Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Học y theo kiểu thực dụng
Thứ năm: 09:02 ngày 12/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tiết học về kiểm soát nhiễm khuẩn của lớp K12a, trường Cao đẳng Y Thái Bình rất sôi nổi. Cả lớp chia 6 nhóm, ngồi vây quanh một chiếc laptop.

Các em không phải học lý thuyết của bài học trên lớp, mà cùng thảo luận, giải quyết về một ca lâm sàng.

Ca lâm sàng hôm 9/12 là về một bệnh nhân nam 75 tuổi mổ sỏi ống mật chủ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Ngày thứ hai sau mổ, bệnh nhân viêm phổi. Cô giáo đặt ra câu hỏi "bệnh nhân này có bị nhiễm khuẩn bệnh viện không?". 

"Bệnh nhân này bị nhiễm khuẩn bệnh viện", sinh viên Ngô Thị Thu trả lời. Nữ sinh viên lý giải về nguyên nhân, hậu quả, phương thức lây truyền và nhiễm khuẩn bệnh viện rất trôi chảy. Thu cho biết, lý thuyết này giảng viên chưa dạy mà sinh viên tự chủ động tìm hiểu và tại nhà, khi lên lớp vận dụng lý thuyết để xử lý các ca lâm sàng.

"Đây là phương pháp học đảo chiều đang được áp dụng tại trường", cô giáo Lê Thị Hoa, Bộ môn điều dưỡng, nói.

Theo cô Hoa, phương pháp này có nhiều hiệu quả trong việc dạy và học tại trường y. Khi giáo viên giao bài tập cho sinh viên, các em sẽ phải làm sản phẩm tự học tại nhà. Những tài liệu liên quan đến bài giảng đã được giáo viên đăng tải lên hệ thống e-learming của trường như giáo trình, video bài giảng. Sinh viên phải nghiên cứu trước, thảo luận nhóm và giải quyết các tình huống mà giáo viên giao.

"Khi lên lớp, sinh viên chỉ trình bày sản phẩm tự học ở nhà, giáo viên chỉ định hướng và kết luận bài học", cô Hoa nói.

Sinh viên học theo phương pháp mới tại Trường Cao đẳng Y Thái Bình. Ảnh: Lê Nga.

Với phương pháp truyền thống, khi lên lớp giáo viên phát tài liệu và thuyết trình. Nay, giáo viên cần có sự chuẩn bị hơn, cụ thể phải soạn giáo trình và video bài giảng để đăng tải lên hệ thống của trường, để các em có tư liệu học trước khi đến lớp. Ngoài ra, giáo viên cũng cần xây dựng tình huống liên quan đến bài học, gắn với thực tế. Sinh viên tự phán đoán tình huống, thực tế chứ không theo sách vở, lý thuyết.

"Cách học này cả giáo viên và sinh viên đều bận, vất vả hơn, song học sinh hiểu bài, hứng thú hơn, khi học lâm sàng tại bệnh viện cũng hiệu quả hơn", cô Hoa nói.

Linh Chi, sinh viên năm nhất cho biết ban đầu học theo phương pháp mới rất bỡ ngỡ. Em đã quen với việc học truyền thống, lên lớp cô giáo giảng lý thuyết rồi về làm bài tập về nhà. Nay em và các bạn phải chủ động hơn, tự tìm hiểu lý thuyết, lập nhóm để làm bài tập. Khi lên lớp cô giáo chữa bài và phản hồi lại.

"Em mất 2 tuần để quen với phương pháp dạy này, giờ thì rất thích", Linh Chi nói.

Sinh viên năm cuối Đào Ngọc Chiến vừa kết thúc đợt thực tập tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, cho biết nhờ được học nhiều các ca lâm sàng trên lớp mà em không còn bỡ ngỡ khi thực tập tại viện. Mới đây, một bệnh nhân nhập viện do viêm phổi tại bệnh viện đa khoa tỉnh, hôm đó Chiến trực đêm. Giữa đêm, bệnh nhân tím tái, kích thích, vật vã. Ngay lập tức, Chiến cùng các bác sĩ cấp cứu bệnh nhân, cho thở oxy, truyền dịch, tiêm thuốc, đặt ống xông... Được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân hồng hào trở lại.

Chiến cho biết học điều đưỡng có nhiều khó khăn. Năm cuối, em học lâm sàng nhiều, sáng ở viện, chiều về trường học, buổi tối lại trực đêm ở viện. Mỗi đợt thực tập kéo dài hơn một tháng. Những ngày đầu, Chiến chỉ chuẩn bị đồ đạc, dụng cụ cho các bác sĩ cấp cứu, nhưng sau quen dần, em đã được tham gia cấp cứu cùng các bác sĩ như ép tim, tiêm thuốc... Nhờ được học lâm sàng nhiều, Chiến tự tin khi ra trường sẽ làm tốt công việc của một điều dưỡng. Em có dự định xin học việc tại bệnh viện huyện.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết phương pháp mới này được áp dụng tại tất cả các chương trình đào tạo của trường từ đầu năm nay. Theo khảo sát, gần 70% sinh viên đồng ý với cách dạy này. Gần 90% giáo viên đánh giá phương pháp giảng dạy đang áp dụng này phù hợp với chuẩn đầu ra của khóa học

Theo ông Sơn, yêu cầu sinh viên tự học trước khi đến lớp cần hoàn thành 3 công việc, cụ thể là tự học các nội dung trong e-learning, làm bài tập nhóm (nộp sản phẩm tự học thông qua email), làm test tự lượng giá (yêu cầu sinh viên phải hoàn thành >50% số câu test mới được lên học tại phòng thực hành). Tại phòng học, sinh viên báo cáo giải quyết tình huống dựa trên lý thuyết đã tự học theo nhóm. Giáo viên sẽ tập trung vào những công việc cụ thể mà sinh viên sẽ làm sau khi tốt nghiệp, phân tích, làm rõ thêm kiến thức qua các câu hỏi trắc nghiệm.

Khi sinh viên thực hành tại phòng mô phỏng, nhà trường bố trí giống như buồng bệnh. Sinh viên tiếp nhận ca bệnh, tự chuẩn bị dụng cụ (3-4 kỹ thuật cho một ca bệnh). Sinh viên sẽ được tiến hành thực hiện kỹ thuật có sự hỗ trợ của giảng viên. Nhà trường cũng sử dụng hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện để quản lý bệnh nhân, để các em làm quen dần.

Sinh viên thực hành tại phòng mô phỏng. Ảnh: Lê Nga.

Phương pháp học mới này nằm trong Dự án Giáo dục và Đào tạo Nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET) của Bộ Y tế. Việc đổi mới chương trình bao gồm các nội dung: xây dựng chương trình chi tiết đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng tạo ra năng lực thực hành nghề nghiệp, lồng ghép, tích hợp các kiến thức, phát triển đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp dạy, học, tăng cường giảng dạy lâm sàng, xây dựng công cụ lượng giá sinh viên theo chương trình mới, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, quản trị chương trình đổi mới...

Đến nay đã có 5 trường thí điểm đổi mới chương trình đào tạo dựa trên năng lực với ngành bác sĩ y khoa (Đại học Y dược TP HCM, Thái Bình, Huế, Thái Nguyên, Hải Phòng), 3 trường đào tạo bác sĩ răng hàm mặt (Đại học Y Hà Nội, TP HCM, Huế), 4 trường đại học, 3 trường cao đẳng thay đổi chương trình đào tạo điều dưỡng... Năm 2019 là năm thứ hai các trường đào tạo bác sĩ y khoa, nha khoa, điều dưỡng tiếp tục triển khai chương trình đổi mới.

Dự kiến, dự án HPET hỗ trợ các cơ sở đào tạo tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo chuyên khoa nhằm nâng cao năng lực hành nghề cho đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân, hội nhập quốc tế.

Mỗi năm hệ chính quy của Trường cao đăng Y Thái Bình nhập mới khoảng 400 sinh viên. Khoảng 70% sinh viên ra trường có việc trong vòng 6 tháng.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục