Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao
Thứ hai: 01:30 ngày 13/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề: “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao" sáng 12/5, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh cần xây dựng mục tiêu và lộ trình thích hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.

Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề: “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao" diễn ra trong một buổi sáng ngày 12/5. Tham dự Hội thảo có gần 300 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý.

Hội thảo đã nghe Báo cáo đề dẫn của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Báo cáo trung tâm về tình hình thực hiện chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao của đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các tham luận của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các địa phương về những giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách hợp tác công – tư trong quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao tại các đơn vị sự nghiệp thể thao; một số vấn đề về huy động nguồn lực xã hội trong sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao; Công tác xã hội hóa trong xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa tại địa phương; Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa cho công nhân, viên chức, người lao động...

Các chuyên gia, diễn giả tập trung bàn về thực trạng quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao. 

Trong phần thảo luận, các chuyên gia, diễn giả tập trung bàn về thực trạng quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao và thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hoá, thể thao...

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp Chính phủ đánh giá, xác định các vấn đề cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực, đưa văn hoá trở thành động lực, “kinh tế hoá hoá văn hoá thông qua phát triển các di sản, sản phẩm văn hoá, du lịch”.

Đồng tình với các ý kiến, tham luận tại hội thảo về thực trạng của các thiết chế văn hoá, thể thao, nhất là những tồn tại nguyên nhân, đề xuất giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục thể chế hoá, cụ thể hoá chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về văn hoá, thể thao; đồng thời tiếp tục làm rõ nội hàm khái niệm thiết chế văn hoá, thể thao như các cơ sở vật chất, tổ chức, cơ chế chính sách đi kèm thể hiện vai trò của nhà nước.

Theo Phó Thủ tướng, thiết chế văn hoá, thể thao phải được coi là một bộ phận hết sức quan trọng của thiết chế liên quan đến hạ tầng xã hội nên cần các bộ tiêu chí đánh giá, xác định để đưa vào quy hoạch ở cấp độ quốc gia, vùng, địa phương, cơ sở. Phó Thủ tướng cho rằng cần có một “bộ luật” liên quan đến lĩnh vực thiết chế văn hoá, thể thao. Trong đó, nhà nước giữ vai trò chủ đạo tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như chương trình mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hoá con người Việt Nam, đồng thời thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, xã hội vào xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành rất quan tâm đến phát triển thiết chế văn hoá, thể thao.

Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, Hội thảo ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao. Trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa; tạo hành lang pháp lý cho thiết chế văn hóa, thể thao được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động.

Hiện nay, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được trình cấp có thẩm quyền ban hành. Trên cơ sở các văn bản của trung ương, các địa phương ban hành Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao theo các giai đoạn cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Nhiều quy hoạch có liên quan tiếp tục được rà soát, bổ sung, tích hợp trong hệ thống quy hoạch của ngành văn hóa, thể thao, các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo. 

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, phát triển, hình thành mạng lưới từ trung ương tới cơ sở. Các thiết chế văn hóa, thể thao ở trung ương khá đa dạng về loại hình; một số có quy mô lớn, chất lượng cao, hiện đại. Một số thiết chế đã đạt được mục tiêu đặt ra tại quy hoạch chuyên ngành. Tỷ lệ tỉnh, huyện, xã, thôn (bản) có đầy đủ loại hình thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được nâng lên. Các thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập từng bước được đầu tư xây dựng.

Mô hình quản lý khá đa dạng: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư quản lý. Nhìn chung, hoạt động đã bám sát chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật; cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và các nhiệm vụ chính trị. Các chính sách của Nhà nước đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư rất nhiều cho các thiết văn hóa, thể thao. Một số thiết chế ngoài công lập đã đạt hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, thể thao ngày càng phong phú của người dân.

Ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao chủ yếu thông qua các Chương trình bổ sung có mục tiêu, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các thiết chế văn hóa, thể thao thực hiện theo quy định và đạt được một số kết quả tích cực.

Tổ chức bộ máy, biên chế của các đơn vị quản lý thiết chế văn hóa, thể thao công lập tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Chính phủ, chủ động thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, huyện, xã cũng đã sắp xếp lại theo hướng trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý trực tiếp. Mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực tăng cả về số lượng và quy mô; đa dạng về hình thức tổ chức.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thế thao, Hội thảo cũng nêu rõ những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các vấn đề liên quan đến chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Hội thảo.

Để hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động tối đa các nguồn lực phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, hội thảo đã tập trung vào 05 nhóm vấn đề. Trong đó, về hoàn thiện thể chế, chính sách, cần xây dựng mục tiêu và lộ trình thích hợp để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật quy định về thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi. Rà soát các văn bản pháp luật, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để làm rõ khái niệm và nội hàm “thiết chế văn hóa, thể thao”, “cơ sở văn hóa, thể thao” làm cơ sở để xây dựng và áp dụng các chính sách đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và thuận tiện trong việc xây dựng, tích hợp quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao trong cả nước. Nghiên cứu hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, bao gồm chính sách đầu tư công, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và chính sách xã hội hóa; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là về đất đai, thuế, vốn tín dụng trong việc xây dựng các cơ sở văn hóa, thể dục thể thao để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.

Về quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao:  Hoàn thiện quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hiệu quả, bảo đảm công bằng và đáp ứng nhu cầu của Nhân dân; bố trí quỹ đất cho các thiết chế văn hóa, thể thao tại vị trí thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế; quan tâm xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao cho thanh niên, trẻ em, người lao động, người khuyết tật, người cao tuổi. Bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trong chiến lược, quy hoạch, đề án liên quan đến thiết chế văn hóa, thể thao.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn; đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức hoạt động tiêu biểu, phù hợp với vùng miền, đối tượng, lứa tuổi. Xây dựng chính sách ưu tiên ở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đối với tài sản công nói chung và tài sản công ở thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng.

Ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, mục tiêu cụ thể. Tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa nói chung, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng. Thúc đẩy hoạt động liên kết trong việc sử dụng cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư. Coi trọng và thực hiện xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; huy động nguồn lực tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chí, điều kiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, bảo đảm tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Nghiên cứu, sửa đổi chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên tham gia hoạt động các loại hình nghệ thuật truyền thống. Thực hiện quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao./.

Nguồn ĐCSVN

Tin cùng chuyên mục