Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 26.2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương, công bố hoàn thành kế hoạch triển khai thành lập Chi cục thuế khu vực thuộc Cục thuế 63 tỉnh, thành phố.
Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Nguyễn Văn Sum- Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chủ trì hội nghị. Hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo UBND và Chi cục Thuế các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu ngân sách năm 2019 đạt 1.277.308 tỷ đồng, bằng 109,3% dự toán, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nguồn thu từ dầu thô đạt 56.251 tỷ đồng (bằng 126,1% dự toán, bằng 85,2% so với cùng kỳ); thu nội địa trừ dầu đạt 1.221.057 tỷ đồng (bằng 108,7% dự toán, tăng 12,9% so với thực hiện năm 2018). Cả 63/63 Cục thuế địa phương đều hoàn thành và vượt mức dự toán được giao.
Trong Báo cáo môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố, chỉ số nộp thuế tăng 22 bậc đã đưa Việt Nam từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá. Mức độ hài lòng của người nộp thuế tăng từ 75% năm 2016 lên 78% năm 2019, tăng 3 điểm % (theo khảo sát, đánh giá của Phòng TM&CN Việt Nam - VCCI).
Về việc hợp nhất các chi cục thuế để thành lập các chi cục thuế khu vực trực thuộc Cục thuế tỉnh, thành phố, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, từ cuối năm 2018 đến nay, Bộ Tài chính đã ký ban hành 111 Quyết định thành lập chi cục thuế khu vực trực thuộc 63 cục thuế tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó sắp xếp hợp nhất 565 lượt chi cục thuế để thành lập 267 chi cục thuế khu vực, giảm 296 chi cục thuế (tương ứng giảm 296 lãnh đạo cấp chi cục trưởng).
Giảm số lượng chi cục thuế trong cả nước từ 711 chi cục thuế xuống còn 415 chi cục thuế, đạt 102% kế hoạch về số lượng và vượt thời gian trước 10 tháng theo Quyết định số 41/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 520/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Tính từ năm 2015, tổng số biên chế ngành Thuế là 43.438 biên chế, đến 31.12.2019 đã giảm xuống còn 39.122 biên chế.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao thành công bước đầu của ngành tài chính nói chung, ngành thuế nói riêng trong thời gian qua, đặc biệt là sự quyết tâm của ngành thuế trong việc hợp nhất các chi cục.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập, hạn chế của ngành tài chính, ngành thuế trong thời gian qua. Đồng thời đề nghị các ngành phải kịp thời chấn chỉnh, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thông thoáng cho DN, tránh tình trạng phức tạp, khó khăn trong việc thu thuế đối với DN, giảm nợ đọng thuế, trốn thuế,…
Thủ tướng yêu cầu toàn ngành tập trung, phấn đấu quyết liệt để hoàn thành vượt 5% nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 đã được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao là 1.254.300 tỷ đồng, trong đó dầu thô 35.200 tỷ đồng và thu nội địa 1.219.100 tỷ đồng.
Triển khai tốt nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành của Chính phủ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2020.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016-2020 đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt; rà soát, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính thuế theo yêu cầu của Nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí.
Đề cập đến tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới toàn cầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Thuế phải thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa chống dịch, vừa làm nhiệm vụ để tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, cần phải tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh để phát triển, trong đó có hoãn, giảm thuế đối với DN trong tình hình dịch bệnh hiện nay để giúp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn.
Đối với các giải pháp của ngành, Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế. Rà soát, xác định các nguồn thu tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về thuế.
Thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp để lắng nghe ý kiến người nộp thuế, tập huấn chính sách thuế mới, giao lưu trực tuyến nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu lực quản lý thuế. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2020, tăng cường đấu tranh chống các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế, xử lý nghiêm minh đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về thuế.
Tiếp tục triển khai Đề án “Dịch vụ một cửa điện tử và hỗ trợ trực tuyến tập trung tại Tổng cục Thuế”; Đẩy mạnh công tác xã hội hoá hoạt động hỗ trợ người nộp thuế thuế, đẩy mạnh việc phát triển hệ thống đại lý thuế. Triển khai khảo sát đánh giá hài lòng của doanh nghiệp với cơ quan thuế.
Tăng cường công tác cải cách hành chính thuế năm 2020, triển khai trên diện rộng việc sử dụng hóa đơn điện tử; khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử. Tiếp tục triển khai các đề án về dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4; phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện việc tinh giản bộ máy ngành thuế trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Năm 2020, ngành Thuế phấn đấu vượt thu ngân sách năm 2020 tối thiểu 3% dự toán.
Tâm Giang