Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Học sinh lớp 1, lớp 2 làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp: Khó khả thi
Thứ hai: 18:37 ngày 13/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 13.12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Công văn số 5766/BGDĐT-GDTT về việc “Hướng dẫn tổ chức dạy học, đánh giá học sinh tiểu học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ứng phó dịch Covid-19”. Công văn này hướng dẫn việc kiểm tra đánh giá học sinh phù hợp với hình thức tổ chức dạy học ứng phó với dịch Covid-19, khi thời điểm kiểm tra cuối học kỳ 1 của các cơ sở giáo dục phổ thông đã tới gần.

Học sinh tiểu học tham gia học trực tuyến.

HỌC SINH LỚP 1, 2 LÀM BÀI KIỂM TRA ĐỊNH KỲ TẠI TRƯỜNG

Công văn nêu, việc kiểm tra, đánh giá học sinh được thực hiện theo quy định hiện hành, bảo đảm đánh giá đúng chất lượng học tập của người học, linh hoạt trong tổ chức thực hiện khi ứng phó với dịch Covid-19.

Trong công văn, Bộ GD&ĐT nêu: “Đa dạng hình thức đánh giá thường xuyên”, theo tinh thần này, đối với hình thức học tập qua truyền hình, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường, giáo viên thực hiện giao nhiệm vụ học tập thông qua các hình thức linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế.

Thầy cô hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học, tự hoàn thành nhiệm vụ học tập gắn với nội dung dạy học trên truyền hình, tổ chức thực hiện phiếu học tập để hướng dẫn học sinh tự học, hoàn thành nhiệm vụ học tập theo yêu cầu cần đạt của từng môn học và hoạt động giáo dục.

Phối hợp với gia đình học sinh,  giáo viên thực hiện đánh giá học sinh trong quá trình học tập với hình thức phù hợp, hướng dẫn các em phản hồi thông tin qua phiếu học tập. Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin để giao bài và nhận bài làm, sản phẩm học tập của học sinh qua các ứng dụng phần mềm phổ biến, thuận tiện trong sử dụng như zalo, facebook, email.

Đối với hình thức dạy học trực tuyến (hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến), trong quá trình giảng dạy, giáo viên chú trọng việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; thực hiện linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật đánh giá thường xuyên theo quy định.

Giáo viên tăng cường khuyến khích, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ học trò tự học, tự hoàn thành nhiệm vụ học tập, hoàn thành phiếu học tập, thu thập thông tin phản hồi qua các buổi học trực tuyến để đánh giá học sinh.

Nhà trường, giáo viên hướng dẫn để cha mẹ học sinh tham gia vào quá trình đánh giá người học. Trong đó, phụ huynh cần khuyến khích, hỗ trợ học sinh tự học, luyện tập, thực hành, vận dụng và trải nghiệm kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống để hình thành các phẩm chất, năng lực theo yêu cầu cần đạt của từng môn học, hoạt động giáo dục.

Cha mẹ quan sát các biểu hiện theo yêu cầu cần đạt của một số phẩm chất, năng lực ở học sinh thông qua trò chuyện, tương tác và giao nhiệm vụ cho học sinh ở nhà, để phản hồi thông tin, trao đổi cùng giáo viên trong quá trình đánh giá.

Nội dung đáng chú ý nhất trong công văn, Bộ GD&ĐT quy định “học sinh lớp 1, 2 thực hiện bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tiếp”. Theo đó, đối với hoạt động đánh giá định kỳ, Bộ hướng dẫn chỉ thực hiện khi học sinh đã được học nội dung chương trình các môn học, hoạt động giáo dục tương ứng, đã được giáo viên tổ chức thực hiện đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập và được tổng hợp kết quả đánh giá tại các thời điểm theo quy định (giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học).

Nhà trường có thể đánh giá định kỳ linh hoạt vào các thời điểm phù hợp với từng đối tượng và điều kiện tổ chức dạy học thực tế tại địa phương.  Đối với lớp 1, lớp 2, việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ được tổ chức bằng hình thức trực tiếp. Điều này nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh và tăng trách nhiệm quản lý của các cấp.

Trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, cơ sở giáo dục thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế và bảo đảm an toàn trong phòng dịch.

“Nhà trường cần lập kế hoạch thời gian thực hiện bài kiểm tra định kỳ; tổ chức họp với cha mẹ học sinh để phổ biến, hướng dẫn, tạo sự đồng thuận về phương án thực hiện.

