.
Chị rút dần từng khoản tiền tiết kiệm của mình ra, bắt đầu điều trị "căn bệnh" suy dinh dưỡng cho đất, từng chút một, từng ngày một. Dưỡng một mảnh đất đã quá bạc màu vì phân hoá học, hệ vi sinh vật trong đất không còn bao nhiêu, là một điều chẳng hề dễ dàng.
Rồi tiếp đó là những ngày chị tự lần mò nghiên cứu qua sách vở, hỏi han qua bè bạn về những loài cây ăn trái, hoa cỏ có hương thơm, xin hoặc mua để trồng theo kiểu thuần tự nhiên. Cũng chỉ duy nhất bà dì chị ủng hộ quyết định này.
Gần như ngày nào chị cũng phải nghe những lời chê bai, dè bỉu, kiểu như tưởng nó về đây phụ dì nó trồng gì, thì ra cũng y vậy, vườn gì mà trồng tùm lum đủ thứ cây mà chẳng có cây nào ra hồn ra vía gì hết, vườn gì mà toàn cỏ với cỏ, y như một đám rừng.
Mẹ chị, thỉnh thoảng tới thăm con hay gọi điện thoại, đều hỏi han sức khoẻ con gái, hỏi xem cuộc sống của chị ra sao, và đều… càm ràm vì chị đổ tiền ra làm những chuyện không giống ai, không biết tiết kiệm tiền bạc sức lực cho chuyện sinh nở sau này. Mỗi lần như vậy, chị đều cười. Rồi chị sinh con. Trước ngày đứa nhỏ lâm bồn, chị đã có được vài sản phẩm dành cho bà bầu, em bé. Bạn bè hay tin, người bàn ra người bàn vô, nhưng rồi thương chị, thương đứa nhỏ, ai ủng hộ gì thì ủng hộ để mẹ con chị được vuông tròn.
Mới đó mà mười năm.
Công việc trong vườn thảo mộc– cái tên chị gọi khu vườn thơm tho của mình như thế- và công việc nuôi dạy một đứa trẻ đã lấy hết thời giờ của chị. Mười năm, từ một người làm vườn đơn thuần, chị trở thành một bà chủ cửa hàng chuyên sản xuất và bán các sản phẩm điều chế từ cây cỏ trong vườn.
Đứa con gái nhỏ của chị từ bé đã hít thở không khí trong lành, được nuôi dưỡng bằng hoa trái thiên nhiên, không phải tốn một đồng đi bệnh viện. Và cũng may, con gái sống hồn nhiên, vui vẻ với đám bạn cùng xóm. Chúng cùng đi học, cùng xắn tay làm việc cùng nhau, cùng khám phá thế giới chung quanh qua sự hướng dẫn của chị. Thỉnh thoảng, có ai đó nhắc về người cũ, chị chỉ cười như một chuyện thời quá vãng.
3. Anh hẹn gặp đối tác vào một sáng cuối đông. Một năm trước, một người bạn giới thiệu tới anh một số sản phẩm dưỡng da, dưỡng tóc thuần Việt, thuần thiên nhiên, xài rất ok. Chuyến này về Việt Nam, anh vừa muốn đến tận nơi sản xuất tham quan và đặt vấn đề mua sỉ để phân phối lại, cũng vừa tiện đường đi thăm cô– Gấu của anh.
Qua lời kể của một số bạn bè cũ, anh biết cô vẫn chưa có chồng. Nhưng nhiều năm đã qua, anh cố tình liên lạc với cô, chỉ nhận được sự im lặng. Vài năm, anh lại về nước một lần, cũng không tài nào gặp lại cô. Bạn bè của cô thì nói cô vẫn sống bình an, nhưng chỉ biết tới đó.
Bạn bè của anh thì không biết tin tức hoặc biết kiểu đại khái. Lần này, vì cái tin nhắn của cô, anh quyết tâm tìm gặp người cho được. Lòng anh không nguôi nghĩ nhớ đến cuộc hẹn sắp tới với cô. Nhiều năm qua, không liên lạc được với cô, anh cũng chưa lập gia đình.
Nỗi ám ảnh về đôi mắt buồn rười rượi đầy thất vọng và sự im lặng bất chấp của cô lúc chia tay làm anh luôn ray rứt trong lòng. Anh biết, mình còn nợ cô một lời giải thích, cả một lời xin lỗi. Năm đó, nghe theo sự sắp xếp của cha, cố tình đưa anh đi nước ngoài vì mong sau này con trai sẽ sống sung sướng theo cái cách mà ông muốn. Nhưng cuộc đời và lòng người biến động khôn lường. Khi xa cách cô rồi, anh mới biết mình sai, thì đã muộn.
Xe chạy bon bon trên đường nhựa. Lâu rồi, anh chưa có về Tây Ninh. Kỳ thật thì trước đây anh cũng chỉ theo cô về chơi vài lần. Chỉ là lên tới núi Điện Bà, đi Toà thánh, loanh quanh trong cái phố cũ Gia Long chật hẹp, rồi về. Bây giờ, đường sá rộng rãi thênh thang ngoài suy nghĩ của anh. Cảnh vật cũng xa lạ không một chút nào quen thuộc. Cái thị xã nhỏ bé xưa kia, đã trở thành thành phố với những lộng lẫy sắc màu của nó.
Tài xế đột ngột chạy chậm và cho xe rẽ vào một con đường đất đỏ, theo hướng dẫn của Maps Go. Chạy thêm vài cây số bụi mờ nữa thì rẽ vào con đường trải đá xanh lạo xạo. một bên là vườn mãng cầu, một bên là ruộng mè đang rộ bông. Anh quay hỏi người bạn đang lái xe: ông có đi đúng đường không đó? Một công ty sản xuất uy tín mà sao nằm trong nơi đìu hiu này? Người bạn cười: Tôi cũng như ông thôi, lần đầu mới tới.
Thôi để tôi hỏi người ta coi sao. Xe dừng trước một khu vườn trên rào tràn đầy hoa đậu biếc. Những bụi hoa xuyến chi trắng muốt điểm nhuỵ vàng nở rộ bên ngoài được đám hoa tím biếc làm nền, tự nhiên thấy đẹp một cách rạng ngời. Thốt nhiên anh linh cảm một điều gì đó rất lạ lùng. Nơi này cho anh cái cảm giác quen lắm.
Phải. Ngày xưa, Gấu của anh nói cô rất thích hoa xuyến chi. Nó chỉ là hoa dại ven đường, trong bờ hồ, nhưng lại trong sáng một cách đáng yêu. Hơn nữa, còn chứa nhiều dược tính quý giá. Anh mở cửa xe bước xuống, vừa lúc anh bạn quay vào nói đã đến đúng nơi cần đến.
Đón khách, là cố nhân.
* * *
Tôi đã nghe kể lại chuyện này khi ngồi uống một ly trà cúc thật thơm vào một đêm rằm tháng Chạp, gió núi hù hù thổi bạt tóc, thổi những sợi lửa văng tung toé. Người bị những bông hoa xuyến chi ngoài rào làm động lòng đó đã ở lại thánh địa này, và cũng mới nghe được trong khu vườn thảo mộc thơm lừng kia, tết này đã kịp có thêm một thành viên mới.
C.G