Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn còn nhiều hạn chế
Thứ bảy: 06:06 ngày 01/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cho đến nay, hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh hầu hết mang tính tự phát, có quy mô nhỏ, chủ yếu là lao động thủ công và sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu. Hoạt động này cũng thiếu tính liên kết và hợp tác trong sản xuất, còn hạn chế về nguồn vốn.

Xếp mạ lên khay cho máy cấy lúa ở xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng- ảnh: Thien Nguyen Minh

UBND tỉnh vừa tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) 6 tháng đầu năm 2018, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.  Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Thực hiện phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, tính đến cuối tháng 6.2018, người dân trong tỉnh đóng góp được 7.685 ngày công lao động; hiến 21.642m2 đất làm đường giao thông nông thôn; duy tu sửa chữa 18 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 27km; gắn 2.000 bóng đèn trong chương trình thắp sáng đường quê… Tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM đạt 135,5 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có 26 xã đạt đủ 19/19 tiêu chí, 13 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 33 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí và 8 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 3.200 ha đất trồng cây kém hiệu quả (cao su, mì, mía, lúa) sang trồng các loại cây ăn trái có tiềm năng, có giá trị kinh tế cao như nhãn, sầu riêng, mãng cầu, bưởi, mít, cam, quýt, dứa... Tỉnh cũng tiếp tục triển khai xây dựng cánh đồng lớn trên cây lúa, mía, rau, cây ăn trái. Riêng đối với rau và cây ăn trái, đến nay, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ thành lập 58 tổ liên kết sản xuất gắn với chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ.

Thời gian qua, toàn tỉnh đã thu hút được 57 dự án đầu tư vào nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản với tổng vốn đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp đang đề xuất UBND xem xét thành lập 18 vùng phát triển cơ cấu lại nông nghiệp và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 17.000 ha. Trong đó, ngành Nông nghiệp đề nghị công nhận 4 vùng cơ bản đạt tiêu chí quy định và đề xuất quy hoạch 14 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện ngành Nông nghiệp đã xây dựng lộ trình đầu tư hạ tầng gắn với phát triển vùng, trình diễn các mô hình chuyển đổi bước đầu như nhãn, sầu riêng, dứa... Ngành cũng đang rà soát 5 điểm đất công với diện tích 114 ha để xây dựng tiêu chí mời gọi đầu tư thực hiện dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp, 6 tháng qua, tỉnh đã cấp chủ trương 10 dự án với kinh phí trên 125 tỷ đồng, gồm: chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn; chính sách đặc thù khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Tỉnh cũng đã đẩy mạnh đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Nhìn chung, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM từ đầu năm đến nay được triển khai đúng theo kế hoạch. Tỉnh tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, triển khai 40 mô hình theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống người dân. Toàn tỉnh hiện có 95/95 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 2 (tỷ lệ 100%), tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 79,3% dân số.

Dù vậy, quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong khi nông sản truyền thống có giá bán thấp thì việc chuyển đổi tiêu thụ nông sản mới vẫn còn bấp bênh; liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ và thị trường chậm phát triển. Một số mô hình vùng nguyên liệu cần có thêm thời gian để đánh giá đầy đủ, chính xác hiệu quả kinh tế nên chưa thể nhân rộng. Dịch bệnh khảm lá mì hoành hành chưa được ngăn chặn hiệu quả gây thiệt hại nặng nề cho nông dân và nền kinh tế.

Mặt khác, cho đến nay, hoạt động sản xuất ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh hầu hết mang tính tự phát, có quy mô nhỏ, chủ yếu là lao động thủ công và sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu. Hoạt động này cũng thiếu tính liên kết và hợp tác trong sản xuất, còn hạn chế về nguồn vốn. Ðồng thời, sản phẩm hàng hoá ngành nghề nông thôn phần lớn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu; chất lượng sản phẩm chưa ổn định; sức cạnh tranh còn hạn chế và chưa gắn kết với du lịch...

Trồng rau sạch- ảnh: Lê Văn Hải

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và lãnh đạo các huyện có sự phối hợp chặt chẽ để hoàn thành mục tiêu xây dựng các xã đạt chuẩn NTM trong năm 2018 theo kế hoạch. Trên cơ sở dự thảo quy định Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao và các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Thường trực Ban chỉ đạo cùng với các sở, ban, ngành và các huyện tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp thực hiện các chỉ tiêu trong bộ tiêu chí nâng cao giai đoạn 2018-2020.

Hoàng Thi - Minh Dương

Tin cùng chuyên mục