Các trường chia nhỏ số học sinh/lớp để tổ chức hướng dẫn, ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức, định hướng nội dung “cốt lõi” trước khi thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với môn Toán, môn Tiếng Việt để đánh giá học sinh cuối học kỳ I và cuối năm học” – công văn nêu.

Trong trường hợp bất khả kháng, tại thời điểm kiểm tra định kỳ, học sinh không thể đến trường để làm bài kiểm tra bằng hình thức trực tiếp, cơ sở giáo dục báo cáo phương án, điều kiện tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến về Phòng GD&ĐT để được kiểm tra các điều kiện bảo đảm theo quy định trước khi thực hiện.

Ở trường hợp này, theo quy định trong Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến,  người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông sẽ quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

Đối với các lớp 3, lớp 4, lớp 5, bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học được tổ chức linh hoạt bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và phù hợp với tình hình phòng dịch Covid-19 tại địa phương vào thời điểm tổ chức đánh giá.

Nhà trường thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với các môn học Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc thiểu số. Riêng lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ vào giữa học kỳ I và giữa học kỳ II đối với môn Toán, môn Tiếng Việt.

Bộ GD&ĐT yêu cầu việc tổ chức bài kiểm tra định kỳ phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đánh giá đúng chất lượng học tập của người học. Nội dung đề kiểm tra phù hợp với yêu cầu cần đạt về nội dung học tập và các thành phần năng lực của môn học. Câu hỏi, bài tập kiểm tra phải được thiết kế bảo đảm các mức theo quy định, tập trung vào nội dung học tập “cốt lõi” theo công văn “Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19” Bộ GD&ĐT  ban hành ngày 10.9.2021.

KHÔNG ỔN

Trước đó, báo Tây Ninh đưa tin, Sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn kiểm tra học kỳ I năm học 2021–2022. Trong công văn gửi phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố, trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT nêu, do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các đơn vị vẫn phải tổ chức dạy và học trực tuyến đến hết học kỳ I năm học 2021-2022, vì vậy, việc kiểm tra cuối học kỳ I được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Đối tượng tham gia kiểm tra là học sinh cấp THCS, THPT và học viên Trung tâm GDNN-GDTX. Các đơn vị căn cứ vào phần mềm kiểm tra, tình hình thực tế để quyết định lựa chọn phương thức kiểm tra ở từng môn/khối cho phù hợp, nhưng phải bảo đảm tính bảo mật, an toàn, nghiêm túc, công bằng, chống tiêu cực, sai sót trong khâu ra đề, tổ chức kiểm tra, chấm kiểm tra.

Thời gian tổ chức kiểm tra được thực hiện đồng loạt cho các trường THCS (khối lớp 6, 7, 8, 9) và THPT, Trung tâm GDNN-GDTX (khối lớp 10, 11, 12) từ ngày 27.12 đến hết 30.12.2021.

Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng phương án tổ chức kiểm tra cuối học kỳ I năm học 2021-2022 (phân công ra đề, tổ chức kiểm tra, chấm kiểm tra, công bố kết quả…) bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục đúng theo quy định về kiểm tra định kỳ. Mọi thắc mắc, khiếu nại của học sinh, học viên về tổ chức kiểm tra, kết quả kiểm tra phải được giải quyết công khai và thoả đáng.

Trước thông tin Bộ GD&ĐT yêu cầu cho học sinh lớp 1, 2 làm bài kiểm tra trực tiếp tại trường, chiều muộn ngày 13.12, một số lãnh đạo làm công tác quản lý, công tác khảo thí tại Tây Ninh đều "thống nhất cao” rằng, việc cho học sinh lớp 1, 2 đến trường làm bài kiểm tra, trong thời điểm này, không thể thực hiện được, vì dịch bệnh đang quá phức tạp. Một vị trưởng phòng GD&ĐT cho biết, địa phương đang chờ hướng dẫn của Sở (sau khi Bộ GD&ĐT ra công văn nêu trên).

Tuy nhiên, theo vị này, ở Tây Ninh, không thể yêu cầu học sinh lớp 1, 2 làm bài kiểm tra tại trường học. “Nếu có tổ chức như hướng dẫn của Bộ, phụ huynh cũng không dám mạo hiểm cho con em họ tới trường” - vị này nêu.

Một cán bộ khác bày tỏ, “không thể được, học sinh lớp 1, 2 còn quá nhỏ, không nên quan trọng hoá chuyện đánh giá, kiểm tra, kể cả kiểm tra bằng hình thức trực tuyến hay trực tiếp. Chúng tôi đang nóng lòng muốn cho học sinh cuối cấp đến trường, đặc biệt  học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học nhưng cũng chưa thực hiện được”.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục