Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Câu chuyện cuối tuần
Học để làm gì ?
Thứ sáu: 15:25 ngày 07/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hình như có sự liên quan nào đó giữa Ngày Bình dân học vụ (BDHV) của Việt Nam (8.9.1945) và Ngày Thế giới chống mù chữ (TGCMC) ngày 8.9.1966 phải hôn ông - chẳng hạn như trùng ngày, trùng tháng (8.9)?

- Ðó là sự trùng hợp ngẫu nhiên… thú vị thôi, chứ không có sự liên quan nào đâu! Ngày BDHV Việt Nam ta xuất hiện trước Ngày TGCMC những 21 năm; mà năm 1966, nước ta còn kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, mặt khác, lúc đấy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chưa được gia nhập Tổ chức UNESCO cũng như chưa được kết nạp vào Liên Hiệp Quốc, cho nên theo tui nghĩ, chắc là không có sự liên quan nào giữa hai ngày ấy đâu.

- Thế mới thấy tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi trước thời đại hàng mấy chục năm. Ngay từ năm 1945, Người đã khởi xướng phong trào BDHV, mãi 21 năm sau, UNESCO mới có Ngày Quốc tế biết chữ, đấy là mốc son lịch sử rất đáng tự hào!

- Nói không sai, nhưng xin đừng mê mải “ăn mày dĩ vãng”, hãy nhìn thẳng vào thực tế coi nền giáo dục - đào tạo (GDÐT) của nước ta so mặt bằng chung thế giới hiện nay ra sao.

- Người thì nói nền GDÐT nước nhà đã phát triển, có thể sánh vai các nền giáo dục tiên tiến khắp năm châu, nhưng cũng có người xét nét “còn tụt hậu xa lắm” lại tiềm ẩn nhiều tiêu cực và nguy cơ “thương mại hoá” học đường. Chủ kiến tui là không so sánh, vì “mọi sự so sánh đều khập khiễng”!

- Không so sánh, đối chiếu làm sao đánh giá?

- Có đấy! Cách làm là… tui liên hệ, tự phê bình theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thí dụ, Bác từng chỉ bảo ân cần: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”.

Hãy xem, một bộ phận không nhỏ học sinh tốt nghiệp cấp 3 (thậm chí là đại học) rồi mà vào đời cứ lóng nga lóng ngóng, chả biết mình có thể làm gì… thì có thể đánh giá sách giáo khoa, chương trình dạy và học của nước ta thế nào?!

- Cũng có ý tưởng đấy. Bắt chước ông, tui liên hệ lời dạy của Bác “Học để làm Người” (chữ Người, Bác viết hoa). Hãy nhìn khía cạnh trật tự, an ninh xã hội, những bản tin về “người tốt, việc tốt” chìm hẳn đi dưới những bản tin “cướp của, giết người, lừa đảo, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán vận chuyển ma tuý, hàng quốc cấm, làm hàng nhái, hàng giả, giật hụi, quỵt nợ, lừa gạt tình cảm, ly thân, ly hôn, tự tàn sát gia đình mình rồi tự tử, coi thường luật pháp nhà nước, gây rối loạn giao thông, trật tự trị an…”.

Còn chốn “quan trường” thì sao? Mười bốn phiên họp Ban Chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng đã công khai, minh bạch cả rồi, xin không nhắc lại thêm tốn thời gian của ông.

-Có người đổ lỗi tại báo chí nó “thương mại hoá” nên tin tức “người xấu, việc xấu” mới tràn lan, nhưng khách quan mà xét “không có lửa làm sao có khói”, tại chúng ta chưa giáo dục những “sinh vật xã hội” (vừa nói ở trên) thành “Người” (theo tư tưởng Hồ Chí Minh) nên sự thể mới ra thế, phải hôn ông?

- Ðúng vậy ông ạ! “Học để làm gì” là vấn đề trọng tâm muôn thuở của hoạt động giáo dục. Trong ngành GDÐT đương đại chắc ai cũng biết UNESCO đã xây dựng 4 trụ cột cho việc học và đó cũng là định hướng GDÐT của nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba: “Học để biết, học để làm, học để xác lập bản thân và học để chung sống với người khác (learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together)”.

“Học để biết” mà biến tướng thành “Học để thi”, “Học để xác lập bản thân” mà biến dạng thành “Học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm” là “hỏng”, hỏng ngay từ “bước xuất phát” trên đường chạy “thi đua GDÐT thế giới” đấy ông ạ!

THIÊN HẠ

Tin cùng chuyên mục