Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Học sinh vi phạm an toàn giao thông- bài toán khó giải
Thứ hai: 05:57 ngày 20/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không chỉ không đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn tham gia giao thông mà còn không đội mũ bảo hiểm, chở ba, phóng nhanh, đi hàng ngang... trong khi các cơ quan chức năng và nhà trường chưa thể kiểm soát hết.

Nhiều học sinh THPT sử dụng xe máy phân khối lớn.

Những năm gần đây, tình trạng học sinh THPT, thậm chí cả THCS, đi xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy đến trường ngày càng gia tăng. Không chỉ không đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn tham gia giao thông mà còn không đội mũ bảo hiểm, chở ba, phóng nhanh, đi hàng ngang... trong khi các cơ quan chức năng và nhà trường chưa thể kiểm soát hết. Chính vì vậy, số vụ tai nạn giao thông trong độ tuổi học sinh là con số không nhỏ, khiến dư luận xã hội lo ngại.

Còn khoảng cách giữa nhận thức và hành động

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT các huyện, thành phố đã nhắc nhở và xử phạt trên 355 trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông, với tổng số tiền phạt trên 92 triệu đồng. Đáng chú ý, đã có 9 vụ tai nạn giao thông do học sinh điều khiển phương tiện giao thông gây ra. Khi bị bắt lỗi, chủ yếu vẫn là xử phạt phụ huynh; đáng lo ngại hơn là nhiều trường hợp vi phạm quy định an toàn giao thông lại có biểu hiện trốn tránh lực lượng chức năng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông…

Có mặt tại cổng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP. Tây Ninh) lúc tan trường, dòng xe gắn máy, xe đạp điện của học sinh nối đuôi nhau, đổ ra từ phía cổng trường. Trong đó, hơn 1/3 là các loại mô tô trên 50 phân khối như Wave Alpha, Dream, Sirius, Exciter, Air Blade, Vision… hình ảnh các em học sinh trong bộ đồng phục của trường, vô tư ngồi trên những chiếc xe máy phân khối lớn phóng đi sau giờ học có lẽ không còn xa lạ với những phụ huynh và người dân xung quanh cổng trường.

Tương tự, Trường THPT Quang Trung (huyện Gò Dầu), các em học sinh thường gửi xe ở nhà những hộ dân gần cổng trường. Tại đây, có không dưới 5 điểm giữ xe, trong đó có khá nhiều xe máy phân khối lớn. Chủ một điểm giữ xe ở đây cho biết: “Nhà trường không nhận giữ xe, các em mang ra đây gửi thì chúng tôi nhận thôi”.

Còn trước các cổng Trường TH và THCS như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Võ Văn Kiệt, Chu Văn An, Trần Hưng Đạo (TP. Tây Ninh)… vào giờ tan học thường xuyên diễn ra cảnh nhốn nháo, mất trật tự, ùn tắc giao thông. Một phần là do phụ huynh đến rước con đứng chật cả cổng trường lẫn đường đi. Một phần khi đến giờ tan học, các em học sinh thường xuyên tụ tập trước cổng trường mua quà vặt, vui đùa, bất chấp cả dòng phương tiện đang ùn ứ, càng làm cho khung cảnh cổng trường giờ tan học như ong vỡ tổ và ẩn chứa nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Học sinh THCS là đối tượng bắt đầu tham gia giao thông khi tuổi còn khá nhỏ và thường thiếu kiến thức về pháp luật an toàn giao thông. Trên đường phố, người đi đường dễ dàng bắt gặp các học sinh mặc đồng phục sử dụng phương tiện xe đạp, xe đạp điện “kẹp” 3, 4, dàn hàng ngang, đánh võng, lạng lách, xe này “câu” xe khác lao vun vút trên đường.

Nhằm thúc đẩy việc chấp hành Luật ATGT của học sinh, Sở GD-ĐT cũng đã ban hành quy định: học sinh vi phạm lần 1 sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm trong tháng, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết không tiếp tục vi phạm. Học sinh đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2, sẽ hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ và trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú.

Đối với học sinh đã được giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông (ATGT) nhưng vẫn tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ và buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục, răn đe.

Theo Sở GD&ĐT, đầu năm học nào Sở cũng yêu cầu 100% các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trong tỉnh tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ điều kiện, đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện.

Tuy nhiên, cô Huỳnh Thị Tuyết Loan- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết: “Những năm qua, Ban giám hiệu nhà trường chúng tôi đều tổ chức công tác giáo dục, tuyên truyền về ý thức và văn hoá giao thông cho học sinh khi tham gia giao thông. Đầu năm, nhà trường mời Công an Thành phố về báo cáo, cho học sinh và phụ huynh ký cam kết về thực hiện an toàn giao thông.

Hằng tuần, nhà trường, thầy, cô giáo trong tiết chào cờ, tiết sinh hoạt lớp cuối tuần nhắc nhở các em liên tục về vấn đề trên, nhưng khi bước ra đường các em lại không đội mũ bảo hiểm, vẫn lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu. Còn về quy định xử phạt học sinh vi phạm Luật Giao thông, việc hạ hạnh kiểm, viết kiểm điểm, buộc thôi học hay đình chỉ học chỉ có tác dụng với các em học sinh ngoan, chăm học, còn với các em vốn ham chơi thì chẳng phải là vấn đề”.

Có thể thấy, tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông là do ý thức của các em chưa cao, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, chính phụ huynh là những tấm gương để các em noi theo. Theo ghi nhận tại nhiều trường cấp 1, 2 trên địa bàn thành phố Tây Ninh, hầu hết các em đến trường đều được phụ huynh đưa đón, nhưng lại có tình trạng, cha mẹ đi xe máy có đội mũ bảo hiểm, còn con ngồi phía sau thì không; lại có trường hợp, chở ba do phụ huynh điều khiển phương tiện. Đáng nói hơn, tại các ngã tư có đèn tín hiệu giao thông nhưng một số phụ huynh chở con vô tư vượt đèn đỏ. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân họ mà còn vô tình trở thành gương xấu cho chính con em của mình.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng uý Nguyễn Tuấn Anh- cán bộ Đội Tuyên truyền Phòng CSGT tỉnh cho biết: tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành quy định giao thông hiện nay chủ yếu là đối tượng học sinh, trên 80% học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, nhiều em chưa đủ tuổi vẫn đi xe máy trên 50 phân khối. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm của các em chủ yếu là nhắc nhở, giáo dục, chỉ xử phạt những trường hợp cố ý vi phạm nhiều lần, hoặc chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.

Một điểm giữ xe máy của học sinh ở một hộ dân gần trường học, trong đó nhiều xe phân khối lớn.

Hạn chế học sinh vi phạm AN TOÀN giao thông- trách nhiệm từ nhiều phía

Giải thích cho tình trạng vi phạm an toàn giao thông diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Phước- Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, phần lớn là do ý thức của phụ huynh còn kém, công tác giáo dục của nhà trường còn gặp phải một số khó khăn. Đồng thời, việc xử lý các hành vi vi phạm an toàn giao thông của học sinh, chưa có sức răn đe. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao hiệu quả sự phối hợp của gia đình, nhà trường và Ban ATGT về giáo dục ATGT cho học sinh.

Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ về việc tham gia giao thông an toàn. Chính vì thế, phụ huynh cần giáo dục cho con em mình ý thức chấp hành Luật Giao thông từ nhỏ. Việc giáo dục con cái chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông, không chỉ để bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của bản thân mà còn cho người khác. Phụ huynh không nên cho con sử dụng xe máy nếu chưa đủ tuổi; phải đội nón bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông trên đường. Hơn ai hết, phụ huynh phải là tấm gương chấp hành Luật Giao thông, ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông.

Về phía nhà trường, lâu nay, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục ATGT cho học sinh chưa thực sự chặt chẽ. Cô N.Đ.N - một phụ huynh thường đưa đón con tại Trường THCS Chu Văn An (TP Tây Ninh) chia sẻ, thông thường, cha mẹ học sinh chỉ gặp gỡ giáo viên trong ba buổi họp phụ huynh của năm, nên việc trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên chưa thật sự hiệu quả. Do đó, giữa phụ huynh và nhà trường cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho học sinh. Ở các buổi họp phụ huynh, cần có nhiều nội dung trao đổi về vấn đề ATGT cho học sinh. Nhà trường nên phân công giáo viên liên lạc với phụ huynh khi học sinh vi phạm để tìm phương pháp hiệu quả giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông cho các em.

Về phía ngành chức năng, Thượng uý Nguyễn Tuấn Anh- cán bộ Đội Tuyên truyền Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà trường và chính quyền địa phương để điều tiết giao thông ở những khu vực ngoài cổng trường trong các khung giờ cao điểm. Đồng thời, cần quyết liệt xử lý nghiêm đối với các phương tiện đỗ sai quy định, xử lý triệt để các lỗi vi phạm như học sinh chưa đủ tuổi đi xe gắn máy, không đội mũ bảo hiểm, chở ba, đi hàng ngang, lạng lách, đánh võng... Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động mọi người tham gia bảo đảm trật tự ATGT thông qua các phương tiện đại chúng.

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trước cổng trường, thầy Võ Hồng Châu - Hiệu trưởng Trường TH Kim Đồng (TP Tây Ninh) đã có các đề xuất như: Ban ATGT nên nghiên cứu lắp đặt con lươn ngăn cách ở đoạn đường 2 chiều (đường Nguyễn Thái Học, phường 2, TP.Tây Ninh) phía trước cổng trường để tránh tình trạng các xe ô tô quay đầu gây ùn tắc cả tuyến đường mỗi khi tan trường. Đồng thời, đề nghị Ban ATGT Thành phố lắp đặt biển cấm xe ô tô đậu một đoạn khoảng 100 mét trước cổng trường trong các khung giờ cao điểm như sáng từ 6 giờ tới 7 giờ, chiều từ 16 giờ tới 17 giờ, để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông mỗi khi đưa rước học sinh.

MINH DƯƠNG - NGỌC BÍCH - PHƯƠNG THẢO - ĐÀO NHƯ

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh