Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực- làm sao ngăn chặn?
Chủ nhật: 18:12 ngày 27/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vào đầu tháng 9, trên mạng Facebook xôn xao vụ hai nữ sinh tụ tập ở khu vực nội ô Toà Thánh để đánh nhau trong sự reo hò, cổ vũ, kích động từ những người xung quanh.

Sự việc nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Đa số các ý kiến bày tỏ bức xúc trước hành động đánh nhau của các nữ sinh ngay tại khu vực tôn nghiêm.   

Theo thông tin từ ông Đặng Văn Phúc – Đội trưởng Đội cứu nạn giao thông Tây Ninh cung cấp, 2 nữ sinh nói trên hiện đang là học sinh cấp 2 trên địa bàn huyện Hoà Thành. Sau khi sự việc xảy ra, ông Phúc cùng Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đến nhà của nữ sinh nói trên để tìm hiểu.

Sau khi tiếp xúc, mọi người đã phân tích mặt đúng – sai, hậu quả của hành vi bạo lực cho nữ sinh hiểu. Ngay sau đó, em nữ sinh này đã đến tận nhà người bạn bị đánh để xin lỗi, hứa không tái phạm.   

Thông qua diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp để giáo dục học sinh nói không với bạo lực học đường.

Vụ việc trên chưa kịp lắng xuống thì vài ngày sau, cũng trong khu vực Toà Thánh tiếp tục xảy ra vụ việc hai nữ sinh cấp 2 khác tụ tập đánh nhau. Tuy nhiên, do có nhiều người quay clip phát trực tiếp trên Facebook, sợ nhà trường phát hiện, hai bên đã tự động giải tán.

Đại diện Ban Trật tự nội ô Toà Thánh cho biết, một số trường hợp vào khu vực Toà Thánh để tụ tập đánh nhau thường là học sinh ở các địa phương khác. Các em thường chọn những địa điểm vắng người qua lại như khu vực cửa số 6, 7, 8 để gây gổ, đánh nhau. Ngay khi tiếp nhận thông tin của người dân, Ban Trật tự nội ô chủ động cử người đến giải quyết, khuyên răn, vận động các em không tụ tập đánh nhau.

Để đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực, mỗi ngày, Ban Trật tự Nội ô có phân công các lực lượng trực, tuần tra tại các cửa ra vào để kịp thời phát hiện, giải tán các đối tượng tụ tập đông người có biểu hiện đánh nhau. 

Ông Đặng Văn Phúc chia sẻ, tình trạng học sinh đánh nhau ngày càng nhiều, không chỉ nam sinh mà còn có nữ sinh. Các vụ đánh nhau, giải quyết mâu thuẫn chủ yếu xảy ra ở học sinh cấp 2, cấp 3. Ở độ tuổi này, giai đoạn phát triển tâm lý của các em phức tạp, có nhiều thay đổi, nhạy cảm với cuộc sống. Một số em sẵn sàng dùng bạo lực để thể hiện phong cách, khẳng định bản thân. Hiện nay, hình phạt của nhà trường và xã hội chưa đủ sức răn đe và cảnh tỉnh học sinh khiến những vụ đánh nhau xuất hiện ngày càng nhiều. 

Để tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến những vụ đánh nhau, chúng tôi có buổi gặp mặt với một số em học sinh cấp 2, cấp 3 trên địa bàn TP.Tây Ninh. Theo các em, nhiều vụ đánh nhau chỉ vì những lỷ do hết sức nhỏ như bình luận trên Facebook, bạn bè khiêu khích, hành động không vừa mắt… Mức độ mâu thuẫn có thể tăng dần, từ chửi mắng nhau đến chặn đường, túm tóc, xé quần áo giữa đám đông và cao hơn nữa là sử dụng “vũ khí” như giày dép, cặp sách, gạch đá. Hầu hết những bạn tham gia vào các vụ đánh nhau đều không nghĩ đến hậu quả, chỉ làm theo cảm xúc bộc phát.  

Thời gian gần đây, các cấp, ngành ngày càng quan tâm đến công tác phòng chống bạo lực trong học đường, hạn chế tình trạng học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Nhiều trường học xây dựng các diễn đàn phòng chống bạo lực mang thông điệp rõ ràng, tác động tích cực đến học sinh. Tại diễn đàn, các em được trao đổi, bày tỏ ý kiến xoay quanh thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của hành vi bạo lực; giải pháp hạn chế, cách xử lý tình huống khi bị bạo lực học đường…

Có mặt tại diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường của Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh, chúng tôi được nghe các bạn học sinh, sinh viên chia sẻ suy nghĩ, ý kiến xoay quanh tình trạng học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Qua đó, mọi người cùng đưa ra cách giải quyết cho các tình huống dễ phát sinh mâu thuẫn như bị bạn bè chọc ghẹo, khi bị đe dọa dùng vũ lực, khi bị đánh đập…        

Đại diện đoàn trường Cao đẳng Nghề cho biết, việc học sinh sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn xuất hiện ngày càng nhiều. Một trong những giải pháp đang được Trường Cao đẳng Nghề định hướng cho học sinh, sinh viên thực hiện chính là xây dựng tình bạn đẹp. Đây là giải pháp giúp học sinh nhận thức rõ giá trị của tình bạn, hình thành lối sống văn hóa, trách nhiệm trong các mối quan hệ, từ đó hạn chế việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Ông Phạm Hồng Thái- Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thị Trấn (huyện Châu Thành) cho biết, các em học sinh chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, nhân cách, lối sống và chưa có đủ kỹ năng để ứng phó, giải quyết tình huống xảy ra. Nhiều trường hợp học sinh đánh nhau chỉ vì hiểu lầm.

Trước thực trạng đó, Ban Giám hiệu trường THCS Thị Trấn Châu Thành đã chủ động tiếp cận, trao đổi thông tin với gia đình, phụ huynh, chính quyền địa phương để có thể nắm bắt tình hình của học sinh.  Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm nắm chắc diễn biến tâm tư, tình cảm của học sinh để có biện pháp xử lý kịp thời khi các em có biểu hiện tiêu cực hay bạo lực. Nhà trường cũng chú trọng trong việc giảng dạy kỹ năng sống, trang bị nhận thức đúng đắn cho học sinh về hành động đẹp, tăng cường tinh thần trách nhiệm, ý thức đấu tranh, đẩy lùi bạo lực học đường.

Trong năm học mới, Trường THCS Thị Trấn đã lắp đặt hệ thống camera trong và ngoài cổng trường. Việc lắp đặt camera có thể quan sát được hoạt động học tập, vui chơi của học sinh, giáo viên, qua đó hạn chế thấp nhất tình trạng gây gổ, đánh nhau xảy ra trong và ngoài cổng trường.   

Trong khuôn viên trường, đơn vị có thành lập đội cờ đỏ, khi phát hiện những hành vi mâu thuẫn, có dấu hiệu đánh nhau sẽ lập tức thông báo cho nhà trường để kịp thời xử lý. Riêng đối với trường hợp học sinh tụ tập bên ngoài đánh nhau, khi bị lực lượng Công an phát hiện sẽ gửi thông báo về nhà trường. Căn cứ vào mức độ sự việc, hậu quả, nhà trường sẽ có hướng xử lý đối với các em cố tình vi phạm và thông báo về cho gia đình.

Để giảm thiểu tình trạng học sinh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực,rất cần sự quan tâm từ phía xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước. Học sinh phải được sống trong môi trường lành mạnh, ngăn chặn các tác hại từ game, bạo lực trên internet và văn hóa phẩm đồi trụy. Nhà trường và gia đình nên phối hợp chặt chẽ để theo dõi, quản lý, kịp thời ngăn chặn những hành vi sai lệch của trẻ.

Thiên Di-Phương Thảo

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục