Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ba mất sớm, mẹ đi bước nữa, ba anh em Dương Thanh Cường (13 tuổi), Dương Thanh Khang (7 tuổi), Dương Thanh An (6 tuổi) về sống cùng bà ngoại là bà Dương Thị Lành (66 tuổi) và cậu là anh Dương Thanh Tâm (SN 1986), ngụ khu phố 6, phường 3, thành phố Tây Ninh.
Hằng ngày, bà Lành dẫn hai cháu Khang và An đi bán vé số mưu sinh; còn Cường về ở với mẹ là chị Dương Thị Mỹ Hiền (SN 1990) để chăm em cho mẹ đi làm. Tuổi cao lại bị bệnh khớp nên bà không đi xa, chỉ bán xung quanh địa bàn phường và các phường lân cận. Mỗi ngày bà bán được 200 tờ vé số, lời 200 ngàn đồng, đủ để trang trải cuộc sống.
Dù được cậu con trai hỗ trợ chi phí nhà trọ nhưng cuộc sống 4 bà cháu vẫn rất bấp bênh, “ăn bữa nay, tính bữa mai”. Bà kể, các cháu không được đi học nên rất mê chơi. Có hôm bà giao vé số cho cháu Khang bán phụ nhưng cháu mê chơi làm ế vé số nhiều lần khiến bà mất vốn. Hiểu sự thiếu thốn của các cháu bà không trách mắng, chỉ dạy cháu hiểu về sự khó khăn của gia đình mình.
Mất vốn, bà Lành chạy vay mượn khắp nơi để bán lại. Mỗi ngày bà phải lấy vé nhiều lần vì không có tiền. Bà giãi bày: “Mỗi lần tôi lấy 50 vé để bán, bán hết thì dùng tiền đó lấy vé để bán tiếp. Tôi không có nhiều tiền, tuổi lại cao nên người ta không tin tưởng cho tôi thiếu tiền vé. Mỗi ngày tôi phải lấy 4, 5 lần vé mới có tiền ăn uống”.
Thăm gia đình bà Lành và các cháu vào chiều tối muộn, trong căn nhà trọ cũ chẳng có gì quý giá ngoài chiếc ti vi cũ kỹ, bà Lành và cậu cháu nhỏ tên An đang nghỉ ngơi sau một ngày dài bán vé số vất vả.
Bà Lành cũng chẳng ngơi tay, loay hoay gom mớ vé chai nhặt được khi đi bán vé số chuẩn bị đi bán để kiếm thêm tiền cho các cháu. Bà nói: “Mớ ve chai này tôi bán cũng được 40 – 50 ngàn đồng. Thương các cháu không đủ đầy như người ta nên tôi cố gắng nhặt thêm ve chai cho các cháu có thêm miếng thịt, con cá trong bữa ăn”.
Trong ba cháu ngoại, tuy nhỏ tuổi nhất nhưng An rất hiểu chuyện và thương ngoại. Hằng ngày dù mưa nắng, sớm tối An đều đi bán cùng ngoại vì sợ bà đi bán một mình buồn. Đã ngấp nghé tới tuổi đi học nhưng ba anh em Cường, Khang, An đều không được đến trường vì nhà quá nghèo lại không có giấy khai sinh vì cả gia đình bà đều mất giấy tờ khi di cư từ Campuchia về Việt Nam.
Để các cháu biết con chữ, con số, bà Lành dẫn các cháu đến lớp học tình thương trên địa bàn phường xin cho các cháu học. Bà Lành nói: “Cháu Cường và cháu Khang đều học tại lớp học này, giờ chỉ còn cháu An chưa đi học. Sang năm tôi cố gắng chuẩn bị tập sách cho cháu đi học như các anh của cháu để cháu biết đọc, biết viết. Đừng như tôi một chữ bẻ đôi cũng không biết”.
Đã 4 năm nay, 4 bà cháu cứ nương tựa sống cùng nhau như thế. Có những lúc quá vất vả, các cháu không được chăm lo đủ đầy, bà Lành cảm thấy tủi thân, buồn bã. Nhưng vì cuộc sống không cho phép bà gục ngã nên ngày ngày bà vẫn cố gắng lạc quan dẫn các cháu đi bán vé số.
Khi được hỏi ước mong của bà là gì, bà Lành cười, chỉ ước mình có thêm tiền vốn để lấy thêm vé số. “Bán thêm nhiều vé, tôi mới có thêm tiền lo cho sắp nhỏ. Đối với tôi bây giờ, tụi nhỏ chính là nguồn sống của tôi. Tôi sẽ cố gắng lo cho tụi nó đến khi nào không còn sức khoẻ thì thôi”– bà Lành tâm sự.
Ông Phạm Huy Từ - Trưởng khu phố 6, phường 3, thành phố Tây Ninh cho biết, gia đình bà Lành là hộ tạm trú tại khu phố 6. Gia đình bà Lành thuộc diện khó khăn, bà là một trường hợp đặc biệt khi không có giấy tờ tuỳ thân. Thời gian ở trọ trên địa bàn khu phố, địa phương, mạnh thường quân, các nhà hảo tâm cũng hỗ trợ, tặng quà cho gia đình bà vào các dịp lễ, tết.
Dù vậy, bà Lành vẫn còn rất nhiều khó khăn khi phải chăm lo cho 3 cháu ngoại nên rất cần sự giúp đỡ, chia sẻ của quý độc giả, mạnh thường quân, nhà hảo tâm gần xa. Mọi sự giúp đỡ, xin vui lòng liên hệ số điện thoại bà Lành – 0369.907.558 hoặc gửi về Toà soạn Báo Tây Ninh, địa chỉ: số 221, đường 30 tháng 4, phường 2, thành phố Tây Ninh; số điện thoại: 0276.3822.322.
Bé An đi bán vé số cùng bà ngoại.
Ngọc Bích