Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chương trình giáo dục phổ thông mới:
Học đi đôi với hành
Thứ tư: 08:24 ngày 26/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chương trình mới đòi hỏi một phương pháp giáo dục thích hợp - đó là phương pháp tổ chức các hoạt động. Học sinh tiếp thu kiến thức thông qua hoạt động. Giáo viên chuyển từ vai trò người dạy sang người thiết kế, cố vấn, huấn luyện, hướng dẫn học sinh tìm tòi, sáng tạo, cách sử dụng SGK... để tạo ra môi trường học tập.

Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Phước Ninh B. Ảnh: Phương Thuý

Chỉ còn hơn một tuần nữa năm học 2020-2021 bắt đầu, cả nước sẽ thực hiện dạy học theo chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới ở lớp 1. Mọi công việc đã chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng. Các chuyên gia giáo dục cho rằng các địa phương, các cấp quản lý giáo dục, giáo viên và cả phụ huynh cần nắm vững những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) và SGK mới, chung sức thực hiện có hiệu quả ngay từ lớp 1, tạo tiền đề cho những năm sau.

Những điểm mới, then chốt của chương trình và SGK mới

Chương trình chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn cơ bản (lớp 1-9); giai đoạn định hướng nghề nghiệp (lớp 10-12). Chương trình bao gồm hệ thống các môn học và hoạt động giáo dục (HĐGD) bắt buộc và tự chọn. Thời gian thực học là 35 tuần/năm, có thể tổ chức dạy học 1 buổi hoặc 2 buổi/ngày. 

Dù một hay 2 buổi đều phải thực hiện nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất đối với tất cả các cơ sở giáo dục trong cả nước. Các môn học và HĐGD áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức hướng dẫn hoạt động, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để học sinh tích cực tham gia, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học...

Các hoạt động học tập, giáo dục được tổ chức cả trong và ngoài nhà trường thông qua các hình thức: học lý thuyết, làm bài tập, thí nghiệm, tổ chức trò chơi, hội thảo, tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, hoạt động phục vụ cộng đồng...

Mục tiêu đánh giá kết quả là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ cần đạt và sự tiến bộ của học sinh. Căn cứ đánh giá là những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và từng môn học, HĐGD.

Phạm vi đánh giá bao gồm các môn học, HĐGD bắt buộc và tự chọn. Đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh. Kết quả giáo dục được đánh giá bằng các hình thức định lượng, định tính thường xuyên và định kỳ ở cơ sở giáo dục.

Đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học, HĐGD kết hợp với đánh giá của các giáo viên khác, của phụ huynh và của các học sinh khác đối với học sinh được đánh giá. Phương thức đánh giá bảo đảm độ tin cậy, khách quan phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học, không gây áp lực đối với học sinh, hạn chế tốn kém cho gia đình và ngân sách Nhà nước...

Dựa vào Chương trình GDPT mới, ngành Giáo dục đã cho xây dựng nhiều bộ SGK. Hiện lớp 1 có 5 bộ sách: Cánh diều; Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Tại Tây Ninh, hơn 90% các cơ sở giáo dục có cấp tiểu học đã chọn bộ SGK lớp 1 Cánh diều phục vụ cho năm học 2020-2021.

Lộ trình thực hiện thay SGK là từ năm học 2020-2021: lớp 1; 2021-2022: lớp 2 và lớp 6; 2022-2023: lớp 3, lớp 7 và lớp 10; 2023-2024: lớp 4, lớp 8 và lớp 11; 2024-2025: lớp 5, lớp 9 và lớp 12. SGK được biên soạn theo hướng xã hội hoá bằng việc huy động các nguồn lực của tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào công tác giáo dục, xoá độc quyền, tạo sự cạnh tranh lành mạnh để giáo viên và học sinh có được những bộ sách tốt nhất.

Sách phục vụ đổi mới về nội dung và hình thức theo định hướng phát triển năng lực, thể hiện ở việc tăng cường kênh hình, hình ảnh hoá nội dung, minh hoạ phong phú, hấp dẫn. Nội dung bài học được thiết kế dưới dạng các hoạt động bắt đầu bằng những câu lệnh yêu cầu học sinh thực hiện, nhờ đó học sinh có thể sử dụng để tự học, phụ huynh có thể giúp con em mình học tập ở nhà, giáo viên thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động dạy học...

Cách thiết kế nội dung dạy học có tính tích hợp, phù hợp với thực tiễn, lồng ghép, tích hợp nội dung liên môn và phương pháp dạy học hiện đại. SGK mới được xuất bản theo hướng tiệm cận xu thế phổ biến trên thế giới, đáp ứng nhu cầu của học sinh trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, có hình thức trình bày và tranh ảnh sinh động hấp dẫn, khiến học sinh thích thú với việc học và từng bước khám phá bài học.

Sách giáo khoa không còn là pháp lệnh

Với Chương trình GDPT mới, SGK không còn là “pháp lệnh”, là duy nhất, thể hiện sự đồng nhất trên toàn quốc. Đây là điều đặc biệt quan trọng mà giáo viên cần quán triệt khi dạy học theo chương trình, SGK mới. Giáo viên luôn dùng chương trình làm kim chỉ nam cho quá trình sử dụng SGK.

Đó cũng chính là tinh thần đổi mới của giáo dục lần này. Đối với chương trình giáo dục hiện hành theo định hướng nội dung, SGK là “pháp lệnh”, việc dạy học chủ yếu trả lời cho câu hỏi: học xong học sinh biết được những gì? Vì thế khi dạy, giáo viên phải bám vào sách.

SGK và chuẩn kiến thức như là cẩm nang cho mọi giáo viên. Nhiệm vụ của họ là truyền thụ, cung cấp kiến thức cho học sinh càng nhiều, càng đầy đủ càng tốt. Đó cũng là cơ sở để đánh giá chất lượng giờ dạy và tay nghề của từng người. Vai trò của giáo viên ở trên lớp là vai trò người dạy, người truyền thụ khiến họ luôn bị động, phụ thuộc, mất đi sự sáng tạo.

Còn chương trình mới theo định hướng năng lực, tập trung trả lời cho câu hỏi: học xong học sinh làm được gì? Chương trình thể hiện các nguyên lý giáo dục: Học đi đôi với hành; Lý luận gắn liền với thực tiễn; Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội... theo tinh thần “thực học, thực nghiệp”.

Chương trình mới đòi hỏi một phương pháp giáo dục thích hợp - đó là phương pháp tổ chức các hoạt động. Học sinh tiếp thu kiến thức thông qua hoạt động. Giáo viên chuyển từ vai trò người dạy sang người thiết kế, cố vấn, huấn luyện, hướng dẫn học sinh tìm tòi, sáng tạo, cách sử dụng SGK... để tạo ra môi trường học tập.

Người thầy là cố vấn cho học sinh học tập và phát triển toàn diện để trở thành công dân cân đối, công dân toàn cầu mang bản sắc Việt Nam. Ở trên lớp, giáo viên nêu vấn đề, giao nhiệm vụ, tổ chức cho học sinh trao đổi, thảo luận, tranh luận... Giáo viên có thể tham gia cùng với học sinh nêu lên những nhận xét, đánh giá khi thấy cần thiết.

Riêng đối với học sinh lớp 1, hoạt động tư duy đòi hỏi phải kết hợp với các hoạt động bên ngoài, hoạt động chân tay, quan sát, tương tác với bạn bè và thầy cô. Yêu cầu đặt ra đối với giáo viên là bám sát chương trình mà quan trọng nhất là bám sát yêu cầu cần đạt về năng lực, phẩm chất người học.

SGK được chọn sẽ là hạt nhân của tài liệu dạy học, ngoài ra còn cần nhiều tài liệu tham khảo khác, trong đó có cả những bộ SGK đã được Bộ phê duyệt để hỗ trợ cho việc dạy học. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, giáo viên cần trang bị thật tốt kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm, cùng các kỹ năng mềm khác như kỹ năng thuộc về năng lực chuyên môn đặc thù của môn học; kỹ năng nghiệp vụ như soạn bài (xác định mục tiêu, lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức dạy học...), xây dựng đề kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh; kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tự học... để thật sự tự tin trong quá trình dạy học.

Trong giờ học (Ảnh: Đ.V.T)

Cần sự quan tâm và chung sức của toàn xã hội

Phụ huynh cần có sự thay đổi và hỗ trợ đắc lực hơn cho việc dạy học của nhà trường và giáo viên. Cần tìm hiểu để có được những hiểu biết cơ bản về chương trình, SGK và phương pháp dạy học mới để giúp đỡ việc học tập của con cái ở nhà; ủng hộ sự đổi mới, sáng tạo của giáo viên, không vì điểm số mà tạo ra những áp lực không đáng có đối với con em mình và thầy cô giáo, đặt niềm tin vào nhà trường và đội ngũ giáo viên.

Và nhân tố có ý nghĩa quan trọng, quyết định chính là giáo viên. Việc chuyển từ dạy học theo nội dung sang dạy học theo phát triển năng lực, phẩm chất học sinh là cơ hội để giáo viên soi lại mình. Hiện nay, đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập nghề nghiệp, nhiều người không được đào tạo chính quy về tay nghề, năng lực, chưa đủ để dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Vì thế, mỗi người cần tự học, tự rèn, khiêm tốn học hỏi, tiếp thu những ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, lãnh đạo, không đổ lỗi cho nhà trường, đồng nghiệp, học sinh và cha mẹ học sinh. Cần phải thấy rằng những gì thu nhận được qua các đợt tập huấn, bồi dưỡng là chưa đủ.

Để giúp người học phát triển phẩm chất, năng lực nhất định giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học. Trong dạy học cần phải tạo được môi trường để các em trải nghiệm, sáng tạo, qua đó trang bị kiến thức, hình thành và phát triển kỹ năng theo hướng phát triển học sinh thành những con người trung thực, nhân văn, tự chủ và tự tin.

Năm học mới đang đến gần, ngành Giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề cấp bách, trong đó có yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo được mở đầu bằng việc dạy học theo chương trình, SGK mới ở lớp 1.

Nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta tin rằng với quyết tâm của toàn ngành, sự hỗ trợ, đồng hành của toàn xã hội, với lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm, đội ngũ giáo viên sẽ nỗ lực vượt lên chính mình, nắm vững những điểm mới, vận dụng có hiệu quả phương pháp dạy học thực hiện tốt chương trình, SGK mới ngay từ năm đầu, tạo tiền đề tốt đẹp cho những năm tiếp theo.   

D.M

 

Tin cùng chuyên mục